(VietNamNet) - Khắc phục hậu quả sóng thần và hội nhập du lịch ASEAN 2010 là hai nhiệm vụ chính được các bộ trưởng du lịch ASEAN xác định tại Langkawi, Malaysia.
Các phiên họp giữa các quan chức cấp cao ngành du lịch ASEAN và giữa họ với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ từ 24-25/1 tại Langkawi, Malaysia tập trung thảo luận việc tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy du lịch và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để giảm thiểu hậu quả sóng thần.
Việc cần làm ngay: khắc phục hậu quả sóng thần
Các bộ trưởng du lịch ASEAN tại cuộc họp báo chiều 25/1.
Trong cuộc họp báo chiều 25/1 với sự tham dự của hơn 100 nhà báo từ nhiều châu lục, các vị lãnh đạo du lịch ASEAN đã khẳng định với báo giới quyết tâm khôi phục ngành du lịch tại các nước bị ảnh hưởng của đợt sóng thần ngày 26/12/2004. Thậm chí, họ còn khẳng định sẽ đưa mức tăng trưởng du lịch vượt qua ngưỡng trước ngày xảy ra thảm hoạ.
“Xin mời các bạn tới thăm Indonesia. Aceh [nơi xảy ra thảm hoạ sóng thần] chỉ là 5% của Indonesia mà thôi, chúng tôi còn Bali, Jakarta, Yojakarta… còn tới 95% của đất nước chúng tôi, rất đẹp và rất xứng đáng được các bạn ghé thăm,” ông Jero Waik, Bộ trưởng Văn hoá và Du lịch Indonesia kêu gọi.
“ASEAN là một điểm đến an toàn" - đó là thông điệp ngắn gọn mà các nước ASEAN, nhất là những nước bị ảnh hưởng của đợt sóng thần vừa qua, muốn đưa ra với khách du lịch.
Một trong số những biện pháp cụ thể được đưa ra trong phiên họp giữa các vị lãnh đạo du lịch ASEAN với các đối tác là: sẽ tổ chức các chuyến đi khảo sát tới các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ vừa qua cho khách du lịch từ ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhật Bản cho biết nước này sẽ hỗ trợ việc xây dựng lại một số cơ sở hạ tầng du lịch bị tàn phá vừa qua.
“Trong năm 2004, ASEAN đã đón 3,62 triệu lượt người Nhật tới thăm. Chúng tôi muốn nơi đây vẫn là điểm đến an toàn”, ông Hayao Hora, Thứ trưởng phụ trách Các vấn đề quốc tế, Bộ Đất đai, Hạ tầng cơ sở và Giao thông Nhật Bản cho biết.
Ông Krik-Krai Jirapaet, Thứ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đã bày tỏ lòng biết ơn với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc khắc phục hậu quả sóng thần tại nước này. Được biết, Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đã chọn chính Phuket, nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề ở Thái Lan, là nơi tổ chức một phiên họp đặc biệt về khôi phục ngành du lịch sau động đất và sóng thần vào ngày 1/2 tới. Đặc biệt, các vị lãnh đạo du lịch ASEAN kêu gọi báo chí hỗ trợ trong vấn đề này. Một lời kêu gọi tương tự cũng được đưa ra với vấn đề cúm gà. “Chúng tôi mong muốn các nhà báo đưa những thông tin chính xác và nên khoanh vùng về những địa phương có dịch để khách du lịch có thể yên tâm”, ông Leo Michael Toyad, Bộ trưởng Du lịch Malaysia đồng thời là chủ toạ Diễn đàn, nói.
Sẽ miễn thị thực cho công dân ASEAN
Các thiếu nữ Malaysia trong trang phục dân tộc đón chào khách tới dự lễ khai mạc ATF 2005.
Trong năm 2004, lượng khách du lịch vào các nước ASEAN là 44 triệu lượt người, tăng 35% so với năm 2003. Nhưng con số này, theo dự đoán của các bộ trưởng, sẽ còn tiếp tục tăng trong các năm tới. ASEAN đặt mục tiêu giữ vững vị trí hàng đầu trên thế giới hiện nay trong tăng trưởng du lịch.
Nếu như ATF 2004 ở Vientiane, Lào tập trung quanh vấn đề tạo dựng và duy trì du lịch bền vững và “có trách nhiệm” với môi trường và xã hội, thì năm nay những người tham gia diễn đàn lại quan tâm tới chủ đề tiếp thị du lịch ASEAN như một thể thống nhất và hài hoà. Đó cũng là sự thay đổi trong tầm nhìn về du lịch, vẫn thường bị bó hẹp trong phạm vi một nước hay tiểu vùng. Cùng với đó là việc mở rộng và tìm khiếm những thị trường tiềm năng. Diễn đàn năm nay lần đầu tiên có sự tham gia của Ấn Độ như một đối tác chính thức và Nga với tư cách quan sát.
Biện pháp trước tiên là việc thành lập một nhóm làm việc đặc biệt để soạn thảo những tiêu chí chung cho du lịch ASEAN do Thái Lan chủ trì.
Việc hội nhập du lịch ASEAN đã có khởi đầu từ Hiệp định Du lịch ASEAN được các nhà lãnh đạo ASEAN ký tại Phnom Penh, Cambodia vào ngày 4/11/2002. Là một trong những ngành hội nhập trọng điểm của khu vực này, ngành du lịch ASEAN đặt mục tiêu hội nhập hoàn toàn vào năm 2010.
Cùng với đó là các giải pháp về thị thực cho du khách nhằm khuyến khích khách du lịch tới từ những nước ngoài ASEAN và khách du lịch nội vùng ASEAN có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa các nước trong khối. Hiện nay các cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách di trú và thị thực của các nước ASEAN đang đẩy nhanh tiến trình đơn giản hoá thủ tục này. Các bộ trưởng du lịch ASEAN ủng hộ việc soạn thảo một Hiệp định khung về miễn thị thực cho công dân ASEAN và mong muốn hiệp định này mau chóng được hoàn thành và thực thi.
Ngoài ta, các giải pháp về cơ sở hạ tầng cũng được đề cập tới, cụ thể là lời cam kết sẽ mở rộng các tuyến đường hàng không, đường bộ và đường thuỷ trong ASEAN.
Trước mắt, chưong trình quảng bá du lịch “Tới thăm ASEAN” sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm khuyến khích du lịch trong ASEAN. Hãng truyền thông CNN tiếp tục được nhận vị trí “Đối tác Chính thức về Truyền thông Cáp và Vệ tinh Quốc tế” cho chương trình quảng bá “Tới thăm ASEAN” năm nay.
Ngoài Hip-Hop Pass là một hình thức khuyến mại giá phòng, giá tour và giá vé máy bay đang được thực hiện, các hình thức khuyến mại khác sẽ được đưa ra. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số nhà kinh doanh khách sạn thì hình thức này chưa thực tế vì giá khuyến mãi phòng đưa ra cao hơn mặt bằng chung ở một số nước, và lại thấp hơn ở một số khác. Đây cũng là một thực tế cần có giải pháp và một bộ tiêu chuẩn du lịch chung để giải quyết cả những vấn đề tương tự trong tương lai.
Nhìn rộng ra, hợp tác và hội nhập du lịch nằm trong tổng thể hợp tác kinh tế toàn diện của các nước ASEAN. Việc tự do hoá các dịch vụ du lịch đã có bước tiến mới với việc các bộ trưởng kinh tế ASEAN vừa ký Biên bản thực hiện Gói cam kết thứ tư nằm trong Hiệp định khung về Dịch vụ của ASEAN (AFAS) tại Jakarta, Indonesia vào tháng 9/2004.
-
Hương Trần (từ Langkawi, Malaysia)