221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
613476
“Gia nhập WTO cũng là để bảo vệ mình”
1
Article
null
“Gia nhập WTO cũng là để bảo vệ mình”
,

Vấn đề chính của cuộc trao đổi giữa ông Mike Moore - cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - với báo giới chiều qua (11/4) là tiến độ đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam và những rào cản trong đàm phán song phương.

"Quan trọng là quan điểm đàm phán của VN như thế nào".

“Đàm phán gia nhập WTO ngày càng khó vì các thành viên ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn. Chúng ta không thể so sánh thời điểm của Việt Nam với New Zealand hay các thành viên khác. Trung Quốc chẳng hạn, họ phải đàm phán 15 năm với những vòng đàm phán rất khó khăn. Việt Nam gia nhập WTO không thể dễ dàng hơn Trung Quốc”, ông Moore cho biết.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiến độ đàm phán với New Zealand không thuận lợi như dự kiến, ông Moore khẳng định tất cả các nước tham gia đàm phán song phương đều có những mối quan tâm nhất định.

“Cần nhấn mạnh rằng New Zealand là một nền kinh tế mở hoàn toàn. Nhiều người nói New Zealand đã mở cửa rất mạnh cho các nền kinh tế kém phát triển thì sẽ không còn quân bài nào nữa để thương lượng. Vậy tại sao New Zealand lại phải thương lượng rắn với các nước? Đơn giản vì chúng tôi muốn tốt cho cả 2 bên và đảm bảo sự đoàn kết với tất cả các nước kém phát triển”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông, rào cản lớn nhất trong quá trình đàm phán không phải đến từ những quốc gia thành viên mà lại xuất phát từ chính quan niệm của những nước tham gia đàm phán. “Khi đàm phán, họ thường quan niệm mình đang phải nhân nhượng vì lợi ích của quốc gia khác chứ không phải vì lợi ích của chính mình”.

“Ví dụ chúng tôi cho phép Việt Nam xuất khẩu khoảng 20.000 áo sơmi sang New Zealand và ngược lại Việt Nam nhập của New Zealand khoảng 10.000 pound bơ. Như vậy, người New Zealand có cơ hội được dùng hàng dệt may giá rẻ, còn Việt Nam được dùng bơ giá rẻ. Đó chính là hai bên cùng có lợi”.

Trước cuộc trao đổi này - được tổ chức nhân chuyến thăm lần thứ 3 của ông Mike Moore tới Việt Nam, cựu Tổng giám đốc WTO cũng đã có buổi họp tại Bộ Thương mại và thông điệp chính mà ông đưa ra là WTO sẽ tạo một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, dễ tiên đoán hơn và hạn chế tham nhũng cho bản thân các nước thành viên. Kinh nghiệm 50 năm qua đã chứng minh rằng những nước có mức sống cao nhất là những quốc gia theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại. Môi trường kinh doanh lành mạnh phải tạo ra những doanh nhân sắn sàng đối mặt với cạnh tranh chứ không phải kiếm lời từ sự trợ giúp của Chính phủ hay lợi dụng những hạn chế, bảo hộ của nhà nước.

“Không thể nói quốc gia nào gây khó khăn lớn nhất cho Việt Nam trong quá trình đàm phán. Quan trọng là quan điểm đàm phán của Việt Nam như thế nào. Đôi khi để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, Chính phủ làm tổn hại cho chính mình. Có thể lấy một ví dụ thực tế trong việc bảo hộ ngành công nghiệp đường. Sự bảo hộ sẽ dẫn đến nhiều doanh nghiệp đi mua đường giá rẻ của nước ngoài để bán lại trong nước”, ông nói.

Theo ông, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Điều đó đồng nghĩa với việc hướng tới một thị trường mở, minh bạch có tính cạnh tranh cao. Việt Nam có thể tiến hành nhiều cải cách kinh tế, nhưng điều quan trọng là Việt Nam đổi mới kinh tế cho chính mình chứ không phải vì một nhân nhượng nào đó với Mỹ, Nhật Bản, EU hay bất cứ nước nào.

Trả lời câu hỏi về bình luận của mình trước ý kiến cho rằng WTO không phải là con đường phát triển duy nhất cho nền kinh tế Việt Nam, ông Moore cho rằng gia nhập WTO không phải là bắt buộc. “Tuy nhiên, tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này có những “luật chơi” chung đảm bảo công bằng nhất có thể cho các thành viên”, ông nói. “Gia nhập WTO không chỉ để mở rộng thị trường buôn bán mà hơn nữa, mỗi quốc gia sẽ có một khuôn khổ để tự bảo vệ mình. Đó là cơ sở giải quyết các tranh chấp thương mại mà không phải dựa vào các hiệp định song phương, hiệp định khu vực”.

Cơ quan giải quyết tranh chấp mới được thành lập trong WTO có nhiều ưu điểm hơn cơ chế giải quyết tranh chấp trong phạm vi GATT (tiền thân của WTO). Cơ chế giải quyết tranh chấp mới khuyến khích và cho phép các nước thành viên đàm phán để đi đến một biện pháp hòa giải. Nếu thất bại, một ban giải quyết tranh chấp sẽ được thành lập để phân xử và có một cơ quan kháng án đưa ra quyết định cuối cùng. Tất cả các phán quyết cuối cùng này phải được các bên có liên quan chấp thuận. Nếu kết quả giải quyết tranh chấp không được thi hành nghiêm túc, bên có quyền lợi bị vi phạm có thể áp dụng những biện pháp trả đũa.

Thực tế vụ kiện giữa Mỹ và Costa Rica đã cho thấy nước lớn cũng có thể bị thất bại. Việc thiết lập tòa án quốc tế này đã làm cho hiệu quả của hệ thống thương mại đa biên được nâng cao. Vào WTO những nước yếu như Việt Nam sẽ có quyền thương lượng và khiếu nại một cách công bằng hơn với các cường quốc thương mại trong tranh chấp dựa trên những luật lệ chung.

(Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,