(VietNamNet) - Người tiêu dùng hiện nay đang bối rối với nào là truyền hình số vệ tinh, truyền hình số mặt đất; nào 24 với 42 kênh… Giống như người đang quen dùng những món ăn dân dã, nay bàn tiệc được bày ra, họ muốn tìm và lựa chọn những “món” ngon nhất cho mình.
Thiết bị VTC lên ngôi
Bàn tiệc kỹ thuật số đang được bày ra với nhiều món ngon. |
Điều khiến người dân yêu truyền hình và các nhà kinh doanh, lắp đặt thiết bị truyền hình tại TP.HCM xôn xao hơn tuần lễ nay không phải là chuyện truyền hình cáp (MMDS) mở đợt siêu khuyến mãi lắp đặt trọn gói và cho mượn bộ giải mã dài hạn. Vì cho dù mức phí lắp đặt đã giảm xuống 660.000 đồng thay cho mức 750.000 đồng trước đây, và người tiêu dùng cũng không phải mua thiết bị giải mã với giá trên 3 triệu đồng nữa, thì hộ gia đình sử dụng dịch vụ TH cáp vẫn phải trả phí thuê bao lên tới 350.000/tháng. Có người ví von “Mức phí này bằng nuôi một đứa con ăn học mỗi tháng”... Họ xôn xao cũng không phải do truyền hình số vệ tinh (DTH) mở đợt khuyến mãi cho khách hàng đăng kí từ ngày 1/04 đến 30/06 với giá thiết bị chỉ có 2.250.000 đồng mà lại được bao công lắp đặt và miễn phí thuê bao 2 năm. Bởi vì loại này thu được chỉ có 12-13 kênh và vùng phát sóng lại bị giới hạn. Sau hai năm vẫn phải móc túi ra để trả tiền thuê bao, khoảng 65.000đ/tháng.
Điều mà mọi người đặc biệt quan tâm là chuyện Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghệ Truyền hình Việt Nam (VTC) được Chính phủ cho phép ứng dụng công nghệ TH số mặt đất trên phạm vi toàn quốc. Thiết bị giải mã model T12 (trên 2 triệu đồng) của VTC cho phép người xem thưởng thức tới… 42 kênh truyền hình trong và ngoài nước, trong đó có 18 kênh phát mới và 24 kênh đã phát 3 năm nay khi VTC hợp tác cùng TH Bình Dương thử nghiệm công nghệ TH kỹ thuật số mặt đất. Điều này đã làm cho “bàn tiệc kỹ thuật số” thêm bội phần hấp dẫn. Ngoài chuyện phát được nhiều kênh, VTC còn có sức thu hút ở các kênh riêng của mình: VTC1 là kênh giải trí tổng hợp, VTC2 là kênh phim được “Việt hóa” lời thoại, sắp tới còn có thêm VTC3 chuyên về thể thao và các VTC… n trong tương lai.
Humax âm mưu… bẻ khoá
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, chủ doanh nghiệp tư nhân Thái Hải, một trong những nhà phân phối chính thức của VTC cho biết, từ khi VTC phủ sóng ở TP.HCM và đưa thêm 18 kênh mới vào hệ thống TH kỹ thuật số mặt đất của mình, 2 cửa hàng kinh doanh bộ giải mã VTC của DN tại số 858 Nguyễn Trãi, quận 5 và 29/3 A1 Trường Chinh, quận Tân Bình bán ra rất mạnh. Cao điểm có ngày tiêu thụ tới 40 bộ thiết bị giải mã (SET TOP BOX). Còn ông Chiêm Quốc Sơn - một nhà phân phối khác của VTC hiện có 6 cửa hàng bán lẻ tại TP.HCM thì cho hay, số lượng đầu kỹ thuật số VTC bán ra trong mấy ngày gần đây tăng 30% so với trước (khi đầu KTS chỉ xem được 24 kênh). Trung bình mỗi ngày, DN Thanh Sơn của ông tiêu thụ khoảng hơn 30 bộ.
Đầu giải mã chương trình kỹ thuật số của VTC đang được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Ấy thế nhưng, không phải ai cũng hồ hởi đổ xô đi mua thiết bị của VTC. Anh Nguyễn Hữu Tiến, nhà ở quận 10, TP.HCM, kế toán trưởng của một công ty nước ngoài kể lại những nỗi niềm “truyền hình kỹ thuật số” của mình: Nghe nhiều bạn bè nói dạo này truyền hình kỹ thuật số VTC thu được nhiều kênh hấp dẫn, hình ảnh sắc nét, lại không tốn phí thuê bao, tôi định chuyển sang xem loại này. Song, khi đi tìm hiểu thị trường thiết bị giải mã các chương trình truyền hình kỹ thuật số, tôi hoa mắt với nào là bộ giải mã VTC, VTC Bình Dương chính hãng, Humax. Chả biết đường nào mà lần, sợ mua nhầm…
Điều băn khoăn của anh Tiến được các chuyên gia trong giới giải thích: cách đây gần 3 năm, VTC có hợp tác cung cấp thiết bị giải mã cho kênh truyền hình kỹ thuật số Bình Dương với các bộ giải mã model T11, T19, T10A, T9, T5. Nhưng giờ đây, VTC không chỉ xuất hiện như một nhà cung cấp các thiết bị mà là một nhà kinh doanh trên toàn quốc, với việc tung ra các kênh riêng và thiết bị đời mới nhất. Do VTC không thông báo trên các phương tiện đại chúng, nên nhiều đại lý đã thừa cơ nâng giá bằng cách “hô hoán” những thiết bị không có tem bảo hành, không có dấu của Bình Dương thì không phải hàng chính hãng!
Riêng Humax - nhà cung cấp đầu giải mã của Hàn Quốc, trước đây đã tìm cách thu được 24 kênh của TH Bình Dương, nên từng quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng và bán khá chạy. Từ lúc VTC ra mắt khách hàng 18 kênh mới, đầu KTS của Humax bị khựng lại vì không xem được 18 kênh này. Dân tình đang kháo nhau, Humax tiếp tục “âm mưu” bẻ khoá để thâm nhập tiếp 18 kênh của VTC!
Càng ngon, càng tốn tiền
Với tình hình như hiện nay, cuộc chạy đua để chiếm lĩnh thị phần trong khu vực truyền hình kỹ thuật số đã và sẽ còn quyết liệt. Theo giới thạo tin cho biết, ngoài các kênh truyền hình kỹ thuật số vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam, truyền hình kỹ thuật số mặt đất của VTC, Bình Dương, thì Đài truyền hình TP.HCM cũng sắp sửa gia nhập vào “bàn tiệc kỹ thuật số” trong một ngày không xa với bộ giải mã riêng của mình.
Ngoài ra, không chỉ chạy đua về kỹ thuật, khi VTC và các đài khác tiếp tục mở ra nhiều kênh, đầu tư các kênh chuyên đề thì cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho những người thực hiện chương trình, là làm sao để chương trình của mình phải hay, hấp dẫn bạn xem đài và không trùng lắp với các “nhà” khác.
Về phía người tiêu dùng, song song với việc có nhiều sự lựa chọn trong thực đơn giải trí của mình, họ phải đối mặt với vấn đề: chi phí mua mới, lắp đặt thiết bị mỗi khi có nhiều hình thức, nhiều kênh mới xuất hiện. Người mua sau càng được hưởng nhiều quyền lợi hơn so với người mua trước. Ông Chiêm Quốc Sơn, chủ doanh nghiệp Thanh Sơn cho rằng, với lợi thế phát được nhiều kênh, VTC sẽ còn thắng lớn nếu có chiến lược kinh doanh và truyền thông rõ ràng, cụ thể, cũng như có cả một chiến lược hậu mãi, khuyến mãi hấp dẫn người tiêu dùng. Hiện nay, chỉ những người mua thiết bị model T11 mới có thể nâng cấp kênh để xem được 42 kênh của VTC, với tốn phí 150.000 đồng. Còn những model trở về trước đành bó tay! Trong kinh doanh, nếu không khéo chiều chuộng khách hàng, thị phần sẽ “nhường” về tay đối thủ. Thị trường truyền hình kỹ thuật số cũng không phải là ngoại lệ.
-
Phi Đan