221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
631994
Xuất khẩu tôm vào Mỹ, cánh cửa đang khép?
1
Article
null
Xuất khẩu tôm vào Mỹ, cánh cửa đang khép?
,

Chỉ còn hai tháng nữa sẽ vào mùa thu hoạch tôm vụ chính, thế nhưng hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản hiện vẫn đang cố gắng xoay xở để tiêu thụ số tôm còn  tồn kho khá lớn.

Đầu ra của tôm lại gặp thêm khó khăn khi cánh cửa vào thị trường Mỹ của mặt hàng này đang dần dần khép lại.

Người nuôi khốn đốn, nhà xuất khẩu lao đao

Chế biến tôm xuất khẩu.

Đã nhiều ngày nay anh Thẩu (xã Phước Vĩnh Thạnh, Cần Giuộc, Long An) chạy đôn chạy đáo kêu lái đến xả ao tôm đã đến tuổi thu hoạch nhưng kết quả công cốc. Giá tôm cứ bị lái hạ xuống từng ngày, từ 75.000đ/kg loại 30 con xuống còn 70.000đ/kg và mấy hôm nay anh kêu bán 65.000đ/kg nhưng cũng chưa có lái nào đến mua.

Sau những đợt tôm chết do dịch bệnh, nhiều người nuôi tôm tại khu vực ĐBSCL lại đang khốn đốn vì tôm rớt giá nhưng muốn bán cũng khó. Theo anh Tư Khen - chủ nhiều ao tôm tại Phước Vĩnh Thạnh - chưa năm nào giá tôm sú vào vụ nghịch lại rớt thê thảm như hiện nay, chỉ trong vòng hai tháng giá tôm sú đã giảm 20.000-30.000đ/kg.

“Giá tôm sẽ còn tiếp tục giảm nữa. Nhưng đâu chỉ có người nuôi tôm thua lỗ, các nhà xuất khẩu (XK) cũng đang lao đao. Số hàng tồn kho khá lớn, nhiều nhà XK bị lỗ nặng...”, ông Nguyễn Văn Kịch - giám đốc Công ty Cafatex VN - nói.

Theo các DN, từ sau khi qui chế về đóng bond (bảo lãnh thanh toán) được hải quan Mỹ áp dụng vào đầu tháng 3-2005 đến nay, hoạt động XK thủy sản vào thị trường này gần như án binh bất động. Nhiều DN XK thủy sản trước đây có kim ngạch XK tôm vào Mỹ lên đến vài chục triệu USD thì giờ đây không đưa được lô hàng nào vào thị trường này.

“Chúng tôi dự kiến sẽ giảm bớt thu mua, giảm sản xuất và ngưng một số dây chuyền nếu tình hình XK tôm vào thị trường Mỹ không có chuyển biến tích cực hơn”, ông Đỗ Ngọc Quí - giám đốc Công ty Kim Anh - cho biết. Mọi năm Công ty Kim Anh đưa khoảng 30% sản lượng tôm XK vào thị trường Mỹ nhưng năm nay nhiều khả năng sẽ không xuất được hoặc xuất với số lượng rất ít.

Hiện Công ty Kim Anh cũng đã đẩy mạnh khai thác một số thị trường như Nhật, Hàn Quốc, Trung Đông..., song giá tôm ở những thị trường này cũng chịu tác động của những diễn biến trên thị trường Mỹ. Những lô hàng lẽ ra đưa vào thị trường Mỹ nay chuyển sang một số thị trường như Nhật, Trung Đông... khiến giá tôm tại các thị trường này cũng giảm, tiêu thụ cũng khó khăn hơn.

Theo qui định mới của hải quan Mỹ, các DN nhập khẩu tôm từ các nước chịu thuế “chống bán phá giá” phải  ký quĩ (mua bond) một khoản tiền tương đương với giá trị nhập khẩu trong vòng một năm nhân với mức thuế chống bán phá giá. Khoản ký quĩ này đóng theo từng năm, dựa trên giá trị nhập khẩu năm trước, và chỉ được giải bond sau ba năm khi có được kết quả tính lại giá thành, giá bán của từng lô hàng để quyết định mức thuế “chống bán phá giá” mới. Để tránh rủi ro, các nhà nhập khẩu tôm của Mỹ yêu cầu nhà XK phải thay đổi phương thức mua bán, theo đó nhà XK sẽ phải chấp nhận đóng khoản tiền bond này.

“Nhiệm vụ bất khả”?

“Cánh cửa vào thị trường Mỹ đã gần như khép lại, các DN sẽ rất khó tìm được đường đưa hàng vào thị trường này” - ông Kịch nhận định. Theo ông Kịch, khác với thông lệ trước đây là chỉ cần đóng một khoản tiền nhỏ, nhà nhập khẩu Mỹ sẽ được các công ty bảo hiểm cấp bond, nay nhà nhập khẩu bị buộc phải đóng 100-120% khoản bond bằng tiền mặt. Không thể đóng một khoản tiền vài triệu đến vài chục triệu USD tiền bond (mà nhiều khả năng bị mất trắng), các nhà nhập khẩu buộc phải đẩy rủi ro này cho các nhà XK VN.

Nếu tính theo kim ngạch XK tôm VN vào thị trường Mỹ năm 2004 khoảng 400 triệu USD, thì các nhà XK thủy sản VN phải đóng khoản tiền bond lên tới 20 triệu USD/năm. Và sẽ phải đóng liên tục trong ba năm là 60 triệu USD trước khi được xem xét lại mức thuế suất.

Giám đốc một DN chuyên XK tôm vào thị trường Mỹ khẳng định chỉ trừ khi có sự can thiệp của chính phủ hai nước hoặc người tiêu dùng Mỹ phản ứng, những rắc rối về đóng bond mới có thể được tháo gỡ. Theo các DN, với số vốn không nhiều, hầu hết DN xuất khẩu tôm VN đều không đủ khả năng để mua bond, do đó việc XK tôm vào thị trường Mỹ trong thời gian tới được cho là “nhiệm vụ bất khả”.

Nhiều DN cũng cho rằng tôm ứ đọng và rớt giá trong thời gian gần đây còn có nguyên nhân khác là lượng hàng tồn kho tại thị trường Mỹ vẫn khá lớn. Tại VN, ngoài lượng hàng dự trữ khá lớn từ vụ thu hoạch cuối năm trước, sản lượng tôm thu hoạch vụ nghịch hiện nay tại khu vực ĐBSCL cũng khá dồi dào khiến nguồn cung tăng lên.

Ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty Fimex VN - cho rằng nguồn cung trong nước tăng trong khi thị trường tiêu thụ ứ hàng, giá tôm giảm là điều không thể tránh khỏi. “Nếu hoạt động XK tôm không có những chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới, người nuôi tôm VN chắc chắn sẽ lâm vào tình cảnh tiền mất nợ mang” - giám đốc một DN XK tôm lo lắng.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,