221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
649198
Trái cây nội rớt giá, trái cây ngoại hút hàng
1
Article
null
Trái cây nội rớt giá, trái cây ngoại hút hàng
,

Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ mùa trái cây, từ chợ nông thôn cho đến chợ huyện, tỉnh, thành phố… trái cây bày bán tràn ngập với giá cả cực thấp. Thêm một năm nhà vườn miền Tây đối mặt với thực trạng đau lòng “được mùa, dội chợ, rớt giá”. Trong khi đó, trái cây ngoại đang “lên hương” chiếm lĩnh thị trường…

Điệp khúc “được mùa, mất giá”
Trái cây ngoại tràn ngập siêu thị.

Tình trạng tuột giá trái cây liên tục ở vùng sản xuất ĐBSCL trong những ngày qua - giá giảm khoảng 30% - 50% so với tháng trước - thật đáng lo ngại.

Ông Dương Văn Huyền, Chủ nhiệm HTX cây giống Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) thở dài: “Giá rớt thê thảm, giả dụ như măng cụt từ 24.000đ/kg nay chỉ còn 13.000đ/kg… Giá thấp đã đành, nhưng không phải kêu bán lúc nào cũng được”.

Lâu nay, Chợ Lách được mệnh danh là xứ vườn ĐBSCL với nhiều loại cây trái khác nhau, mùa nào cũng có. Nhờ chuyên canh vườn, nên cuộc sống hàng ngàn hộ dân nơi đây ổn định. Ước tính, thu nhập trung bình từ kinh tế vườn khoảng 58 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, do gần đây giá trái cây lên xuống thất thường, khiến nhiều người không còn mạnh dạn đầu tư. Đi dọc theo các xã Vĩnh Bình, Vĩnh Thành… chúng tôi chứng kiến nhiều vườn chôm chôm chín đỏ, nhưng nhà vườn không buồn hái vì… giá quá thấp.

Đó là chưa kể, nhiều khu vườn bị khô héo, lá cháy vàng hoe do ảnh hưởng xâm mặn và hạn hán kéo dài. Lão nông Tư Đông lắc đầu: “Năm nay diện tích bị thiệt hại khoảng 30%, cộng thêm giá cả bấp bênh kiểu này chẳng biết lấy vốn đâu để khôi phục lại. Giá vật tư tăng vùn vụt, còn trái cây thì rớt hoài. Nói thật, sống nhờ nghề vườn hàng chục năm nay nhưng bây giờ qua thấy “oải” quá…”.

Trong khi đó, hơn 1.000 ha vườn sầu riêng ở cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Hồi đầu năm, sầu riêng loại thường không mất giá (10.000 - 12.000đ/kg), nay thu hoạch rộ nhưng giá chỉ khoảng 7.000đ/kg. Rất có thể trái cây miền Tây sẽ tiếp tục tuột giá “không phanh” trong những ngày tới, khi vùng trái cây Đông Nam bộ cũng chuẩn bị thu hoạch.

Điều trớ trêu là trong khi trái cây nội rớt giá, làm bao nhà vườn miền Tây lao đao thì trái cây ngoại lại tràn ngập thị trường - từ chợ xã cho đến chợ tỉnh. Nhiều tiểu thương mua bán trái cây ở TP Cần Thơ thừa nhận: Trái cây ngoại có giá khá cao như quýt đường Ấn Độ giá 18.200đ/kg; táo Mỹ 28.500đ/kg; chôm chôm Thái Lan 9.900đ/kg… vẫn được người tiêu dùng chuộng. Do vậy, trái cây ngoại nhập lậu cứ tiếp tục tràn ào ạt qua biên giới Tây Nam.

Người tiêu dùng vẫn ưa chuộng trái cây ngoại.

Khi trái cây nội đã thua ngay trên chính “đại bản doanh” thì không có gì khó hiểu khi nó cũng thất bại ở thị trường TPHCM. Những ngày này, lượng trái cây ngoại đang chiếm đến hơn 70% trong những gian trưng bày đẹp nhất ở các siêu thị, cửa hàng bán trái cây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tri Phương, Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn… Nào là đào Bắc Kinh, xoài Đài Loan, xoài Thái, táo Mỹ, táo New Zealand, Kiwi Italia, măng cụt Thái… với giá trung bình 35.000 - 90.000đ/kg, cao gấp 5 - 10 lần giá trái cây nội.

Chị Nguyễn Thị Nhung (đường Phạm Ngũ Lão, Q.1) cho biết: “Tôi thích chọn mua trái cây ngoại nhập do đa dạng về chủng loại, đẹp mắt, bảo quản được lâu, không lo bị hư như trái cây nội”. Chính vì vậy, nhiều loại trái cây nội bị rớt giá thê thảm như chôm chôm chỉ còn 1.500 - 2.000đ/kg, sầu riêng 8.000đ/kg, xoài cát Hòa Lộc 10.000 - 12.000đ/kg… dù chất lượng một số trái cây nội ngon hơn hẳn trái ngoại. Ví dụ như, xoài cát Hòa Lộc thịt dai, ngọt đậm đà chỉ 10.000đ/kg, nhưng xoài Đài Loan thịt bở, lờ lợ có giá đến 35.000đ/kg.

Theo Ban Quản lý Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (nơi cung cấp hơn 50% trái cây cho thị trường TPHCM hiện nay), một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trái cây nội bị “hắt hủi” và rớt giá thảm hại, trong khi trái cây ngoại, bằng nhiều con đường, kể cả đường nhập lậu - chiếm lĩnh là do lượng trái cây về chợ khá nhiều - khoảng 1.300 - 1.800 tấn/ngày, tăng hơn 20% so với mọi năm. Trong khi đó, việc quảng bá cho thương hiệu “trái cây Việt” hiện chưa tốt, ngoài lễ hội trái cây tại Công viên Văn hóa Suối Tiên hàng năm và một vài hội chợ nhỏ khác.

Lúng túng giải pháp

Dù đối mặt thường xuyên với thực tế “được mùa - mất giá”, nhưng trong mấy năm qua, diện tích vườn ở ĐBSCL vẫn cứ tăng, nhất là khi phong trào “cải tạo vườn tạp - trồng vườn chuyên canh” được các địa phương khuyến khích. Tuy nhiên, vấn đề then chốt “trồng cây gì - bán ở đâu, chất lượng thế nào” vẫn còn bỏ ngỏ. Do đó, hàng loạt nhà vườn cứ trồng và… cứ nợ.

Ông Năm Dầy, thương lái xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc nhiều năm bức xúc: “Trái cây ĐBSCL nhiều về số lượng và chủng loại, nhưng chất lượng nhiều loại kém xa trái ngoại, màu sắc kém hấp dẫn… nên mỗi khi đụng hàng với nước khác thì cứ bị rớt đài…”.

Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho rằng: “Diện tích cứ tăng nhưng lại trồng phân tán, thiếu tập trung, qui hoạch chưa hợp lý, đầu tư chưa đúng tầm… khiến chất lượng trái cây nội chưa cao. Đã đến lúc chúng ta mạnh dạn nhìn lại những nhược điểm tồn tại nhiều năm, xóa bỏ ngay việc trồng cây theo cảm tính mà cần tập trung vào những loại chủ lực để tăng tính cạnh tranh”.

Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã chọn được 11 loại trái cây chủ lực để đầu tư, tăng sức cạnh tranh là cam sành, nhãn xuồng cơm vàng, sầu riêng (Chín Hóa và Ri 6), bưởi, thanh long, vú sữa, xoài, măng cụt, đu đủ Đài Loan tím, vải, dứa và sẽ có chính sách đầu tư phát triển, kêu gọi giới khoa học tham gia hỗ trợ nông dân canh tác.

Tiến sĩ Võ Mai lạc quan: “Chúng tôi vừa thành lập tổ chức Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây sông Tiền (gọi tắt là GAP sông Tiền) gồm 6 tỉnh, thành ở ĐBSCL và TPHCM tham gia. Theo đó, sẽ tập trung nâng cao chất lượng, củng cố các HTX trái cây, tăng cường biện pháp kỹ thuật, giống giúp bà con sản xuất an toàn, đẩy mạnh vấn đề bảo quản và chế biến sau thu hoạch, vốn là điểm yếu lâu nay của trái cây nội”.

Dù vậy, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vẫn băn khoăn: “Ngành nông nghiệp có thể qui hoạch vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng trái cây… nhưng vấn đề đáng quan tâm nhất là tiêu thụ ở đâu, giá cả ra sao, lại chưa thấy đá động tới”.

Hàng ngàn nhà vườn cả đời “sống chết” cùng trái cây cũng đang ngao ngán, khi mọi giải pháp cứ luẩn quẩn và bế tắc đầu ra, dù đã có ý kiến là ngoài việc xây dựng thương hiệu, Hiệp hội Trái cây Việt Nam cũng nên thành lập các cửa hàng chuyên doanh trái cây nội để tránh cảnh bị “hắt hủi” ngay trên sân nhà.

(Theo SGGP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,