(VietNamNet) - Phía Nam, khu vực có mức tăng trưởng về du lịch cao nhất nước và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia, rất cần sự hợp tác và thương hiệu du lịch vùng.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐPN) đóng góp 36% trong GDP quốc gia và được xem là mức đóng góp cao nhất trong ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Dự đoán vào năm 2010 con số đó sẽ tăng lên 40-41% và 42-43% vào năm 2020.
TP.HCM luôn là điểm thu hút nhiều khách du lịch nhất ở VKTTĐPN |
Tốc độ tăng trưởng GDP của ngành du lịch trung bình hàng năm là 12,87%. Tuy nhiên, cho đến nay VKTTĐPN vẫn chưa trở thành vùng du lịch đặc thù và cũng chưa có một thương hiệu du lịch đặc trưng nào. Đây chính là lý do của cuộc hội thảo được tổ chức hôm nay (31/5) tại TP.HCM với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp để phát triển du lịch ở VKTTĐPN.
Du lịch phía Nam: còn nghèo nàn
VKTTĐPN bao gồm 7 tỉnh, thành: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Long An. Có lẽ trong ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, thì VKTTĐPN được xem là nghèo nhất về tiềm năng du lịch xét ở gốc độ cảnh quan thiên nhiên cũng như cơ sở hạ tầng; không thể sánh được với miền Trung nổi tiếng về du lịch biển, di sản... hoặc miền Bắc với thắng cảnh thiên nhiên điều kiện tốt cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa và khám phá.
Đến hết tháng 10/2004 VKTTĐPN có 27.591 phòng khách sạn, chiếm 22,6% số phòng khách sạn của cả nước; số phòng trên 3 sao là 6.676 phòng, chiếm gần 35% số phòng trên 3 sao của cả nước. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch- Tổng cục Du lịch) |
Ông Đỗ Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết nói đến du lịch tỉnh, ông không biết kể tên sản phẩm du lịch nào vì trên vùng đất Long An chẳng có gì để tham quan, hay để du lịch cả. Chỉ có khu rừng chàm được ông đánh giá là đáng để tham quan nhất, nhưng chẳng thể phát triển nếu không đầu tư cơ sở hạ tầng, đó là chưa nói chuyện khi làm được thì rừng chàm có nguy cơ biến mất.
Vùng có điều kiện phát triển du lịch tốt nhất trong VKTTĐPN có thể nói đến là TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. TP.HCM có lợi thế là trung tâm kinh tế, nơi tập trung nhiều đầu mối du lịch của cả nước nên thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Với vị trí trung tâm, TP.HCM đóng góp phần lớn trong doanh thu du lịch của vùng và cho cả quốc gia mặc dù vùng đất này chẳng có điểm du lịch gì đáng chú ý đối với du khách. Bà Rịa - Vũng Tàu thì khác hẳn nhờ địa hình thiên nhiên ưu đãi (biển và núi) để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng... Đồng Nai cũng có lợi thế của cảnh quan thiên nhiên cho du lịch sinh thái và khám phá.
Đến năm 2010, VKTTĐPN sẽ đón khoảng 13-14 triệu lượt khách (quốc tế là 3,2-3,5 triệu lượt khách) với thu nhập 1,4-1,5 tỷ USD và 20-25 triệu lượt vào 2020 (khách quốc tế 5-5,5 triệu lượt) với thu nhập 3,1-3,3 tỷ USD. (Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch - Tổng cục Du lịch) |
Liên kết để tạo sản phẩm phong phú
Tiến sĩ Phạm Trung Lương thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng các tỉnh thành trong vùng cần liên kết lại để tạo nên sức hấp dẫn du lịch chung cho vùng. "Chính sự liên kết sẽ hạn chế những nhược điểm trong du lịch của mỗi tỉnh thành đồng thời khai thác được những nét đặc trưng trong sự liên kết giữa các khu vực này với nhau", ông Lương phát biểu.
Các nhà lãnh đạo của các tỉnh thành ở VKTTĐPN. Ảnh: M.Q |
Liên kết là điều dễ nói, nhưng không dễ thực hiện giữa các tỉnh thành trong VKTTĐPN và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho sản phẩm du lịch của vùng đất này còn nghèo nàn. Ông Lương đưa ra ví dụ để minh họa cho sự liên kết kém về du lịch ở VKTTĐPN. Khu du lịch Bửu Long của Đồng Nai đang cố gắng đi theo mô hình của Đầm Sen và Suối Tiên là hai khu du lịch nhân tạo mang tính hiện đại nổi tiếng ở TP.HCM để thu hút du khách. Ông Lương cho rằng điều đó sẽ dẫn đến thất bại, thay vào đó khu du lịch này sẽ thành công hơn nếu biết khai thác thế mạnh riêng của mình là vùng đất thiên nhiên.
Cũng với ý tưởng khai thác lợi thế riêng của mỗi vùng này, có ý kiến cho rằng lấy TP.HCM làm trọng tâm. Có lợi thế là cửa ngõ ra vào của cả nước, khách du lịch sẽ đến TP.HCM trước khi tham quan vùng đất nào dù xa hay gần. Thật là không đúng nếu nói rằng TP.HCM không có gì cho du lịch, thay vào đó TP.HCM là nơi mua sắm, tập trung hệ thống khách sạn nhà hàng lớn nhất nước, một trong những đặc điểm phù hợp cho loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triễn lãm, khen thưởng...).
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nói rằng thành phố muốn dựa vào các thế mạnh du lịch của các tỉnh lân cận để phát triển du lịch của khu vực mình và xem các khu vực này như những "vệ tinh du lịch" của TP.HCM. Ông nhấn mạnh đến du lịch sinh thái, loại hình du lịch mà TP.HCM đang rất "khao khát" dù rằng Rừng Sác (Cần Giờ) của thành phố đã được qui hoạch thành khu du lịch sinh thái nhưng vẫn không "đủ" cho mật độ dân số đông như hiện nay. Ông cũng cho biết thành phố có chính sách khuyến khích đầu tư của DN du lịch vào hoạt động này ở các khu vực lân cận hoặc tỉnh thành khác.
-
Minh Quang