221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
660090
Phần lớn DN chưa biết giữ nhân lực bằng cổ phần
1
Article
null
Phần lớn DN chưa biết giữ nhân lực bằng cổ phần
,

(VietNamNet) - Đã có một số công ty cổ phần tại Việt Nam dùng chính sách thưởng cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt, nhưng số lượng này rất nhỏ, và còn không ít hạn chế... Do vậy, chưa phát huy tốt tác dụng của các công cụ tài chính này.

Ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc Nghiệp vụ của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital tại Việt Nam, đồng thời có tham gia vào các chương trình ESOP của một số DN cổ phần lớn tại Việt Nam... đã dành cho VietNamNet một cuộc trao đổi xung quanh vấn đề quản trị nhân lực tại các DN cổ phần bằng chính sách cổ phiếu.

Nhận được nhiều câu hỏi của các DN xung quanh vấn đề này

- Thưa ông, việc ưu đãi cổ phần với nhân viên trong DN được thể hiện dưới các hình thức nào?

- Chính sách ưu đãi cổ phần đối với nhân viên là một trong những chương trình phúc lợi, mà theo đó doanh nghiệp tạo ra các điều kiện ưu đãi nhằm khuyến khích nhân viên tham gia sở hữu cổ phần của doanh nghiệp mình. Việc này được thực hiện thông qua các chương trình ưu đãi cổ phần khác nhau như: "Chương trình sở hữu cổ phần của nhân viên" (ESOP), ''Kế hoạch mua cổ phiếu của nhân viên" (Employee Stock Purchase Plan - ESPP), “Quyền chọn mua cổ phần” (Stock Option)...

Các chương trình này có những điểm tương đồng: doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên tham gia sở hữu cổ phần thông qua các ưu đãi về giá hay điều kiện thanh toán; Nhà nước đưa ra các chính sách thuế ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp áp dụng và khuyến khích nhân viên tham gia vào các chương trình này; Chủ sở hữu hay cổ đông đồng ý bán bớt một phần hay chấp nhận tỷ lệ sở hữu của họ bị loãng (diluted) một chút, nhưng bù lại giá trị của doanh nghiệp lại tăng lên khi doanh nghiệp làm ăn tốt hơn.

Ưu đãi cổ phần lợi ích hơn tiền nhiều lần


- Chính sách này có vai trò thế nào với việc thu hút nhân tài và giữ nhân viên "chung thuỷ" với công ty?
 

- Chính sách ưu đãi cổ phần đối với nhân viên cũng được xem như là một phần của chính sách nguồn nhân lực, nhằm thu hút nhân tài và giữ chân các nhân viên giỏi. Chính sách phúc lợi có thể được phân làm 2 loại với mục tiêu khác nhau: lương và thưởng bằng tiền nhằm khuyến khích các mục tiêu ngắn hạn, trong khi chính sách cổ phần nhằm hướng nhân viên tới các mục tiêu dài hạn. Qua các chương trình này, công ty tạo điều kiện cho nhân viên sở hữu cổ phần mà không phải trả tiền hoặc chỉ phải trả với giá thấp hơn giá thị trường. 
 

Soạn: AM 435673 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Vũ Hữu Điền: "Ban lãnh đạo công ty cần phải xây dựng Văn hoá nghiệp chủ cho các nhân viên - cổ đông của mình.

Việc ưu đãi cổ phần này thường có sức hấp dẫn rất lớn do lợi ích mà nó đem lại cho nhân viên có khi bằng nhiều lần so với tiền lương mà họ được nhận mỗi năm.

Các chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên là các chương trình dài hạn, thường là 5-10 năm và có thể được kéo dài thêm. Chính phủ các nước thường khuyến khích áp dụng các chương trình cổ phần ưu đãi cho tất cả mọi nhân viên miễn là họ trên 21 tuổi và có một thời gian làm việc nhất định với công ty. Nhưng tuỳ theo việc phân tích chi phí và hiệu quả, công ty có thể đưa ra tiêu chuẩn chọn lựa cũng như xem xét nên áp dụng chương trình nào để có lợi nhất.

Các chương trình này không chỉ áp dụng cho nhân viên cũ mà còn cho cả nhân viên mới, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo cao cấp. Khi thương lượng điều kiện làm việc với những người mà công ty muốn tuyển vào, công ty sẽ đưa ra một chính sách phúc lợi trọn gói (trong đó cổ phần ưu đãi thường chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt là "Quyền chọn mua cổ phần" với những điều kiện đi kèm), tuỳ theo mức độ hoàn thành công việc như đã thoả thuận, nhân viên sẽ được thưởng xứng đáng.
 
Chính sách cổ phần ưu đãi cho phép nhân viên được chia sẻ thành công trong tương lai của công ty, tương ứng với mức độ đóng góp của mình. Mức độ đóng góp càng nhiều, thời gian làm việc với công ty càng lâu thì lợi ích mà nhân viên được chia càng lớn.

Việc áp dụng chính sách cổ phần ưu đãi cho nhân viên còn nói lên triết lý kinh doanh mang tính nhân bản của công ty: chia sẻ sự thành công của công ty cho những người đã góp phần tạo nên thành công đó. Do vậy, việc áp dụng các chính sách cổ phần ưu đãi có sức hấp dẫn rất lớn đối với nhân viên và qua đó giúp cho công ty thu hút, giữ chân nhân tài.
 
- Để được hưởng những ưu đãi của công ty, nhân viên phải làm gì?

Thông thường để được xét tham gia vào các chương trình này, nhân viên phải tự đưa ra chương trình hành động cho các năm tới và sau đó công ty và nhân viên sẽ thảo luận, thống nhất các mục tiêu cụ thể. Mỗi năm (hay một giai đoạn cụ thể) công ty sẽ xem xét mức độ hoàn thành công việc của nhân viên và quyết định số cổ phần hay quyền chọn mua mà nhân viên được hưởng.

Để được phân phối cổ phần, người được quyền nhận cổ phần phải tiếp tục làm việc cho công ty trong một thời gian nhất định. Thông thường sau mỗi năm, một phần của số cổ phần hay quyền chọn mua cổ phần mà họ được hưởng sẽ được phân phối. Nếu nhân viên nghỉ sau một thời gian làm việc, số cổ phần chưa được phân phối có thể bị công ty thu hồi hay được mua lại theo một giá nào đó căn cứ vào các quy định liên quan của chương trình cổ phần ưu đãi đã áp dụng.

Ít DN Việt Nam biết sử dụng ESOP
 
- Ở Việt Nam, việc này đã được thực hiện ra sao?

- Ở Việt Nam, chính sách cổ phần ưu đãi cho người lao động cũng đã có từ nhiều năm nay, nhất là ở các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá. Nghị định 187/CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần cho phép người lao động được mua 100 cổ phần cho mỗi năm làm việc thực tế với mức giảm giá là 40% so với giá đấu giá thành công bình quân. Trong chừng mực nào đó có thể nói các công ty nhà nước cổ phần hoá có áp dụng chính sách cổ phần ưu đãi cho nhân viên.

Tuy vậy, việc áp dụng chính sách cổ phần ưu đãi cho nhân viên trong doanh nghiệp cổ phần hoá có những hạn chế nhất định và do vậy chưa phát huy tốt tác dụng của các công cụ tài chính này.

- Đã có những doanh nghiệp nào làm được điều này?

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, đã có một số công ty cổ phần áp dụng chính sách thưởng cổ phiếu hay bán cổ phiếu theo giá ưu đãi hoặc trả chậm cho các cán bộ chủ chốt, nhưng số lượng này rất nhỏ. Cũng đã có một số công ty nhà nước cổ phần hoá tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên sau khi đã cổ phần hoá.

Hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hai công ty đã áp dụng chương trình cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên kể từ đầu năm 2005, đó là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty Savimex (SAV).

Công ty REE áp dụng hình thức phát hành cổ phiếu mới để thưởng cho các nhân viên đạt tiêu chuẩn, trong khi đó Savimex trong thời gian đầu sử dụng nguồn cổ phiếu ngân quỹ hiện có để bán lại cho các nhân viên đạt tiêu chuẩn theo giá vốn (thấp hơn so với giá thị trường) và sau đó sẽ sử dụng hình thức cổ phiếu mới khi đã sử dụng hết cổ phiếu ngân quỹ.


Ưu đãi cổ phần trong DNNN đang có những hạn chế

- Ông có thấy bất cập gì trong việc thực hiện ưu đãi cổ phần với nhân viên ở các doanh nghiệp tại Việt Nam?
 
- Các chính sách ưu đãi cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá tại Việt Nam đang có những hạn chế nhất định. Thứ nhất, việc ưu đãi cổ phần này tính trên thâm niên công tác và không quan tâm đến mức độ đóng góp. Thứ hai, số lượng cổ phần ưu đãi này thường rất nhỏ và không đủ sức hấp dẫn. Thứ ba và cũng là quan trọng nhất, các ưu đãi dành cho cán bộ công nhân viên mang ý nghĩa đền ơn đáp nghĩa trong quá khứ và chấm dứt khi công ty chuyển thành công ty cổ phần.
 
Hơn nữa, nhận thức của của cán bộ công nhân viên, đặc biệt là công nhân lao động về vấn đề cổ phần ưu đãi còn thấp nên phần lớn họ đã bán ngay sau khi cổ phần hoá làm cho chương trình cổ phần ưu đãi của nhà nước mất đi ý nghĩa.
 
Để chương trình cổ phần ưu đãi phát huy tác dụng, nó phải là một chương trình hướng về tương lai nơi mà nhân viên được chia sẻ lợi ích với công ty tương xứng với những gì họ đóng góp.

- Về phía  Chính phủ đã có chính sách gì với các chương trình ESOP chưa?

- Ngoại trừ các ưu đãi khi cổ phần hoá, Chính phủ hiện nay chưa có một quy định pháp lý nào khuyến khích phát triển chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên.


Chính sách ưu đãi cổ phần đối với nhân viên đã trở nên rất phổ biến trên thế giới trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Australia, Canada... bởi nó đã khuyến khích sự thi đua của nhân viên trong việc nâng cao năng suất lao động, cải tiến công tác quản trị điều hành và góp phần xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp.

Lần đầu tiên khái niệm ESOP được ra đời ở Mỹ vào đầu những năm 1950 bởi luật sư và cũng là nhà ngân hàng người Mỹ tên Louis Kelso, người đã lập luận rằng hệ thống tư bản sẽ mạnh hơn nếu tất cả những người làm công, không phải chỉ là một số cổ đông, có thể chia sẻ việc sở hữu ''các tài sản có thể tạo ra vốn''.

Vào năm 1973, Kelso đã thuyết phục được các nhà làm luật đưa ra một đạo luật liên bang khuyến khích việc phát triển ESOP và năm 1974 luật ERISA (Employee Retirement Income Security Act) ra đời điều chỉnh các "kế hoạch tạo nên lợi ích" cho nhân viên và thiết lập khung pháp lý cơ bản cho ESOP.

Không lâu sau đó, ESOP đã phát triển một cách mạnh mẽ, đến cuối năm 2004 ở Mỹ có hơn 11,500 ESOP với hơn 8.5 triệu người tham gia và đang quản lý một khối lượng tài sản hơn 500 tỷ đô la Mỹ.

Ở Mỹ còn có chương trình 401(k) cho phép nhân viên sử dụng các khoản thu nhập trước thuế để mua các "công cụ đầu tư" do công ty đưa ra, bao gồm cả chính cổ phiếu của công ty.  

Ở các nước Anh-Mỹ, chính sách cổ phần ưu đãi cho nhân viên có nhiều dạng gọi chung là các chương trình phúc lợi cho nhân viên (Employee Benefit Plans), gồm ESOP, ESPP, stock option... Các chương trình cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên rất phổ biến. Bên cạnh việc chính phủ khuyến khích thông qua các ưu đãi về thuế, các quốc gia này đều đã thành lập các trung tâm xúc tiến chương trình sở hữu cổ phiếu của nhân viên.

 

Do Việt Nam chưa có các quy định điều chỉnh và khuyến khích phát triển các chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên nên các doanh nghiệp cũng không thể áp dụng các chương trình ESOP, ESPP hay Quyền chọn mua cổ phần… như các nước phát triển đã áp dụng. Các chính sách cổ phần ưu đãi mà các doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng là một sự tổng hợp của  nhiều chương trình nêu trên. Họ áp dụng các chính sách ưu đãi cổ phần cho nhân viên vì thấy rằng nó có lợi cho công ty dù không có động cơ về ưu đãi thuế.

N
hà nước nên ưu đãi thuế cho ESOP

- Với nền "kinh tế cổ phần" còn non trẻ như Việt Nam, chúng ta có nên khuyến khích các DN thực hiện việc này?
 
- Các chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên đem lại lợi ích thiết thực cho các bên trực tiếp liên quan.
 
Đối với công ty và cổ đông, cổ phần ưu đãi cho nhân viên được xem một công cụ tài chính nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của công ty. Các lợi ích mà chương trình cổ phần ưu đãi đem lại là một động lực lớn giúp nhân viên thi đua hoàn thành công việc để được hưởng các ưu đãi đó. Điều này làm cho công ty trở nên năng động và không ngừng phát triển.

Đối với nhân viên công ty, chính sách cổ phần ưu đãi giúp họ phát huy khả năng của chính mình và thu lợi trực tiếp từ sự phát triển của công ty thông qua các ưu đãi cổ phần mà họ có được. Bên cạnh đó họ còn được cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của công ty và được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và các vấn đề khác liên quan đến công việc mà họ đang làm.
 
Chính phủ sẽ hưởng lợi gián tiếp từ việc doanh nghiệp phát triển, cổ đông và nhân viên công ty ngày một giàu hơn. Để khuyến khích các chương trình cổ phần ưu đãi cho nhân viên, Nhà nước nên xem xét tạo ra các ưu đãi về thuế cho các chương trình này.
 
Về góc độ văn hoá xã hội, đây là việc nên được khuyến khích do các chương trình này có những yếu tố tích cực: nó mang tính nhân bản và thể hiện văn hoá doanh nghiệp: chia sẻ lợi nhuận của công ty cho những người đã có công tạo nên nó; tạo ra sự công bằng hơn cho khi mà xã hội có nhiều người chủ hơn...
 
DN nên xây "văn hoá nghiệp chủ" cho mình

- Ông có các đề xuất gì để các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể làm tốt việc này?
 

- Để triển khai các chương trình ưu đãi cổ phần cho nhân viên thành công, các doanh nghiệp nên chú trọng đến các yếu tố như: Xác định mục tiêu trong từng giai đoạn của mình để trên cơ sở đó xây dựng một chương trình cổ phần ưu đãi thích hợp.

Do người lao động chưa hiểu nhiều về ích lợi của các chương trình này, doanh nghiệp cần phải tuyên truyền để mọi người có được sự nhận thức đúng đắn. Nếu không, chương trình sẽ không được hưởng ứng mạnh mẽ.
 
Doanh nghiệp cần phải thành lập một Ủy ban quản lý chương trình cổ phần ưu đãi, Ủy ban này nên gồm những người độc lập (bên ngoài) để đảm bảo sự công bằng cho những người được tham gia.
 
Cho dù người lao động được sở hữu cổ phần và trở thành một người chủ của công ty, vẫn chưa chắc (hay cần thời gian) để họ có được cách hành xử như một người chủ. Do vậy, đi kèm với chương trình cổ phần ưu đãi, ban lãnh đạo công ty cần phải xây dựng "văn hoá nghiệp chủ" cho các nhân viên-cổ đông này.
 
Doanh nghiệp không nên chỉ áp dụng chương trình này cho một nhóm ít người, như vậy sẽ không công bằng và tác dụng không cao. Tuy vậy, khi thực hiện các chương trình cổ phần ưu đãi các doanh nghiệp nên chú ý đến khía cạnh chi phí-hiệu quả. Ban đầu có thể nâng cao tiêu chuẩn để giới hạn số người tham gia nhưng dần dần nên mở rộng cho mọi nhân viên.

- Xin cảm ơn ông!

  • Hồng Phúc - thực hiện  
                
    Ý kiến của bạn về vấn đề này?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,