Cuối cùng, những cuộc đàm phán về việc tham gia của Công ty Đầu tư tài chính Temasek Holdings Ltd (Singapore) vào Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines giữa Bộ Tài chính Việt Nam và đại diện Temasek đã kết thúc. Temasek sẽ bỏ vào Pacific Airlines 50 triệu đô-la Mỹ để sở hữu 30% cổ phần của hãng này.
Vì sao Temasek?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Thị Băng Tâm cho biết có khá nhiều nhà đầu tư pháp nhân quan tâm đến Pacific Airlines nhưng Bộ Tài chính đã chọn Temasek.
“Temasek là công ty đầu tư tài chính của Chính phủ Singapore. Họ không chỉ có vốn liếng, mà cả năng lực quản lý, quản trị điều hành, kể cả trong lĩnh vực hàng không. Temasek sở hữu 57% vốn của hãng hàng không Singapore Airlines, các cảng biển, các ngân hàng.
Sự tham gia của Temasek chắc chắn sẽ tạo lòng tin cho đối tác cũng như khách hàng của Pacific Airlines” - bà Tâm nói.
“Nếu chúng ta chọn một hãng hàng không để đầu tư vào Pacific Airlines, họ sẽ tạo bất lợi trong cạnh tranh cho Vietnam Airlines và điều này không có lợi trong việc bảo hộ thị trường hàng không trong nước trước khi phải mở cửa hoàn toàn” - bà Tâm nói thêm. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng không thể tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư vì đòi hỏi nhiều thời gian, điều có thể tác động đến hoạt động của Pacific Airlines vốn đang cần được hỗ trợ kịp thời.
Trước đó, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Temasek đã xác định giá trị doanh nghiệp của Pacific Airlines là 167 triệu đô-la Mỹ (tương đương 2.646 tỉ đồng). Hẳn nhiên, nếu chỉ nhìn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà xưởng và khoản lỗ gần 200 tỉ đồng còn đó, thì giá trị doanh nghiệp Pacific Airlines không thể cao như thế. Phần lớn giá trị của Pacific Airlines là giá trị vô hình và giá trị kỳ vọng trong tương lai. Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm cho biết đầu tháng 7-2005, Bộ Tài chính sẽ chính thức ký hợp đồng với Temasek và Temasek sẽ bỏ ngay 50 triệu đô-la Mỹ vào Pacific Airlines. Bà nhấn mạnh: “50 triệu đô-la Mỹ là đủ cho Pacific Airlines tái cơ cấu bước đầu”.
Vốn đăng ký kinh doanh của Pacific Airlines là bao nhiêu?
Trước khi được Bộ Tài chính tiếp nhận năm ngoái, Pacific Airlines là công ty cổ phần nhà nước. Cho đến nay vẫn chưa có một đồng vốn tư nhân nào được bỏ vào công ty. Bộ Tài chính nắm giữ 86,49% cổ phần của Pacific Airlines, Saigontourist sở hữu 13,45%, phần còn lại là vốn của một công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Hiện tại, sau khi cắt giảm chi phí không cần thiết, thắt lưng buộc bụng, Pacific Airlines bắt đầu cân đối được thu chi với việc khai thác bốn đường bay TP.HCM - Đà Nẵng, TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đài Bắc, TP.HCM - Cao Hùng.
Khi Temasek chính thức mua 30% cổ phần của Pacific Airlines, Nhà nước sẽ nắm giữ 70% còn lại. Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm nói: “Theo giá trị doanh nghiệp đã được xác định 167 triệu đô-la Mỹ, ngoài 50 triệu đô-la Mỹ góp bằng tiền của Temasek, 117 triệu đô-la Mỹ là tài sản vô hình, thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước có thể tùy tình hình, tùy thời điểm chuyển nhượng, bán để thu tiền về”. Vấn đề là khi “ra mắt” vào tháng 7-2005 với cơ cấu cổ đông mới, với bản điều lệ được sửa đổi cho phù hợp với thành phần cổ đông, với danh nghĩa pháp nhân công ty cổ phần có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Pacific Airlines sẽ đăng ký vốn mới là bao nhiêu? Việc này, theo bà Tâm, Bộ Tài chính đang tính toán và thảo luận thêm với Temasek.
Khi bỏ tiền vào Pacific Airlines, Temasek yêu cầu Việt Nam giữ nguyên, chỉ có hai hãng hàng không là Vietnam Airlines và Pacific Airlines trong thời gian năm năm tới. Một nhà đầu tư bỏ một khoản tiền không nhỏ vào một doanh nghiệp kém hiệu quả, cần thời gian để biến nó thành hiệu quả. Điều kiện của Temasek nhìn dưới góc độ đầu tư, vì thế, khó có thể nói là không hợp lý.
Mặt khác, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư trong nước cũng chưa thể thành lập thêm một hãng hàng không khi chúng ta chưa có điều kiện đào tạo con người, cơ sở, công nghệ. Nếu có lo ngại về sự cạnh tranh hàng không ở thị trường nội địa và những đường bay từ Việt Nam đi một số nước có thể ảnh hưởng đến Pacific Airlines, thì điều kiện của Temasek chỉ là đề phòng những hãng hàng không quốc tế mang vốn, công nghệ, con người của họ vào Việt Nam kinh doanh. Đây là điều Việt Nam phải tính khi thực hiện các cam kết song phương, đa phương mở cửa lĩnh vực hàng không cũng như khả năng gia nhập WTO vào cuối năm nay.
Với sự có mặt của Temasek ở Pacific Airlines, Bộ Tài chính giải quyết được hai vấn đề: cứu được một doanh nghiệp trên bờ vực phá sản, ngân sách không phải chi thêm tiền mà còn có khả năng thu tiền về trong trường hợp Nhà nước bán số cổ phần sở hữu còn lại. Tuy nhiên, Pacific Airlines đi lên như thế nào, nhanh hay chậm, mạnh hay yếu phụ thuộc nhiều vào khung pháp lý. Cho đến năm ngoái, Pacific Airlines chưa bao giờ hoạt động độc lập.
Trước đây, Pacific Airlines thực tế là một công ty con của Vietnam Airlines, hoạt động theo kế hoạch và chịu sự quản lý của Vietnam Airlines. Nhưng tháng sau, khi Pacific Airlines thực sự là công ty cổ phần, ra sóng ra gió, thì liệu sự hỗ trợ của Nhà nước về mặt cơ chế cho công ty sẽ như thế nào? Có giống sự hỗ trợ cho Vietnam Airlines? Hãng này sẽ được bình đẳng về thương quyền bay nội địa và quốc tế không? Đó là các câu hỏi đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, nhất là giới đầu tư tài chính.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)