221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
680678
Doanh nghiệp “ngoài khơi” bơi trên doanh nghiệp nhà nước
1
Article
null
Doanh nghiệp “ngoài khơi” bơi trên doanh nghiệp nhà nước
,

Liên tục những vụ doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị các đối tác rút ruột những khối tiền khổng lồ. Chính những người điều hành DNNN trực tiếp hoặc gián tiếp tổ chức mạng lưới “hút máu” DN của mình. Bản chất của hiện tượng này là gì? Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, chủ nhiệm bộ môn Luật kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nói:

Soạn: AM 479027 gửi đến 996 để nhận ảnh này
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa tốt nghiệp Đại học Leipzig (Đức) và bảo vệ luận án TS luật năm 1991 tại đây. Hơn 10 năm học tập và giảng dạy tại các nước Mỹ, Nhật.

- Lý thuyết kinh tế gọi đó là những giao dịch nội gián. Tức là các nhà quản trị DN rút ruột đơn vị mình thông qua việc giao dịch với DN khác. Nguyên nhân là do nhà quản trị chạy theo lợi ích tư, sử dụng những tiện ích, thông tin biết trước của DN mình rồi chuyển cơ hội kinh doanh sang DN khác để trục lợi.

Các hình thức thông thường là thông qua giá, lấy lãi tuồn ra ngoài hoặc sử dụng các “công ty ngoài khơi” (thuật ngữ kinh tế là offshore company - công ty tù mù ở đâu đó được dựng lên để giao dịch với những công ty có thật như trong vụ điện kế điện tử ở TP.HCM là các công ty Quang Trung, Vĩnh Thuận, Quán Quân) độc quyền cung cấp hoặc tiêu thụ ở một số lĩnh vực, chuyển lãi qua khế ước hoặc hưởng những khoản hoa hồng lót tay…

- Nạn giao dịch nội gián ở VN ra sao, thưa ông?

- Sau chuyển đổi kinh tế, ngay khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất hiện ở VN, chúng ta đã nhận thấy những dấu hiệu giao dịch nội gián ở khu vực này. Ví dụ như những thua lỗ hoặc lợi nhuận quá thấp ở một số DN loại này. Phương pháp thua lỗ này nhằm tránh các khoản thuế hay các khoản phải chia cho đối tác liên doanh. Họ thường thua lỗ bằng cách nâng cao giá đầu vào. Nhất là những sản phẩm nhập khẩu hoặc mua của các DN “ngoài khơi” và lợi nhuận của họ được chuyển qua các DN đó.

Khu vực thứ hai là các DNNN. ở đây những nhà quản trị không trung thực thành lập các công ty “ngoài khơi” của mình hay người nhà rồi thông qua khế ước mua bán, hoa hồng… để chuyển lợi nhuận từ DN mình quản lý sang đó như các hiện tượng báo chí nêu vừa qua... Thật ra ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài thì 98% đối tác (tại VN) của nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là DNNN nên “nạn nhân” lớn nhất hiện nay vẫn là DNNN.

- Theo ông, tại sao “nạn nhân” thường lại là DNNN?

"Công tác giám sát ở VN quá yếu và gần như chưa làm được gì. Lý do bao trùm là tính sở hữu trong DNNN không rõ ràng, tài sản gần như không có chủ thật sự. Vì đó là “ông chủ” Nhà nước rất to, rất trừu tượng. “Ông chủ” ấy trao quyền giám sát cơ bản cho các ban kiểm tra, thanh tra, đoàn thể, đảng ủy… trong công ty. Những bộ phận này vừa không có quyền, vừa không có nghiệp vụ, thậm chí còn bị biến thành công cụ của nhà quản trị nên nhiệm vụ, giám sát của họ chỉ là hình thức. Ở tầm vĩ mô, hệ thống luật pháp trước đây của VN đã rải rác có những điều khoản dành cho vấn đề này nhưng chưa có những qui định riêng biệt và đầy đủ. Đó là Luật công chức, Luật ngân hàng hay Luật DNNN qui định: vợ con, người nhà của các công chức là lãnh đạo DN, ngân hàng, hải quan… không được kinh doanh ở các đơn vị ngoài quốc doanh thuộc các lĩnh vực liên quan. Qui định này gần như chưa phát huy tác dụng trên thực tế".

- Ở VN, các DNNN chiếm khối lượng tài sản lớn trong xã hội và tài sản ở đây không rõ ràng về tính sở hữu, tức là thiếu sự “trông coi” hiệu quả nên tính nguy hiểm của giao dịch nội gián rất cao.

Hệ thống tư pháp và quản lý tài chính yếu kém, lỏng lẻo nên khối DN này dễ dàng tạo nhiều cơ hội ăn cắp cho các nhà quản trị chính nó. Thêm nữa, các nhà quản trị này thường được quản lý, giám sát theo các qui định về tổ chức cán bộ, chế độ lương bổng. Mà chế độ lương bổng thì rất không phù hợp với thị trường.

Về tổ chức nhân sự thì VN gần như chưa có chế độ, chính sách riêng biệt dành cho nhà quản trị. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta chưa nhìn thấy sự nguy hiểm về khả năng của người quản trị có thể kéo lợi nhuận công ty mình cho công ty khác. Tình trạng trên còn cho một hệ quả rất xấu nữa là xã hội sẽ sản sinh ra những doanh nhân giàu có làm chủ các DN “ngoài khơi”.

Những người này không đủ năng lực, đạo đức một doanh nhân mà họ thành lập DN chỉ nhằm rút tiền DNNN thông qua các quan hệ đen của mình với nhà quản trị DNNN. Khi DNNN độc quyền kinh doanh (ví dụ như bưu điện, điện lực) mà cấu kết với các DN “ngoài khơi” lại đẻ ra những độc quyền khác (ví dụ như Công ty Điện lực TP.HCM độc quyền cung cấp điện và khi có giao dịch nội gián thì Công ty Quang Trung lại độc quyền cung cấp một số thiết bị cho Công ty Điện lực TP.HCM). Lúc này thì những DN trung thực, chân chính mất cơ hội phát triển.

- Thưa ông, giải pháp xử lý tình trạng này như thế nào?

- Có hai giải pháp: một là cơ chế giám sát nhà quản trị và hai là đào tạo, “nuôi dưỡng” các doanh nhân có đạo đức, lòng trung thành. Hai  nguyên tắc trên phải được áp dụng trong một xã hội mà thể chế pháp lý chặt chẽ, quản lý tài chính minh bạch.

Có nhiều công cụ để làm việc này. Ví dụ như Tổ chức Phát triển kinh tế thế giới OECD đề ra các nguyên tắc cụ thể về tính sở hữu trong DN; tính minh bạch về lý lịch, quan hệ, tài sản, thân thế của nhà quản trị phải đề cao đến mức tối đa. Khi nhận chức anh phải kê khai tất cả các nguồn thu, các mối quan hệ, các công ty có vốn của anh hay người nhà anh… Anh chịu sự thẩm định của hội đồng quản trị, cổ đông cũng như chịu trách nhiệm về sự kê khai đó.

Bên cạnh đó là những qui định về nghĩa vụ, trách nhiệm của giám đốc khi xảy ra những xung đột quyền lợi giữa DN và cá nhân anh ta. Kèm theo là hệ thống hình phạt rất rộng. Ví dụ khi giám đốc ký kết hợp đồng hay có quyết định gây thiệt hại DN thì anh phải bồi hoàn, bị đuổi việc, bị cấm hành nghề và nếu có hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự.

- Như vậy là tiềm năng để vi phạm thì rất lớn, công cụ hạn chế thì yếu kém. Vậy theo ông, VN trước mắt cần phải làm gì để chống hiện tượng này?

- Nhà nước không thể giám sát người điều hành DNNN như hiện nay thông qua lý lịch cán bộ, điều lệ Đảng hay một số qui định rời rạc khác, vì Nhà nước không thể làm hết mọi việc. Giám sát là nhiệm vụ của thị trường. Thị trường chỉ có thể tham gia giám sát khi DN được dân doanh hóa. Tức là DN phải có chủ sở hữu rõ ràng. Khi người dân bỏ tiền đầu tư thì họ sẽ đòi hỏi công khai tài chính của DN cũng như các quan hệ của nhà quản trị. Chỉ cần nghi ngờ, họ có thể rút vốn, bán cổ phiếu, từ chối đầu tư.

Như vậy nhà quản trị bị đẩy vào tình thế không ngừng muốn thể hiện sự trong sáng, minh bạch của mình. Phần thứ hai là đạo đức doanh nhân. Theo tôi, không nên gọi giám đốc các DNNN ở VN là doanh nhân vì họ chỉ là người quản lý thuê cho Nhà nước chứ không phải là người bỏ tiền ra để kinh doanh. Vì vậy song hành với quá trình dân doanh hóa mà bước đi quan trọng là cổ phần hóa DNNN, VN cần phải thay đổi tư duy về bổ nhiệm cán bộ chủ chốt trong DNNN.

Cần lưu ý là chống giao dịch nội gián là câu chuyện rất dài trong kinh doanh mà khống chế nó thì pháp luật chỉ đóng một phần vai trò bên cạnh sự phát triển văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh cùng công cụ sắc bén của báo chí.

- Xin cảm ơn ông.

(Theo Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,