Bắc Kinh sẽ tập trung phát triển các ngành công nghệ thông tin, sản xuất ôtô và dược phẩm thành 3 mũi nhọn kinh tế trong những năm tới. Điều này càng làm cho cơ hội hợp tác giữa hai thành phố Hà Nội - Bắc Kinh rộng mở hơn vì đây cũng là những ngành Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang tập trung phát triển.
Báo Tân Hoa Xã của TQ hôm 15/7 dẫn nguồn tin từ hội đồng thành phố Bắc Kinh cho biết, thành phố sẽ ưu tiên thúc đẩy mở rộng năng lực sản xuất và dịch vụ phụ trợ của các ngành trên nhằm đưa Bắc Kinh hội nhập mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
Hội đồng thành phố cho biết thêm, Bắc Kinh dự tính hơn 50% giá trị sản xuất trong những năm tới sẽ do các ngành mũi nhọn nói trên tạo ra. Để có được cơ sở vững chắc cho kế hoạch đó, thành phố sẽ cố gắng xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và các dịch vụ phụ trợ nhằm hỗ trợ các ngành trên.
Một khu phố thương mại ở Bắc Kinh. |
Bước ngoặt mới cho đầu tàu Bắc Kinh
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế TQ, Bắc Kinh đã đến lúc bước sang giai đoạn phát triển mới, do đó cần thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế, cụ thể là công nghiệp. Những năm gần đây, Bắc Kinh cũng đã không ngừng điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp.
Lần tái cơ cấu công nghiệp gần đây nhất, năm 1998, sau khi thực hiện cải cách điều chỉnh, ngành công nghiệp TP Bắc Kinh có những bước phát triển mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thực hiện sáp nhập và phá sản hàng trăm doanh nghiệp, ổn định hệ thống doanh nghiệp, tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển.
Trên thực tế, hiện nay, Bắc Kinh đang chú trọng đầu tư trên quy mô lớn vào các dự án xây dựng ngành công nghiệp trọng điểm như hoá chất, xi măng, máy tính, sản xuất ôtô hiện đại, màn hình tinh thể lỏng...
Công nghiệp Bắc Kinh đang trên đà phát triển mạnh với giá trị tổng sản lượng công nghiệp lớn. Hiện nay, Trung Quốc có 44 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Bắc Kinh xếp vị trí thứ 5 sau Thượng Hải, Thẩm Quyến, Thiên Tân, Quảng Châu.
Hội đồng thành phố cho biết, mục tiêu phát triển trong những năm tới là phải đạt giá trị tổng sản lượng công nghiệp ở mức cao để có thể hỗ trợ cho các vùng kinh tế khác tăng trưởng bền vững; sắp xếp ngành công nghiệp phát triển hài hoà với các dịch vụ hiện đại.
Năm 2004, tỷ trọng ngành công nghiệp Bắc Kinh chiếm khoảng 30% của cả nước. Đến năm 2008, Bắc Kinh dự báo sẽ cơ bản thực hiện xong hiện đại hoá, phấn đấu đạt được mục tiêu GDP bình quân đầu người là 6.000USD.
Bắc Kinh cũng có tham vọng thành lập một loạt doanh nghiệp có quy mô lớn và có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Được biết, thời gian tới, Bắc Kinh sẽ có kế hoạch bồi dưỡng để thành lập một loạt doanh nghiệp có quy mô lớn đạt doanh thu từ 1 - 10 tỷ NDT trở lên. Đi đôi với đó là việc xây dựng một loạt thương hiệu sản phẩm nổi tiếng.
Hợp tác kinh tế Hà Nội - Bắc Kinh
Trong những năm qua, TP Hà Nội và TP Bắc Kinh đã có một số quan hệ hợp tác về kinh tế. Nhiều đoàn doanh nghiệp Bắc Kinh đã đến thăm quan, tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam về nhiều lĩnh vực máy móc, thiết bị, mỏ địa chất, thực phẩm, dược phẩm, viễn thông…
Điểm nổi bật mang lại hiệu quả thiết thực trong hợp tác giữa hai thành phố hiện nay là việc Viện Khoa học công nghệ Mỏ Hà Nội đã hợp tác với Viện Mỏ Bắc Kinh trong việc nghiên cứu địa chất Việt Nam và khai thác than ở tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, hai thành phố đã phối hợp tham gia hội chợ triển lãm hàng hóa Trung Quốc tại Hà Nội cũng như tại Bắc Kinh.
Trong các chuyến thăm gần đây, các nhà lãnh đạo của TP Bắc Kinh cũng tuyên bố sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo TP Hà Nội trong việc tổ chức sắp xếp doanh nghiệp, tái cơ cấu các ngành công nghiệp...
Lãnh đạo hai thành phố Thủ đô đều tin rằng, trên cơ sở mối quan hệ sẵn có, tin tưởng rằng, hợp tác giữa TP Hà Nội và TP Bắc Kinh sẽ phát triển hơn nữa trong tuơng lai.
-
Nhật Vy (Tổng hợp)