Đổ xô đầu tư vào chung cư cao cấp tại Hà Nội
14:49' 31/07/2005 (GMT+7)

Giữa lúc thị trường nhà đất Hà Nội đang trầm lắng, thì hàng loạt dự án chung cư cao cấp vẫn được các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài tích cực triển khai.

Soạn: AM 500649 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các khu đô thị mới đang mọc lên như "nấm sau mưa" tại Hà Nội.

Nghịch lý này được giải thích một cách đơn giản là mặc dù thị trường đang trầm lắng, nhưng cầu về nhà ở vẫn ở mức cao và đang tiếp tục tăng nhanh, trong khi triển vọng về việc giữ được mức giá ít nhất là bằng thời điểm hiện tại cũng đang là một sự khuyến khích đối với nhà đầu tư.

Một chuyên gia về đầu tư nước ngoài đã nhận định rằng từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tập đoàn Ciputra của Indonesia có lẽ là nhà đầu tư nước ngoài may mắn nhất tại Việt Nam. Nhận giấy phép từ năm 1996, dự án khu đô thị Nam Thăng Long có vốn đầu tư lên tới 2,1 tỉ Đôla Mỹ của nhà đầu tư này đã không thể triển khai được cho đến năm 2001 do khó khăn về tài chính và đã nhiều lần Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tính đến việc rút giấy phép.

Tuy nhiên, khi dự án được khởi động lại sau rất nhiều nỗ lực của nhà đầu tư cũng như sự ưu ái của các cơ quan quản lý thì cũng là lúc thị trường nhà đất Hà Nội lên cơn sốt và nhà đầu tư đã không khó khăn gì để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án, sau đó triển khai tiếp giai đoạn 2 và hiện nay thì hầu hết nhà ở trong dự án này, kể cả biệt thự lẫn chung cư, đều đã được đăng ký mua và đặt tiền cọc.

Sự thành công của Ciputra là một sự khuyến khích cho các nhà đầu tư khác. Bất động sản là lĩnh vực mà số vốn đầu tư đăng ký lớn, từ vài chục đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ Đôla Mỹ, nhưng với nhà đầu tư thì đó hoàn toàn không phải là vấn đề lớn.

Với hình thức xây dựng “cuốn chiếu”, nhà đầu tư dễ dàng huy động được vốn từ người mua để thực hiện dự án theo từng phần. Vấn đề còn lại chỉ là những trở ngại cả trên giấy tờ lẫn ngoài thực địa, khi mà lĩnh vực này vẫn còn nhiều điều kiện hạn chế và việc tìm kiếm cũng như giải tỏa được mặt bằng hiện nay đang trở nên ngày một khó.

Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định hồ sơ dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới trên 300 triệu đô la Mỹ do một tổ hợp sáu công ty xây dựng lớn của Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Trong số sáu công ty trên có ba đơn vị đã triển khai nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực khác tại Việt Nam.

Một nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc khác thì đang xúc tiến việc đầu tư vào một khu đô thị mới ở khu vực Sài Đồng.

Trong khi đó, Công ty liên doanh Hà Việt Tungshing, chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao cấp bên bờ Hồ Tây vốn nằm “đắp chiếu” từ nhiều năm nay, cũng đang rục rịch khởi động trở lại. Cùng chung một hoàn cảnh với Hà Việt Tungshing là dự án khu đô thị mới North Bridges với tổng vốn đầu tư đăng ký 240 triệu đô la Mỹ, cấp phép từ năm 1994, cũng đang được chủ đầu tư tích cực vận động để được hồi sinh.

Theo một quan chức của Cục Đầu tư nước ngoài, việc cấp phép cho các nhà đầu tư hiện không phải là khó vì chủ trương chung là khuyến khích nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Vấn đề đối với các dự án về bất động sản là việc thống nhất được giữa nhà đầu tư với cơ quan quản lý về các điều khoản cụ thể trong giấy phép, chẳng hạn tỷ lệ nhà được bán là bao nhiêu, mức giá cụ thể ra sao, trách nhiệm của nhà đầu tư trong các dự án cũng như trách nhiệm xã hội…

Chẳng hạn, đối với dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây, trong tổng số vốn đăng ký khoảng 309,7 triệu Đôla Mỹ thì cơ cấu vốn như sau: chi phí giải phóng mặt bằng là 133 triệu đô la; xây dựng cơ sở hạ tầng 158 triệu Đôla. Không chỉ vậy, nhà đầu tư còn phải dành vốn xây dựng năm tuyến đường nối khu đô thị mới với các khu vực xung quanh. Dễ thấy một điều là việc giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng đã chiếm phần lớn vốn đầu tư.

Chủ đầu tư dự án này rõ ràng phải phát "ghen" với "ông hàng xóm" Ciputra về khoản chi cho giải phóng mặt bằng cũng như phát ghen với các nhà đầu tư “nội địa” khác đã được Hà Nội hỗ trợ hoàn thiện hệ thống giao thông đến tận chân hàng rào. Thế nhưng, dù khó khăn như vậy nhưng chủ đầu tư vẫn quyết tâm theo đuổi dự án và mọi việc có vẻ như đang ủng hộ họ.

Một nguồn tin cho hay nhiều khả năng dự án sẽ sớm được cấp phép trong thời gian tới nếu như một số vướng mắc còn lại được giải quyết. Không chỉ vậy, trước đây một số dự án về nhà ở vốn được cấp phép với nội dung xây dựng nhà cho thuê, nay thấy thị trường đang được giá, nhà đầu tư liền xin chuyển đổi chức năng toàn bộ hoặc một phần dự án sang hình thức bán. Hiện đã có một số dự án được Chính phủ đồng ý cho chuyển đổi một phần chức năng theo hướng này nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho nhà đầu tư.

Hơn lúc nào hết, các lãnh đạo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như UBND thành phố Hà Nội nhận thức được sự “có giá” của lĩnh vực bất động sản. Một báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội cho thấy nếu dự án khu đô thị Tây Hồ Tây được triển khai, thành phố có thể thu về cho ngân sách khoảng 100 triệu Đôla Mỹ, trong khi vẫn giải quyết được một vấn đề căn bản là tạo được nguồn cung mới cho thị trường.

Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội Nguyễn Đỗ Khuê đã nói thẳng rằng Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực bất động sản, nhưng Hà Nội cũng không hề lo thiếu nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

“Đối với các dự án nếu được cấp phép mà không chịu triển khai, luôn có các nhà đầu tư khác sẵn sàng tham gia”, ông Khuê nói. 

(Theo TBKTSG)

  Gửi tin qua Mobile Gửi tin qua E-mail In tin Gửi phản hồi
CÁC TIN KHÁC:
Món nợ khổng lồ 2500 tỷ của ngành giao thông (31/07/2005)
Khai trương siêu thị cao ốc văn phòng (30/07/2005)
Rau quả “ngoại” ép giá hàng “nội” (30/07/2005)
Giá dược phẩm tháng 7 tiếp tục ổn định (30/07/2005)
Tôn vinh thương hiệu doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên (29/07/2005)
Xuất khẩu gốm sứ vào châu Âu giảm (29/07/2005)
“Sốt” ảo căn hộ cao cấp (29/07/2005)
Du khách Nga, Tây Ban Nha đang "đổ bộ" vào Việt Nam (29/07/2005)
Không sử dụng hết hạn ngạch dệt may sẽ bị phạt (28/07/2005)
Xuất khẩu tháng 7 đạt mức cao nhất từ đầu năm (28/07/2005)
Giá xuất khẩu cà phê giảm mạnh (28/07/2005)
Thêm nhiều công ty từ EU muốn nhập khẩu tôm VN (28/07/2005)
Thị trường hàng tiêu dùng học sinh vào mùa (28/07/2005)
Trung Quốc dẫn đầu về nhập khẩu rau quả Việt Nam (27/07/2005)
Xem tiep Tro ve dau trang