(VietNamNet) - Uỷ ban châu Âu (EC) đang xem xét kỹ lưỡng đề nghị của Việt Nam về việc trao Quy chế Nền Kinh tế Thị trường hy vọng sẽ sớm trao Quy chế này cho Việt Nam.
|
EU sẽ sớm trao Quy chế Nền Kinh tế Thị trường cho Việt Nam. |
Đó là ý kiến nổi bật của EC - bộ máy điều hành của Liên minh châu Âu (EU) - trong cuộc họp diễn ra tại Hà Nội ngày 5/10 dưới sự đồng chủ toạ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc và Tổng Cục trưởng Tổng cục Quan hệ Đối ngoại của Uỷ ban Châu Âu ông Eneko Landaburu.
Trong phiên họp đặc biệt kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam này, EC cũng khẳng định rằng cuộc điều tra đang được tiến hành về chống bán phá giá đối với hàng giầy dép xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xử lý một cách khách quan và minh bạch, không xử ép cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phía EC cũng bày tỏ việc tiếp tục ủng hộ Việt Nam sớm gia nhập WTO. Cả hai bên nhất trí tiếp tục Chương trình Nghiên cứu Đánh giá Nhu cầu Thương mại nhằm giúp xác định và dành ưu tiên cho những nhu cầu về viện trợ liên quan tới thương mại của Việt Nam trong những năm tới.
Thêm 8 triệu euro nữa từ EU
Cũng tại buổi họp quan trọng này, dưới sự chứng kiến của các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam và viên chức ngoại giao của Uỷ ban Châu Âu, ông Eneko Landaburu ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ký Hiệp định Tài chính cho Dự án Hỗ trợ Thể chế (ISP) trị giá 8 triệu euro.
Dự án sẽ giúp đem lại sự hiểu biết rõ ràng hơn về chức năng vận hành của một nghị viện hiện đại và giúp nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các đại biểu quốc hội và nhân viên làm việc. Đặc biệt, dự án sẽ giúp Quốc hội hệ thống hoá các luật liên quan tới việc hội nhập quốc tế và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Đồng thời, dự án sẽ giúp tăng cường cải cách pháp lý và việc xét xử tại toà án nhằm mục tiêu giúp Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế thế giới đồng thời hỗ trợ việc triển khai các luật được thông qua gần đây. Sự hỗ trợ này sẽ được tiến hành thông qua việc cung cấp các khoá đào tạo và cung cấp các thiết bị tin học và máy vi tính cho Bộ Tư Pháp, Toà án Nhân dân Tối cao, và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Các hoạt động của Dự án Hỗ trợ Thể chế được kết hợp với mục tiêu lớn hơn của Liên minh Châu Âu nhằm hỗ trợ việc triển khai Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm (của CP Việt Nam) và tăng cường năng lực của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ tới người dân.
Dự án bắt đầu triển khai vào tháng 1/2006 và kết thúc vào giữa năm 2009. Dự án là một phần của viện trợ hải ngoại mà Cộng đồng Châu Âu dành cho Việt Nam hàng năm với mức trung bình là 40 triệu euro mỗi năm.
Cách đây 1 tuần, EU cũng đã khai trương dự án MUTRAP II nhằm hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết thời hậu WTO.
|