(VietNamNet) - Trong hai ngày 18 và 19/5, Ngân hàng thế giới WB và Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức hội thảo tại TP.HCM, đi tìm giải pháp quản lý việc sử dụng vốn ODA. Sở dĩ có cuộc hội thảo này vì mô hình PMU đã thể hiện nhiều bất cập.
Tiến sĩ Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong 5 năm 2001-2005, nguồn vốn ODA đã đóng góp 11% tổng đầu tư của toàn xã hội và 17% tổng vốn đầu tư của Nhà nước. Nguồn vốn này đã mang lại cho Việt Nam nhiều công trình cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng; đã góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển khoa học công nghệ, tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực.
“Song hiện nay việc quản lý và sử dụng ODA đang là vấn đề nổi cộm, đang được bàn luận nhiều trên báo chí, trên các diễn đàn cao nhất, hiện nay tại diễn đàn Quốc hội là tâm điểm sự chú ý của mọi người. Và thực tế cuộc sống đòi hỏi phải tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa công tác này”.
“Vấn đề nổi cộm” mà Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu, ngoài những vấn đề về triển khai dự án, yếu tố quan trọng nhất được đề cập ở đây là tình hình của Ban Quản lý các dự án (Ban QLDA). Trong bài tham luận mở màn hội thảo với nội dung “Cần làm gì và làm như thế nào để tăng cường quản lý cải thiện tình hình thực hiện dự án ODA ở Việt Nam”, tiến sĩ Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại - Bộ Kế hoạch đầu tư nêu ra 4 khiếm khuyết của Ban QLDA vốn ODA.
“Cơ sở pháp lý chưa đủ chặt đối với các hoạt động của Ban QLDA”, đó là vấn đề đầu tiên trong số các khuyết điểm tiến sĩ Minh nêu ra, mà từ đó dẫn đến hàng loạt những vấn đề khác.
Tiến sĩ Minh cho rằng đây là “lỗ hổng pháp luật”, xuất phát từ chỗ thiếu quy chế mẫu khiến thiếu nhất quán trong công tác tổ chức. “Đây là sơ hở cho những quy định tùy tiện và trao quyền tràn lan cho Ban QLDA. Trong khi đó, lại thiếu những quy định pháp quy về trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban QLDA từ phía cơ quan chủ quản và những chế tài hữu hiệu” - tiến sĩ Hồ Quang Minh nói.
Theo vị Vụ trưởng này, Ban QLDA nguồn vốn ODA được tổ chức trong môi trường đầu tư khép kín trong khung khổ cơ quan chủ quản từ khâu chuẩn bị dự án, đấu thầu, thực hiện dự án, cho tới nghiệm thu công trình… đã tạo ra nhiều lỗ hổng để kẻ xấu có thể lợi dụng làm trái pháp luật.
Nêu ra các nhược điểm của Ban QLDA, tiến sĩ Hồ Quang Minh đặt thẳng vấn đề đi tìm một phương án cải cách Ban QLDA nguồn vốn ODA. Theo gợi ý của tiến sĩ Minh, có 3 khuynh hướng.
Giải pháp đầu tiên khá táo bạo là “Công ty hóa các Ban QLDA”. Với cách làm này, địa vị pháp lý của ban QLDA có sự thay đổi lớn. Ban QLDA được tách ra khỏi cơ quan chủ quản, làm rõ vai trò và trách nhiệm của chủ dự án tức chủ đầu tư, và Ban QLDA hoạt động như một doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Hướng thứ hai là duy trì Ban QLDA như hiện nay, song hạn chế chức năng nhiệm vụ, quyền hạn. Ý tưởng này có thể khắc phục được một số khiếm khuyết hiện tại như Ban QLDA có quá nhiều quyền lực dễ bị lạm dụng, song sẽ làm quá tải cơ quan chủ quản. Cách làm này vẫn còn mang khá rõ tính chất “bình cũ, rượu mới”, không giải quyết được vấn đề cơ bản là sự gắn kết Ban QLDA với trách nhiệm làm chủ nguồn vốn đầu tư.
Phương án thứ 3, gắn trách nhiệm của Ban QLDA với dự án do họ quản lý, theo nguyên tắc Ban QLDA phụ trách từ khâu chuẩn bị dự án, quản lý và tổ chức thực hiện cho tới việc đưa dự án vào khai thác. Theo cách này, Ban QLDA hoàn toàn lồng ghép vào cơ cấu tổ chức của người chủ đích thực của dự án, và chịu trách nhiệm toàn diện trước chủ dự án về kết quả thực hiện dự án.
Mô hình nào hay dở, được mất? Chọn mô hình nào, bao giờ chọn, hay tham khảo và làm theo mô hình đã thành công của các nước Trung Quốc, Ba Lan, Malaysia…? Đây là câu hỏi khó cho các nhà quản lý, kể cả cho các chủ nợ. Những vấn đề này sẽ được các đại biểu mổ xẻ tìm kiếm vào ngày làm việc còn lại, ngày mai 19/5.
-
Đặng Vỹ