(VietNamNet) - Khi các ngân hàng (NH) liên kết lại với nhau, chiếc thẻ ATM sẽ giao dịch được tại tất cả các máy ATM. Đó là sự tiện lợi lớn cho người dân và cho cả các NH, nhờ tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rất nhiều chi phí. Song không phải NH nào cũng muốn liên kết.
Thẻ ATM có nhiều tiện ích, nhưng không phải ai cũng lựa chọn bởi vẫn còn bất tiện do việc thiếu liên kết của các NH. |
Ông Janet Ross, doanh nhân Hoa Kỳ, lần đầu tiên sang TP.HCM đã ngạc nhiên khi thấy trong nhiều nhà hàng, khách sạn, siêu thị có tới 3 chiếc máy ATM, và cả các điểm chấp nhận thẻ thanh toán (POS). Tìm hiểu, ông Ross lại càng ngạc nhiên hơn khi biết đây là các máy của các NH khác nhau.
“Ở xứ sở của chúng tôi không như vậy. Các NH liên kết với nhau. Thẻ của một NH phát hành nhưng giao dịch được với nhiều loại thiết bị của phần lớn NH khác”.
“Khi bạn có thẻ ATM của NH này, nhưng trong siêu thị chỉ có máy ATM của NH khác và thẻ của bạn không giao dịch được với máy đó. Bạn sẽ nghĩ rằng làm thẻ chỉ mất công giữ, có khi lại bị đánh cắp thông tin. Và cuối cùng bạn sẽ lại chọn tiền mặt” - ông Ross nói.
Hiện tại ở Việt Nam có 20 NH phát hành khoảng 2,5 triệu thẻ ATM, và có 1.800 máy ATM cùng 2.000 máy POS. Có nghĩa là, bình quân mỗi dụng cụ này chỉ để để phục vụ chưa tới 658 thẻ ATM!
Việc thiếu liên kết giữa các hệ thống ATM của các NH thứ nhất gây lãng phí tiền bạc. Các NH đã phải tốn một khoản tài chính quá lớn để đầu tư trang thiết bị, công nghệ, nhân lực để quản lý và vận hành, để mỗi máy ATM phục vụ cho chỉ vài trăm thẻ!
Thứ hai, việc kết nối rời rạc tạo ra sự bất tiện cho người tiêu dùng. Người sử dụng thẻ ATM của NH này không thể giao dịch với thiết bị của NH khác. Vì vậy, các dịch vụ dành cho thẻ được các NH thiết kế chỉ để phục vụ cho thẻ của NH mình với số lượng rất nhỏ.
Thứ ba, và có lẽ là lớn nhất, đó là không thu hút người dân đến với dịch vụ thẻ. Như ông Ross đã nhận định, nếu sử dụng chiếc thẻ chỉ để rút tiền và một vài dịch vụ khác nhưng phải đi tìm cho được chiếc máy ATM của chính NH phát hành thẻ mới giao dịch được, sẽ khiến cho khách hàng nản lòng vì bất tiện hơn giao dịch tiền mặt.
Hiện tại có một vài NH đã liên kết với nhau và việc phát huy sự tiện dụng của chiếc thẻ ATM đã thấy rõ. Liên minh thẻ VNBC do NH Đông Á (EAB) khởi xướng đang chuẩn bị liên kết với tập đoàn China UnionPay của Trung Quốc. Các thẻ ATM của 4 NH trong liên minh VNBC là Sài Gòn Công thương, NH Đầu tư và Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long, NH phát triển nhà Hà Nội, và NH Đông Á sẽ thực hiện được các giao dịch tại các máy ATM và POS của hệ thống China UnionPay tại Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao. NH United Overseas của Singapore cũng đã ngỏ ý được gia nhập VNBC. Đây là một trong những NH hàng đầu trong khu vực với 500 văn phòng, trong đó có 430 văn phòng tại các nước Úc, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ… Thẻ đa năng tích hợp từ và chip của EAB được kết nối với hệ thống mạng toàn cầu của tập đoàn Visa.
Đại gia không thèm liên kết?
Thanh toán không dùng tiền mặt, đó là khuynh hướng mà các nước đang hướng tới. VN cũng đã nhận ra điều này và thời gian qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã được phát triển tốt hơn. Các phương thức tập trung nhiều vào séc, ủy nhiệm thu chi. Phương thức đang khuyến khích là thẻ ATM, và các thẻ thanh toán quốc tế khác như VisaCard, MasterCard…
Nhìn thấy được sự lãng phí và bất tiện khi chơi một mình một sân, một số NH đã liên kết với nhau. Hiện tại có 4 hệ thống liên kết chính là Connect24 của Vietcombank với 18 NH liên kết với nhau, Công ty chuyển mạch tài chính BankNet do NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) được chọn làm đầu mối, Liên minh Sacombank - ANZ, và Liên minh thẻ VNBC hiện có 4 thành viên.
Giao dịch gửi và rút tiền tiết kiệm trong tài khoản ngân hàng Đông Á (EAB) tại máy ATM nhiều chức năng. Ảnh: Đặng Vỹ |
Dù đây là những dấu hiệu cho thấy các NH đã có khuynh hướng hợp tác với nhau, song theo nhận xét của các nhà quản lý và của chính các NH, sự liên kết này cũng chỉ mới mang tính tự phát. Việc kết nối vẫn cứ mang tính cục bộ theo nhóm nhỏ, và vì thế vẫn chưa phát huy được hết những dịch vụ tiện ích của máy ATM.
Đây là lý do khiến cho người dân không mặn mà với thẻ.
Trong lần trao đổi về hoạt động liên kết của các NH, ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc NH EAB cho rằng, các NH lớn không chấp nhận liên kết với NH nhỏ.
“Hiện các NH chia ra làm hai khối. NH lớn không thèm chơi NH nhỏ. Các NH nhỏ cũng khó kết nối với NH lớn bởi tự ti. Đó là nguyên nhân cản trở”.
Ông Đỗ Đức Cường, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cho rằng, tư tưởng “bao cấp khách hàng” hiện còn đang rất nặng trong các NH. Các NH lớn luôn giữ lấy khách hàng, không chịu chia sẻ khách hàng cho ai và vẫn có tư tưởng bao trùm ảnh hưởng của mình lên các NH khác.
“Việc cạnh tranh và cát cứ khách hàng không chỉ làm thiệt quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng tới chủ trương lớn hơn là thanh toán không dùng tiền mặt. Nhất là trong giai đoạn hội nhập sắp tới, khi các đại gia nước ngoài đổ bộ vào, nếu các NH trong nước không liên kết lại là tự trói mình” - chuyên gia Cường cảnh báo.
Cần một đầu mối tập hợp
Có ý kiến cho rằng, khó kết nối vì công nghệ của các NH khác nhau. Song ý kiến khác chỉ ra vấn đề ở chỗ con người chứ không phải công nghệ. Ông Tạ Quang Tiến, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học NH cũng nhất trí rằng không phải do thiếu công nghệ, mà thiếu một cơ chế chỉ đạo điều hành, thiếu một tổ chức tập hợp vận động.
“Sự đồng thuận là cần thiết nhất. Chỉ cần các NH có ý muốn kết hợp lại với nhau vì lợi ích chung. Còn công nghệ có thể giải quyết được” - ông Tiến nói.
Theo thống kê của tổ chức thẻ quốc tế là Visa, mặc dù tốc độ tăng trưởng thẻ bình quân trong vài năm gần đây đạt tới 300%, nhưng lượng sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn rất lớn. Thống kê của NH Nhà nước cho kết quả lượng tiền mặt trong thanh toán chiếm khoảng 20 đến 23% trên tổng các phương tiện thanh toán. Các giao dịch nhỏ đều dùng tiền mặt.
Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, trong khi đó, thanh toán không dùng tiền mặt chỉ mới tập trung vào khai thác các dịch vụ thông thường. Hệ thống thanh toán điện tử liên NH hiện nay mới chỉ thực hiện được ở 49 NH ở 6 tỉnh thành. Còn lại các đơn vị khách đều phải thực hiện thanh toán tiền gửi qua NH Nhà nước bằng chứng từ trực tiếp. Phương thức giao dịch này mất nhiều thời gian và nhân lực.
Liên kết sẽ phát huy chiếc thẻ ATM là điều các NH đều nhìn thấy, nhưng việc liên kết đến giờ vẫn cứ nhỏ lẻ, manh mún, nhiều NH vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Ngoài việc sẽ thua thiệt về quyền lợi của chính các NH, lớn hơn nữa là thiệt cho người tiêu dùng, đó là chủ trương khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt bị cản trở.
Vì vậy, theo các ngân hàng, điều cần nhất là phải có một đầu mối đứng ra làm công tác tập hợp. Đầu mối đó chính là NH Nhà nước, hoặc cũng có thể là Hiệp hội thẻ.
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VPBank, ông Nguyễn Quang A cho rằng, NH Nhà nước nên đưa ra một chương trình hành động, yêu cầu các NH cùng tham gia.
“Bất cứ một quốc gia nào, khi đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển thì quốc gia đó đồng thời cũng không thể thiếu một hệ thống thanh toán hiện đại. Thanh toán không dùng tiền mặt là bước đầu tiên, hơn thế nữa là tiến tới thanh toán điện tử” - Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói.
Đa số các ngân hàng thương mại tư nhân đều có nguyện vọng liên kết. Vấn đề còn lại là cơ quan đứng ra làm công việc tập hợp.
Từ lâu đã có đề xuất
Có ý kiến cho rằng, liên kết các ngân hàng khó vì công nghệ của các NH khác nhau, khó kết nối. Song ý kiến khác chỉ ra vấn đề ở chỗ con người chứ không phải công nghệ. Ông Tạ Quang Tiến, Cục trưởng Cục công nghệ tin học NH cho rằng không phải do thiếu công nghệ, mà thiếu một cơ chế chỉ đạo điều hành, thiếu một tổ chức tập hợp vận động.
Từ cách đây khá lâu, một đề án về Công ty thẻ của ông Lâm Hoàng Lộc, ngân hàng VP Bank chính là đặt ra vấn đề liên kết. Với mỗi ngân hàng, số vốn nhỏ không đầu tư được, nhưng tập hợp vốn của nhiều ngân hàng sẽ đầu tư được, và tiết kiệm vì không phải trang bị quá nhiều máy POS và ATM như mỗi ngân hàng tự trang bị hiện nay. Công ty thẻ sẽ tổ chức việc liên kết các ngân hàng thành viên, làm việc với Visa Card và Master Card để phát hành, vì hai loại thẻ này vốn đã chuẩn hóa trên toàn thế giới, thuận lợi kết nối toàn cầu.
Đề án của ông Lộc chưa thực hiện được, vì theo ông thú nhận, lúc đó VP Bank chưa đủ mạnh để đứng ra làm công việc tập hợp. Một thành viên trong hệ thống liên kết VCB thú nhận, mô hình do ông Lộc đưa ra ổn hơn các nhóm liên kết do một NH đứng ra làm đầu mối như hiện nay. Vì Công ty thẻ độc lập, nên không ngân hàng nào sợ bị lộ thông tin cho đối thủ cạnh tranh. Công ty thẻ sẽ có cổ phần của các ngân hàng tham gia, nên không ngân hàng nào bị phụ thuộc, lép vế với ngân hàng nào.
Ông Lộc cho biết, hiện tại cách kết nối của Liên minh thẻ VNBC có nhiều ưu việt, và có thể VP Bank sẽ tham gia vào nhóm này.
Theo thống kê của tổ chức Thẻ quốc tế là Visa, mặc dù tốc độ tăng trưởng thẻ bình quân trong vài năm gần đây đạt tới 300%, nhưng lượng sử dụng tiền mặt trong thanh toán vẫn rất lớn. Thống kê của NH Nhà nước cho kết quả lượng tiền mặt trong thanh toán chiếm khoảng 20 đến 23% trên tổng các phương tiện thanh toán. Hệ thống thanh toán điện tử liên NH hiện nay mới chỉ thực hiện được ở 49 NH ở 6 tỉnh thành.
Vì vậy, theo các ngân hàng, điều cần nhất là phải có một đầu mối đứng ra làm công tác tập hợp. Đầu mối đó chính là NH Nhà nước, hoặc cũng có thể là Hiệp hội thẻ. Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VPBank, ông Nguyễn Quang A cho rằng, NH Nhà nước nên đưa ra một chương trình hành động, yêu cầu các NH cùng tham gia.
“Bất cứ một quốc gia nào, khi đặt mục tiêu xây dựng nền kinh tế phát triển thì quốc gia đó đồng thời cũng không thể thiếu một hệ thống thanh toán hiện đại. Thanh toán không dùng tiền mặt là bước đầu tiên, hơn thế nữa là tiến tới thanh toán điện tử” - Phó Giáo sư tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nói.
-
Đặng Vỹ