(VietNamNet) - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung vừa cho biết, tại cuộc họp Chính phủ vào cuối tháng này, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ sẽ chính thức xem xét và cho ý kiến về Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Ông Trung cũng cho biết, từ nay đến khi Luật được trình ra Quốc hội vào cuối năm nay chắc chắn sẽ qua nhiều lần lấy ý kiến và có nhiều cuộc thảo luận để thống nhất các vấn đề còn tranh cãi.
Trong khi đó, ông Quách Đức Pháp - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến đóng góp của các Bộ ngành về Luật Thuế thu nhập cá nhân. Điểm thống nhất chung là các Bộ ngành đều nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng như nội dung cơ bản của Luật thuế này.
Đẩy nhanh việc ban hành một số luật để dễ dàng thực hiện thuế TNCN. (Ảnh: N.V) |
Có một số điểm các Bộ ngành đề xuất được tiếp nhận sửa đổi như: các ý kiến đồng ý đánh thuế với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nhưng đề xuất được trừ các khoản lỗ khi xác định thu nhập chịu thế. Bên cạnh đó, thu nhập về chuyển nhượng bất động sản theo dự luật là chưa thu thuế với hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã có quyền sở hữu trên 10 năm. Nhưng có ý kiến đề nghị rút ngắn xuống 5 năm thì chưa thu thuế và Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất cần tiếp tục thảo luận. Trong đó có các vấn đề như: việc xác định các trường hợp nào phải thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản. Nhiều ý kiến chưa đồng ý với việc thu thuế từ lợi tức cổ phần, lợi tức từ góp vốn kinh doanh vì cho rằng thu trùng nhưng lại có ý kiến đồng ý thu. Về thuế thu từ lãi gửi tiết kiệm cũng đang tranh cãi xoay quanh hai luồng ý kiến nên thu và chưa nên thu.
Việc giảm trừ gia cảnh được đồng tình cao nhưng vẫn còn nhiều ý kiến về mức giảm trừ cho người nộp thuế, rất nhiều ý kiến cho rằng 4 triệu là thấp mà phải từ 5 triệu trở lên. Đối với người nước ngoài vẫn đang còn nhiều ý kiến giữa việc thống nhất một mức giảm trừ chung để đảm bảo công bằng nhưng cũng có nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất giảm trừ những những khoản chi phí đặc thù như khoản phí xa tổ quốc.
Đồng bộ luật để thu thuế TNCN
Theo Bộ Tài chính, ngay trong quá trình soạn thảo Luật, ban soạn thảo đã lường trước những khó khăn khi thực hiện luật thuế này. Trước hết, đây là luật thuế mới, có diện điều chỉnh rộng và rất nhạy cảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện luật này yêu cầu tất cả các cá nhân chịu thuế phải kê khai thu nhập nên sẽ gây tâm lý không thoải mái.
Các yếu tố khách quan khác như: việc thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, các khoản thu nhập từ thừa kế, quà tặng còn khó kiểm soát. Việc nắm bắt các thông tin từ lãi cho vay, tiết kiệm cần có sự phối hợp của các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, để thực hiện luật thuế này cần có sự triển khai đồng bộ của nhiều luật cũng như các giải pháp quản lý. Bộ Tài chính đã có đề nghị, sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Chính trị có chỉ thị cho các cấp uỷ Đảng tăng cường chỉ đạo triển khai luật thuế. Thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ để triển khai luật trên cả nước. Các địa phương cũng cần thành lập ban chỉ đạo để triển khai luật thuế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm đẩy mạnh tiến độ xây dựng và ban hành Luật đăng ký bất động sản. Tiến hành các biện pháp đăng ký, kê khai hành nghề đối với các cá nhân hành nghề độc lập để tăng cường quản lý và kiểm soát thu nhập.
Ngân hàng Nhà nước sớm mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đây được cho là một giải pháp quan trọng để kiểm soát thu nhập cá nhân, dễ dàng hơn trong việc khấu trừ và thu thuế.
Mở rộng diện cấp mã số thuế
Bộ Tài chính cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị thực hiện luật thuế TNCN, ngành thuế sẽ tăng cường và mở rộng việc cấp mã số thuế, đặc biệt là cho các đối tượng hành nghề tự do.
Bà Đỗ Thị Thìn - Trưởng ban thuế TNCN thuộc Tổng cục thuế, cho biết, việc cấp mã số thuế cho đối tượng nộp thuế và việc kê khai các cá nhân trong diện giảm trừ gia cảnh, khấu trừ thuế sẽ phải làm trước. Đây là cơ sở nhận dạng thu nhập cá nhân và sẽ được sử dụng trong tất cả các khoản chi trả... Cùng với việc mở rộng cấp mã số thuế, việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cũng sẽ giúp việc quản lý thuế tốt hơn mà không nhất thiết phải tăng thêm nhân lực.
Ví dụ, mỗi cá nhân có một mã số thuế, khi tính thuế lãi tiết kiệm thì các ngân hàng sẽ cung cấp thông tin cho Tổng cục thuế để phối hợp quản lý. Nếu gửi tiền ở nhiều ngân hàng nhưng vẫn một mã số thuế thì cũng không thể trốn thuế được. Còn chuyện nhờ tên người khác thì cũng có rất nhiều rủi ro vì người được nhờ đứng tên có thể rút hết số tiền gửi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, để kiểm soát được những người nộp thuế và tránh tình trạng những người có thu nhập cao nhưng không bị quản lý và thu thuế như hiện nay thì mỗi cá nhân và cả những người phụ thuộc cần có một mã số thuế riêng.
Bởi vì, nếu không có mã số thuế, việc thu thuế đối với những người có thu nhập cá nhân có khi chỉ nắm được "ông có tóc", tức là chỉ thu vào tiền lương, tiền công do cơ quan chi trả mà không nắm được "ông trọc đầu" là tất cả các khoản thu nhập khác của cá nhân không được kiểm soát và thu được thuế. Nếu cứ duy trì mãi cách thu thuế như thế này thì không hợp lý, tính công bằng trong nghĩa vụ thuế là không đảm bảo.
-
Phước Hà