221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
852816
Motorola tham vọng soán ngôi số 1 của Nokia
1
Article
null
Motorola tham vọng soán ngôi số 1 của Nokia
,

(VietNamNet) - Cuộc đua của các nhà sản xuất điện thoại di động hầu như đã ngã ngũ khi Motorola tái chiếm thị trường Việt Nam giành vị trí thứ hai trong một thời gian rất ngắn, đẩy Samsung và Ericson xuống hạng thứ 3 và 4, và ngấp nghé ngôi đầu bảng của Nokia.

Tháng 2/2006 Motorola chính thức đạt thị phần 18,9% tại thị trường Việt Nam, đẩy Sony Ericsson xuống hàng thứ tư để tranh ngôi vị thứ ba. 1 tháng sau đó Samsung đang ở top 2 với 18% đã bị Motorola đẩy xuống thứ ba. Motorola đã đạt thị phần 22% vào tháng 7/2006, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường điện tử GFK Asia Pte. Cuộc đua vẫn chưa dừng ở đó khi của thị phần trên thế giới của Motorola chỉ còn kém Nokia 10%.

Phần thắng thuộc về thị trường bình dân

Motorola kỳ vọng chiếc MOTOFONE F3 sẽ làm thay đối cuộc chơi với giá rẻ bất ngờ.

Chưa nói đến 10 năm trước khi chiếc ĐTDĐ còn là một thứ xa xỉ phẩm, mà cách đây 5 năm giới bình dân, công chức nghèo không phải ai cũng sắm được loại công cụ cần thiết cho công việc thường xuyên di chuyển này. Nokia vào VN khá sớm, và mặc dù vẫn chiếm được thị phần lớn nhất, song hàng vẫn không tới với người tiêu dùng với giá vài triệu đồng một chiếc máy. Cách đây 5 năm, chiếc Nokia 8210 đã là thuộc hàng quý tộc, đến 8 triệu đồng. Còn chiếc gập vỏ sò Star TAC của Motorola những năm trước đó là một thứ hàng xa xỉ.

Ngay cả Hàn Quốc, một đất nước luôn hướng tới việc sản xuất các sản phầm có giá cả trung bình nhưng chất lượng chấp nhận được, vẫn không đáp ứng được cho giới bình dân sử dụng sản phẩm của mình. Samsung là nhãn hiệu duy nhất của Hàn Quốc lọt vào top 100 thương hiệu quốc tế. Có một khoảng thời gian cũng được 3 năm từ 2001 Samsung chiếm lĩnh thị trường với những model bắt mắt phù hợp với giới nữ. Tuy nhiên một điều không thể chối cãi là do mải chạy theo thiết kế mà Samsung đã không chú trọng khâu kỹ thuật, mà điều thấy rõ nhất là sóng rất yếu, nên đành phải nhượng bộ trong cuộc chiến thị phần.

Khắc phục được đặc điểm kỹ thuật của Samsung thì Simen Ericsson và một vài hãng khác lại rơi vào cực đoan là bỏ qua “gu” thẩm mỹ mà chỉ tập trung vào kỹ thuật. Vì vậy mà sau một thời gian, Motorola cũng cùng chung số phận, không những biến mất khỏi thị trường Việt Nam mà cũng im hơi lặng tiếng cả trên thị trường thế giới cùng với những mẫu mã cục mịch khác của mình.

Quả thật người nghèo đã bị bỏ quên trong cuộc chơi của các nhà sản xuất. Tại VN, khi S-Fone mới vào cuộc đã có mức cước hấp dẫn, nhưng khách hàng vẫn khó lòng tham gia mạng này bởi phải mua chiếc máy vài triệu đồng. Bây giờ cơ hội của S-Fone đã không thể nào lặp lại mặc dù chiếc giá chiếc ĐT đã giảm đi nhiều, bởi S-Fone còn phải xoay trở ở một hướng khác là cuộc đua cung cấp sóng, mà trong lĩnh vực này lợi thế không thuộc về S-Fone.

Chính trong sự thất bại đó mà Motorola nhìn thấy vai trò của thị trường bình dân, và cuộc cách mạng giành lại thị phần bắt đầu từ thị trường này với dòng sản phẩm phổ thông.

Cuộc thay đổi của Motorola bắt đầu từ tháng 10/2005 với chương trình Moto4You Việt Nam, chương trình “Di động không giới hạn” và “Kết nối những người chưa được kết nối”. Khởi sự từ dòng phổ thông với các sản phẩm tầm trung như C118, C139, C168, C257, và tiếp theo đó là sự phối hợp với Vinaphone tặng SIM Card và tài khoản cho khách hàng với các dòng máy chỉ từ 30 USD đến 40 USD như C113, C113a. Đến đầu tháng 2/2006 Motorola đã có 18,9% thị phần và chỉ chưa đầy nửa năm tiếp theo đã đạt 22%. 

Sự thành công của Motorola đã chứng minh, thị trường bình dân vẫn là thị trường rộng lớn nhất. Chính sự thành công của chiến lược chiếm lĩnh thị trường phổ thông là động lực cho mục tiêu tiếp theo của Motorola là tiến vào thị trường cao cấp và rượt đuổi Nokia.

Cuộc tiến quân vào thị trường cao cấp

Về sau, các hãng cũng đều có sản phẩm dòng phổ thông dành cho giới thu nhập trung bình. Tuy nhiên vì không đặt ra thành một mục tiêu chiến lược thị phần, nên cuối cùng sau một vài dòng sản phẩm đưa ra không được chấp nhận, các hãng gần như bỏ ngỏ trận địa này, để quay sang dòng cao cấp vốn là thế mạnh truyền thống của mình.

Cuộc chiến thị phần bây giờ chỉ còn lại Motorola và Nokia. Nếu Nokia vẫn tập trung cho kỹ thuật thì Motorola hướng vào thiết kế thời trang và giải trí cao cấp cùng với công nghệ bluetooth.

Có thể nói sự kiện hợp tác giữa hai hãng Sony và Ericson và chiếc S700i là cột mốc đầu tiên đánh dấu cuộc chạy đua vào thị trường cao cấp, với các chức năng tích hợp máy ảnh 1.3 megapixel, nhạc MP3, game 3 chiều… Tuy nhiên nếu nói về thị trường này thì lại không hãng nào có thế mạnh bằng Nokia, nên rút cục lần lượt các nhãn hiệu đều phải ra đi, nhường trận địa này lại cho hai nhà Motorola và Nokia tranh giành và chia sẻ.

Theo xu thế mới nhất, Nokia vẫn trung thành với thế mạnh truyền thống của mình là kỹ thuật và các tính năng hỗ trợ công việc. Trong khi đó, Motorola kinh nghiệm hơn sau một lần bị đánh bật, đã biết chú trọng vào dòng thiết kế và giải trí. Ông Bùi Văn Hòa, Giám đốc toàn quốc bộ phận thiết bị di động của Motorola, cho biết trước đây Motorola chỉ chú ý đến kỹ thuật, trong khi đó, xu hướng sử dụng điện thoại hiện nay là cần đa tính năng do thường xuyên di chuyển.

Nếu nói về những tính năng thì cả hai đều chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Tuy nhiên Nokia vẫn có phần bảo thủ khi vẫn ở top 1 nên không chú trọng đến việc thiết kế. Nokia chỉ thực sự âu lo khi thị phần thế giới đã sụt giảm từ 35 xuống còn 33% trong năm nay, trong khi Motorola đã đuổi sát nút với 22% và âm thầm thực hiện mục tiêu soán ngôi bằng nỗ lực không mệt mỏi trong việc thiết kế mẫu mã và đưa vào những tính năng giải trí cao cấp.

Mới đây Motorola giới thiệu bộ sưu tập gồm 15 mẫu máy từ phổ thông đến cao cấp, chia ra 5 dòng là dòng phổ thông, dòng thời trang, dòng nghe nhạc, dòng doanh nhân và dòng CDMA. Bộ sưu tập vẫn đi theo hướng siêu mỏng, là điểm khác biệt của Motorola. Các sản phẩm được thiết kế với màu xanh là chủ đạo, khuynh hướng màu sắc thể hiện sự sang trọng hiện nay.

Đi cùng với thiết kế, Motorola chú trọng tính năng giải trí. Những chiếc điện thoại được thiết kế như máy ảnh và camera kỹ thuật số với độ phân giải 2 Megappixel, đồng thời như một Ipod nghe nhạc chuyên nghiệp với các phần mềm hỗ trợ nhiều định dạng như MP3, AAC... Lần này Motorola đặc biệt chú trọng công nghệ bluetooh, với tai nghe không dây là một model thời thượng.

Kể cả mặc dù chú trọng tuyệt đối đến thiết kế và giải trí, song Motorola vẫn nhắc nhở không quên nơi đã từng giúp mình tái chiếm thị phần, đó là dòng phổ thông. Bằng chứng là mặc dù cũng siêu mỏng, model sang trọng gập vỏ sò, màn hình màu, cũng có trình duyệt WAP..., nhưng chiếc Motorola W220 có giá chỉ 1,5 - 1,6 triệu đồng. Với giá này, người lao động bình thường cũng có thể sở hữu một chiếc điện thoại. Hay sắp tới đây chiếc MOTOFONE với thiết kế sang trọng và thời thượng cùng nhiều tính năng độc đáo, nhưng Motorola không ngần ngại tuyên bố chiếc điện thoại này “sẽ làm thay đổi cục diện cuộc chơi” bởi giá rẻ bất ngờ.

Đến giờ này có thể nói cuộc đua ĐTDĐ chỉ còn lại hai đại gia là Motorola và Nokia. Vẫn chưa thấy Nokia tung ra độc chiêu nào để chống đỡ tham vọng soán ngôi số 1 của đối thủ ngoài việc đặt nhà máy sản xuất Nokia tại Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh càng quyết liệt hơn khi mới đây Motorola cũng đã hợp tác với nhà cung cấp thiết bị mạng Huawei của đất nước chiếm 1/4 dân số địa cầu và là thị trường ĐTDĐ lớn nhất thế giới này.

  • Đặng Vỹ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,