(VietNamNet) - Tổng Công ty Sông Đà vừa chính thức trình Bộ Xây dựng đề án hình thành và phát triển Tập đoàn Sông Đà, tập đoàn công nghiệp - xây dựng đầu tiên tại Việt Nam.
Đề án tập đoàn công nghiệp - xây dựng trên cơ sở lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt đã được Bộ Xây dựng chủ trương tiến hành từ năm 2004 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vừa qua, Tổng công ty này đã chính thức trình Đề án hình thành và phát triển Tập đoàn Sông Đà với cơ cấu tỉ trọng ngành nghề gồm: xây lắp 40%, sản xuất công nghiệp 40% và dịch vụ 20%.
Nhà máy Thủy điện Sơn La với tổng công suất lắp máy dự kiến 2.400MW với sự tham gia của Tổng Công ty Sông Đà. |
Theo đó, phần vốn điều lệ đăng ký của toàn bộ công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết đến cuối năm 2006 dự kiến là 4.320 tỉ đồng và tăng lên thành 7.000 tỉ đồng vào cuối năm 2010.
Một số ngành nghề kinh doanh mới sẽ được bổ sung khi hình thành tập đoàn này như: lắp đặt thiết bị công nghiệp (nhiệt điện); cơ khí chế tạo (các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, xi măng); dịch vụ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, du lịch, khách sạn, sân golf); thương mại (đầu tư khu kinh tế mở, khu công nghiệp)...
Như kế hoạch Tổng công ty này đề ra trong giai đoạn 2006-2010, để vươn lên trở thành một tập đoàn kinh tế, ngoài thế mạnh là thi công các công trình thuỷ điện, Tổng công ty sẽ tiếp tục đa dạng hoá ngành nghề, đa dạng hoá sản phẩm và đa dạng hoá sở hữu. Cụ thể: trong lĩnh vực công nghiệp điện, đến năm 2010, tổng công suất lắp máy do Tổng công ty đầu tư sẽ đạt 3.200MW (trong đó thuỷ điện là 2.000MW, nhiệt điện là 1.200MW) với sản lượng trung bình hàng năm đạt khoảng 8 tỷ kWh điện.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Tổng công ty đầu tư cho dự án xi măng Hạ Long công suất 2,1 triệu tấn /năm (dự kiến hoàn thành vào năm 2008), nhà máy sản xuất phôi thép với công suất 400.000 tấn/năm (hoàn thành vào năm 2007).
"Việc hình thành các tập đoàn kinh tế phải bảo đảm nguyên tắc lấy các Tổng công ty Nhà nước làm nòng cốt, có sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước".
Về xây dựng hạ tầng đô thị, nhà ở, khu công nghiệp, giao thông và du lịch, Tổng Công ty đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các dự án: Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, An Khánh - Hà Tây, Tiến Xuân - Hoà Bình... các dự án giao thông: Quốc lộ 2 Nội Bài - Vĩnh Yên; Quốc lộ 1A - đoạn tránh thị xã Hà Tĩnh...
Được biết, lãnh đạo Bộ Xây dựng trong cuộc làm việc gần đây với Tổng công ty đã cơ bản đồng ý việc thành lập Tập đoàn Công nghiệp – Xây dựng Sông Đà, đồng thời nhận định: Trong các năm qua và 9 tháng đầu năm 2006, Tổng Công ty Sông Đà đã có nhiều cố gắng hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch đề ra (ước thực hiện năm 2006 với giá trị sản lượng vượt 8.300 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu lợi nhuận và các chỉ tiêu kinh tế khác). Song song với việc chuẩn bị cho mô hình tập đoàn, lãnh đạo Tổng công ty và các đơn vị thành viên cần tập trung hoàn thành tốt kế hoạch SXKD năm 2006, đặc biệt là các công trình trọng điểm của Nhà nước và các dự án lớn của Tổng công ty.
Tổng Công ty Sông Đà là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thành lập ngày 1/6/1961 với tên gọi ban đầu là Ban chỉ huy công trường Thuỷ điện Thác Bà, rồi Công ty Xây dựng Thủy điện Thác Bà bởi nhiệm vụ chính lúc đó là xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà (công suất 110 MW) - công trình thuỷ điện đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1979 - 1994, Tổng công ty tham gia xây dựng công trình Nhà máy Thủy điện Hoà Bình (công suất 1.920 MW) trên sông Đà - và đổi tên gọi mới là: Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà. Ngày 15/11/1995, theo Quyết định số 966/BXD-TCLĐ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổng công ty thành lập lại theo mô hình Tổng công ty 90 với tên gọi là Tổng công ty Xây dựng Sông Đà. Ngày 11/3/2002, Bộ trưởng Bộ Xây dựng lại tiếp tục ra Quyết định đổi tên Tổng công ty này lần nữa, thành: Tổng Công ty Sông Đà. Các công trình đã và đang thi công: Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (110MW), Hoà Bình (1.920MW), Trị An (400MW), Vĩnh Sơn (66MW), Sông Hinh (66MW), Yaly (720MW), Sê San 3 (273MW), Tuyên Quang (342MW), Sơn La (2.400MW)...; đường dây 500kV Bắc - Nam; Nhà máy giấy Bãi Bằng, Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy xi măng Bút Sơn; đường cao tốc Láng - Hoà Lạc, quốc lộ 1A, quốc lộ 10, quốc lộ 18, đường Hồ Chí Minh, hầm đường bộ qua đèo Hải Vân... |
-
Tràng An Nguyễn