(VietNamNet) - Các ngân hàng đang trong giai đoạn phải hoàn tất nhiều công việc khó khăn cho chiếc thẻ ATM bé nhỏ.
Những ngày này, một mặt các ngân hàng chạy đua thiết lập các dịch vụ tiện ích trên chiếc thẻ ATM, vừa phải chuẩn bị cho một cuộc chuyển đổi lớn từ thẻ từ sang thẻ chip, khiến cho hoạt động trong lĩnh vực này càng thêm sôi động.
Đa tính năng
Theo Công ty cổ phần liên doanh thẻ MK là đơn vị thực hiện các giải pháp kỹ thuật và sản xuất các loại sim, thẻ… thẻ của VCB có nhiều ứng dụng thiết thực.
Ngoài việc thiết lập nhiều ứng dụng, mỗi ngân hàng có những thiết kế để khai thác từng đối tượng khách hàng. Sacom VISA Debit của Sacombank chú trọng vào lớp trẻ, năng động. VCB ngoài ôm một số lượng lớn các cơ quan đơn vị nhờ dịch vụ trả lương, còn một loại thẻ đưa logo của kênh ca nhạc MTV vào chiếc thẻ, được giới trẻ đón nhận như thể hiện một phong cách. Thẻ của Techcombank khuyến khích bằng cách liên kết với các trung tâm mua bán, siêu thị, với hãng Pacific Ariline giảm giá mua hàng, giá vé máy bay. Còn thẻ của ACB được phát hành rộng rãi ở các khu vực người nước ngoài tập trung đông, như quận 1, phố Tây phường Phạm Ngũ Lão, thiên về thanh toán hơn là rút tiền.
Ngân hàng Đông Á EAB đến giờ này đã tuyên bố, chiếc thẻ của Đông Á không phải là thẻ ATM nữa, mà là thẻ đa năng. EAB dự định khai thác chiếc thẻ như một một máy vi tính hay văn phòng, lưu trữ toàn bộ thông tin cá nhân của chủ thẻ. Chiếc thẻ có thể thay thế nhiều giấy tờ khác, như chứng minh nhân dân, thẻ nhân viên cơ quan, thẻ bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh, bằng lái xe…
Techcombank mới đây đưa ra hai loại thẻ ghi nợ là F@stacess và F@stacess-i, và cũng có dự định thiết kế các tính năng trên. Thẻ của Techcombank chuyển được tiền từ tài khoản và ngược lại. F@stacess-i còn được thiết kế làm thẻ nhân viên, dùng để chấm công.
Trong thời gian tới các ngân hàng vẫn tiếp tục khai thác tối đa trên chiếc thẻ bé nhỏ, nhằm cạnh tranh tăng lượng chủ thẻ và tài khoản mở mới.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm và Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM Trần Ngọc Minh thăm gian thẻ của Sacombank tại triển lãm "Tuần lễ Tài chính - Ngân hàng và Bảo hiểm" tại TP.HCM tháng 7/2006... Ảnh: Đặng Vỹ |
Gánh nặng từ và chip
Các tổ chức phát hành thẻ thế giới như Master, Visa Card đề nghị, bắt đầu năm 2006 các ngân hàng phải chuyển đổi hệ thống theo chuẩn EMV trên thẻ để đảm bảo tính bảo mật, tức phải chuyển thẻ từ sang thẻ chip. Các tổ chức này khuyến cáo, nếu sau giai đoạn này mà các ngân hàng không chuyển đổi xong, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những rủi ro xảy ra đối với thẻ từ như bị hacker, điều mà trước đây họ phải gánh thay cho NH.Thế nhưng cuộc chuyển đổi diễn ra vô cùng chậm chạp.
Trưởng phòng phát hành thẻ của một ngân hàng cho biết, với hơn 2.000 máy ATM và 12.000 máy POS hiện nay, cùng với với 3 triệu thẻ ATM, chi phí cho việc chuyển đổi này tổng cộng phải tốn hàng triệu đô la.
Một máy ATM đọc chip phải tốn vài chục ngàn đô la, máy POS cũng tốn từ 300 đến 400USD. Thẻ từ chỉ khoảng 20 cen/chiếc, trong khi thẻ chip có giá tới vài đô la.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Thuyên, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Sacombank, nói rằng các ngân hàng “dĩ nhiên phải đắn đo có cần thiết phải đồng loạt thay đổi một khối lượng lớn thiết bị như vậy hay không, nếu xem xét về tính kinh tế”.
Vì vậy hiện tại các ngân hàng có xu hướng trang bị máy đọc được cả hai loại từ và chip. Đến nay chỉ có EAB đầu tư lớn và phát hành chiếc thẻ có từ và chip, còn lại tại thời điểm hiện giờ hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thẻ từ.
Tuy nhiên cách này vẫn không giải quyết được yêu cầu của các tổ chức phát hành thẻ thế giới đưa ra, là chuyển thẻ từ sang chip để đảm bảo tính bảo mật.
Theo các tổ chức phát hành thẻ thế giới, mức độ bảo mật của chiếc thẻ chip gấp 13 lần thẻ từ. Thẻ từ vừa dễ bị hacker, vừa rất dễ bị làm giả.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Khắc Duy, nhân viên quan hệ quần chúng của Ngân hàng Đông Á, thẻ từ vẫn bảo mật tốt nếu không lộ mã pin.
Ông Lê Vũ Kỳ, Phó Tổng giám đốc ACB và là Giám đốc khối công nghệ thông tin ACB, cho rằng ngoài chi phí, thì công nghệ cũng là một trong những vấn đề của việc chuyển đổi. Việc tích hợp thông tin từ thẻ từ sang thẻ chip, lại phải đảm bảo tính kết nối của những ngân hàng liên kết với nhau, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật cao và chi phí cho kỹ thuật này cũng không nhỏ.
Ông Đinh Việt Cường, trưởng phòng phát hành thẻ NH Techcombank, cũng là thành viên của Ban chấp hành Hiệp hội thẻ ngân hàng, cho biết theo quy định của các tổ chức Visa, Master, khi việc chuyển đổi thiết bị đạt 80% theo chuẩn EMV, thì ngân hàng phải phát hành thẻ theo chuẩn EMV. Hiện nay việc chuyển đổi thiết bị sang chuẩn EMV của các ngân hàng đạt được khoảng 57%.
Theo lộ trình này, việc chuyển đổi thời gian tới sẽ còn khá dài, ít nhất cũng phải vài năm nữa. Và như vậy, khách hàng vẫn phải đối mặt với những tình huống trước đây đã từng xảy ra, là bị mất tiền trong tài khoản nhưng không được ngân hàng giải quyết, vì không xác định được lỗi ở điểm nào.
Liên kết nhưng… của ai nấy dùng
Sau những vấn đề đặt ra về kiên kết ngân hàng và liên kết máy ATM, hiện nay đã nhận diện được một số nhóm liên kết, gồm nhóm Connect 24, VNBC, BankNet, ANZ - Sacombank. Trong quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, một trong những vấn đề được các ngân hang quan tâm là làm sao để bảo đảm được tính liên kết này.
Tuy nhiên trên thực tế, các chủ thẻ hình như cũng không chú trọng lắm đến yếu tố này, mà hầu hết là thẻ phát hành ở NH nào, chủ thẻ tìm và sử dụng tại máy của ngân hàng ấy.
Đa số các chủ thẻ khi được hỏi đều trả lời là không hề biết gì về việc liên kết này.
Điều này cho thấy công tác thông tin của ngân hàng quá ít ỏi.
Anh Nam, một khách hàng dùng thẻ VCB, nhưng không biết VCB nằm trong nhóm liên kết 19 ngân hàng. Thoạt đầu Nam nói rằng, với anh chuyện liên kết không quan trọng, nhưng sau đó được cho biết rằng thẻ của VCB có thể rút tiền và thanh toán ở các máy ATM và POS của những ngân hàng khác trong nhóm, anh có vẻ quan tâm. Nam nói rằng, từ trước đến nay, anh không bao giờ được VCB thông báo cho điều này.
Không chỉ riêng anh Nam, mà những chủ thẻ của các ngân hàng khác trong các nhóm liên minh liên kết cũng chưa bao giờ được ngân hàng thông báo.
Vì thế, việc khai thác chức năng liên kết của các ngân hàng, nhỏ hơn là các máy ATM, vẫn còn rất bé nhỏ.
Nguyễn Thanh Minh Châu, nhân viên kỹ thuật tin học một ngân hàng tư nhân, cho biết rằng các chủ thẻ rất e ngại khi sử dụng một máy ATM với giao diện mới lạ mà không có người hướng dẫn.
Khách hàng không dùng máy của ngân hàng khác, một phần vì ngại phải trả phí. Tuy nhiên hiện nay các thẻ trong nhóm liên kết sử dụng máy của nhau chưa phải trả phí. Đây là sự thuận lợi cho khách hàng, nhưng các chủ thẻ cũng không được thông báo.
Lý do nữa là trong cuộc đua khai thác các tiện ích trên chiếc thẻ, dịch vụ của ngân hàng này không thể thực hiện trên máy của ngân hàng kia. Vì vậy dù đã liên kết, các chủ thẻ vẫn cứ phải đi tìm đúng chiếc máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ này, mới sử dụng được.
Thẻ ngân hàng có vai trò lớn trong việc giúp hạn chế sử dụng tiền mặt. Đến giờ này các ngân hàng vẫn cứ loay hoay với chiếc thẻ, cho thấy rằng, công nghệ và nghiệp vụ tài chính - ngân hàng của ta vẫn còn quá sơ khai.
-
Đặng Vỹ
Ý kiến của bạn?