Nhân dịp Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xin giới thiệu một số kinh nghiệm kiện và đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá rất hay xảy ra giữa các thành viên của tổ chức này.
Trường hợp lần này xin kể đến phán quyết của WTO đối với tranh chấp số DS189: Argentina bị EC kiện do áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng bao bì nhập khẩu từ Đức và mặt hàng gạch ceramic nhập khẩu từ Italia.
Bên ngoài trụ sở WTO ở Geneva. Ảnh Reuters. |
Bên khiếu kiện: Uỷ ban châu Âu EC
Bên bị khiếu kiện: Argentina
Bên thứ 3: Nhật, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày nhận văn bản yêu cầu tham vấn: 20/1/2000
Ngày công bố bản báo cáo của Ban tư vấn: 12/1/2001
WTO chấp nhận quyền kháng nghị của các bên liên quan và hiệu lực báo cáo của Ban tư vấn được thừa nhận.
Nội dung khiếu kiện của EC
Ngày 20/1/2000, EC yêu cầu được tham vấn về việc ngày 12/11/1999 Argentina ra quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ceramic nhập khẩu từ Italia.
EC cho rằng cơ quan điều tra của Argentina không đưa ra được các bằng chứng đủ sức thuyết phục khi bác bỏ toàn bộ thông tin về giá trị thông thường và giá nhập khẩu của mặt hàng do các doanh nghiệp nhập khẩu cung cấp trong bản danh sách mẫu các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạch ceramic từ Italia vào Argentina thuộc diện đối xử của các biện pháp chống bán phá giá (Từ đây trở đi sẽ được gọi tắt là danh sách mẫu); Không thể tính toán và đưa ra khung thuế chống phá giá cho từng doanh nghiệp nhập khẩu cụ thể có tên trong danh sách mẫu; Không đưa ra được khung cho phép sai biệt vật lý tính đặc thù giữa các mặt hàng nhập khẩu vào Argentina và các mặt hàng cùng loại bán trên thị trường Italia; Cơ quan điều tra của Argentina cũng không thông báo các vấn đề căn bản có liên quan đến sự tồn tại của việc bán phá giá làm căn cứ cho việc đưa ra quyết định áp thuế nói trên với các doanh nghiệp xuất khẩu của Italia.
EC cho rằng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng gạch ceramic nhập khẩu từ Italia cần được thẩm tra của Argentina không phù hợp với các Khoản 2.4, 6.8 của Phụ lục II và Khoản 6.9, 6.10 của Hiệp định Chống bán phá giá.
Ngày 7/11/2000, EC yêu cầu thành lập Ban tư vấn (Theo quy định của WTO, Ban tư vấn là một nhóm chuyên môn độc lập gồm 3 thành viên do Uỷ ban giải quyết tranh chấp chỉ định thành lập. Ban tư vấn có nhiệm vụ xem xét vụ việc tranh chấp và đưa ra ý kiến tư vấn cho các bên liên quan theo các nguyên tắc có tính luật định của WTO).
Tại cuộc hop ngày 26/9/2000 của Uỷ ban giải quyết tranh chấp (DSB), DSB ra quyết định trì hoãn việc thành lập Ban tư vấn. Đáp lại yêu cầu thành lập Ban tư vấn tiếp theo của EC, DSB ra quyết định thành lập Ban tư vấn tại cuộc họp diễn ra vào ngày 17/11/2000 trên cơ sở văn bản khiếu kiện rút gọn của EC.
Văn bản khiếu kiện rút gọn của EC chỉ đề cập đến các biện pháp chống phá giá của Argentina đối với mặt hàng gạch ceramic nhập khẩu từ Italia. Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bảo lưu các quyền của bên thứ 3. Ngày 12/1/2001, Ban tư vấn được thành lập.
Bản báo cáo vụ việc của Ban tư vấn chuyển cho Cơ quan điều hành WTO vào ngày 12/1/2001 có nội dung vắn tắt như sau:
Argentina đã hành động trái với các quy định ghi rõ trong Khoản 6.8 và Phụ lục II của Hiệp định Chống phá giá. Cụ thể là cơ quan hữu quan của Argentina bác bỏ phần lớn các thông tin là cơ sở xác định giá trị thông thường và giá xuất khẩu do các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạch ceramic của Italia cung cấp. Đồng thời phía Argentina cũng không thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu biết lý do của sự bác bỏ đó.
Argentina cũng hành động trái với các quy định ghi rõ trong Khoản 6.10 của Hiệp đinh Chống bán phá giá do không đưa ra được khung thuế chống bán phá giá đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu cụ thể có tên trong bản danh sách mẫu.
Argentina hành động trái với các quy định ghi rõ trong Khoản 2.4 của Hiệp định Chống bán phá giá do không đưa ra được khung cho phép sai biệt vật lý tính đặc thù - những sai biệt có ảnh hưởng tới việc so sánh giá cả.
Các biện pháp của Argentina cũng trái với các quy định ghi rõ trong Khoản 6.9 của Hiệp định Chống bán phá giá do Argentina không thông báo với các doanh nghiệp xuất khẩu về những vấn đề căn bản được xem xét làm cơ sở cho việc ra quyết định về việc có áp dụng các biện pháp chống bán phá giá hay không.
Ngày 5/11/2001, DSB ra quyết định chấp nhận nội dung báo cáo của Ban tư vấn.
Hiện trạng thực thi nội dung bản báo cáo của Ban tư vấn được DSB chấp nhận
Ngày 20/12/2001, EC và Argentina thông báo với DSB về việc hai bên đã đạt được thoả thuận về thời gian hợp lý là 5 tháng cho việc tiến hành các ý kiến tham vấn của Ban tư vấn và các phán quyết của DSB.
Tại cuộc họp của DSSB ngày 22/5/2002, Argentina thông báo vào ngày 24/4/2002 Bộ sản xuất công nghiệp của nước này đã ban hành Nghị định số 76/02 vô hiệu hoá các biện pháp chống bán phá giá thuộc diện tranh chấp giữa nước này và EC đã đề cập trong các văn bản chính thức về vụ việc.
Bằng việc ban hành Nghị định nói trên, Argentina cho thấy nước này đã tuân thủ đầy đủ các nội dung tham vấn và phán quyết của DSB về vụ việc tranh chấp nói trên. EC bày tỏ sự hoan nghênh đối với việc thi hành kịp thời (các nội dung tham vấn và phán quyết của DSB) trong vụ việc nói trên.
-
Nhật Vy (Nguồn: www.wto.org)