Báo giới đã đặt hàng loạt câu hỏi đối với Bộ trưởng Hoàng Trung Hải về việc tăng giá điện.
Bộ trưởng Hoàng Trung Hải (ảnh: báo Tiền Phong) |
Dư luận băn khoăn rất nhiều trước việc ngành điện chưa quản lý hiệu quả nhiều nguồn lực, còn lãng phí và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điện tăng?
- Từ năm 1990, Chính phủ đã quyết định không dùng vốn ngân sách đầu tư cho Tổng Cty Điện lực Việt Nam (EVN). EVN phải chuyển sang cơ chế tự vay, tự trả.
Trong quá trình đó, ngành điện có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhìn chung bước đường của EVN là đi lên. Đương nhiên EVN cũng còn nhiều chuyện khiến chúng ta chưa hài lòng, chưa vừa ý nhưng không còn cách nào khác là phải bằng luật pháp, bằng cơ chế để tạo điều kiện cho EVN phát triển nhanh hơn nữa. Tôi lấy ví dụ như việc hạn chế tổn thất điện năng, nếu như năm 1995 còn ở mức 21% thì năm nay sẽ phấn đấu xuống còn 10,9%.
Đó là một sự cố gắng lớn và tại phiên họp Chính phủ thường kỳ này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong những năm tới cần tiếp tục giảm tỷ lệ tổn thất xuống mỗi năm từ 1-1,5% để đến 2010 tỷ lệ tổn thất điện năng chỉ còn dưới 8%.
Thời gian tới rõ ràng phải tạo điều kiện cho ngành điện phát triển và kiểm soát độc quyền cũng như đưa dần tính cạnh tranh để có thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2010. Đó là những việc mà Chính phủ đã và đang làm.
Theo phương án giá điện của Bộ Công nghiệp, và đến ngày 1.1.2008, giá điện lại tăng 5,7% so với năm 2007 và đến năm 2010 giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường cạnh tranh. Liệu chúng ta có được thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2010?
- Đây đúng là vấn đề mà chúng tôi đang lo lắng.Mong muốn của chúng ta là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, thậm chí nhiều người đặt vấn đề tại sao Việt Nam không đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế với mức hai con số.
Muốn vậy thì ngành điện lại phải đạt được sự tăng trưởng cao hơn mức đó rất nhiều. Trong khi đó, điện là ngành đòi hỏi mức vốn đầu tư rất lớn. Bởi vậy, nếu không hình thành được cơ chế thị trường trong ngành điện thì ngành này không thể phát triển được.
Muốn có thị trường cạnh tranh trong ngành điện lại đòi hỏi một sự phát triển đồng bộ của các thể chế. Hiện nay, Chính phủ đã giao và chúng tôi đang tập trung xây dựng những thể chế này. Nhưng cũng phải nói rằng mục tiêu đến năm 2010 có thị trường phát điện cạnh tranh là hết sức khó khăn.
Đồng ý với chủ trương tăng giá điện nhưng Thủ tướng cũng giao một số bộ, ngành phải tìm cách hạn chế tác động của việc tăng giá điện đến sản xuất. Theo ông, những giải pháp nào đáp ứng được yêu cầu nói trên sẽ được thực hiện?
- Phải khẳng định là với giá điện sản xuất trong giờ thấp điểm, giờ bình thường là không tăng nhưng giá bán điện sản xuất vào giờ cao điểm thì tăng 20%.
Điều này sẽ buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh cơ cấu sử dụng điện của mình cho phù hợp hơn, đương nhiên là cũng có những nhà sản xuất do đặc thù công việc họ không thể điều chỉnh được cơ cấu sử dụng điện.
Về mặt công nghệ, các nhà sản xuất hiện nay vẫn sử dụng các loại công nghệ chưa tiết kiệm năng lượng (cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20% về mức tiêu thụ năng lượng).
Việc tăng giá điện cũng là cơ sở để các nhà sản xuất đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng. Cuối cùng, tuy các tác động của việc tăng giá điện đã được dự báo nhưng Thủ tướng vẫn giao một số bộ theo dõi những tác động của việc này trên thực tế để có thể xem xét hỗ trợ về thuế, về giá trong một số trường hợp cần thiết.
Việc tăng giá điện vào thời điểm này liệu có phù hợp? Điều này khiến cho giá các mặt hàng khác cũng sẽ tăng vào dịp Tết, ảnh hưởng đến đời sống người dân?
Việc tăng giá điện lần này đã chậm hơn 1 năm so với lộ trình và đã được các cơ quan tính toán kỹ lưỡng cả về đời sống của người nghèo, cả về yếu tố giá cả.
Chúng ta đã bước vào hội nhập thì cũng phải làm quen dần với những biến động của giá cả trên thị trường. Thủ tướng cũng giao một số bộ tìm các biện pháp hạn chế tăng giá, tuy xử lý giá cả là rất vất vả nhưng tôi nghĩ các bộ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc này.
(Theo Tiền Phong)
Ý kiến của bạn đọc: