Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, mỗi ngày, Tổng Công ty cung ứng cho TP.HCM gần 1 triệu m3 nước sạch đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, thiếu trên 400.000m3 nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Trong đó, một số khu vực như quận 2, quận 4, quận 7, quận 9, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ thiếu nước sạch từ nhiều năm qua và ngày càng trầm trọng do các địa phương này đang trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhiều khu dân cư mới, khu công nghiệp, khu chế xuất được xây dựng.
Phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) mới có 20% trong số 5.162 hộ dân được trực tiếp sử dụng nước sạch, còn lại phải mua nước sạch của các hộ tư nhân với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng/m3. Các xã vùng sâu huyện Nhà Bè như Hiệp Phước, Phước Kiểng hiện vẫn phải mua nước sạch từ các hồ nước tập trung ở các khu vực trung tâm xã hoặc từ các xe bồn lưu động để phục vụ cho sinh họat, sản xuất với giá khá cao so với giá nước của ngành nước bán ra.
Nguồn nước cung ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của gần 8 triệu dân TP.HCM hiện chủ yếu khai thác nguồn nuớc mặt từ hệ thống các sông Sài Gòn - Đồng Nai, sông Vàm Cỏ với tổng khối lượng trên 800.000 m3/ngày và khai thác từ nguồn nước ngầm khoảng 530.000 m3/ngày, trong khi nhu cầu sử dụng nước của toàn thành phố khoảng 2,5 triệu m3/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu nước sạch, trong những năm qua, thành phố đã mở rộng và xây dựng mới nhiều nhà máy xử lý nước có qui mô lớn như Nhà máy Nước Thủ Đức, Nhà máy Nước Tân Hiệp công suất 300.000 m3/ngày đêm, Nhà máy Nước ngầm Hóc Môn (công suất 120.000m3/ngày đêm)...
Bên cạnh đó, tại thành phố còn có khoảng 120.000 giếng ngầm có qui mô nhỏ tập trung nhiều ở các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Gò Vấp, Bình Chánh... do nhân dân tự phát khoan lấy nước ngầm phục vụ cho nhu cầu sinh họat và sản xuất ở những nơi chưa có hệ thống cung cấp nứơc sạch hoặc nguồn nuớc máy quá yếu... với tổng khối lượng nước ngầm khai thác hàng trăm ngàn mét khối mỗi ngày.
Mặc dù lượng nước đưa vào khai thác tăng đáng kể trong những năm qua, nhưng do mạng lưới đường ống cấp nước dài trên 2.000 km của TP.HCM đã được xây dựng khá lâu (trên 50-70 năm) quá cũ kỹ, mục nát, chưa được thay thế kịp thời. Cụ thể như Chi nhánh Cấp nước Chợ Lớn có trên 400 km đường ống cấp nứơc thì có đến 60% đường ống cũ, mục nát, tương tự Chi nhánh Cấp nước Gia Định có 350 km đường ống thì cũng có khỏang 60% là ống cũ, mục nát... Do vậy, hiện nay mỗi ngày tòan Thành phố Hồ Chí Minh còn thất thoát khoảng 334.000 m3 nước sạch, chiếm trên 33% tổng lượng nước sản xuất ra. Những tháng gần đây, nguồn nước máy của Thành phố còn bị nhiễm bẩn, nước đục... vẫn chưa giải quyết dứt điểm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu hộ dân sử dụng nước máy và tiêu hao một lượng nước, chi phí khá lớn.
Để giảm bớt nạn thiếu nguồn nước sạch, từ tháng 10-2005, Thành phố đã cho phép Công ty cổ phần Cấp nước BOO Thủ Đức khởi công xây dựng một Nhà máy Cấp nước công suất 300.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD tại quận Thủ Đức với phương thức BOO (đầu tư-xây dựng-vận hành-sở hữu) và dự kiến đến giữa năm 2007 sẽ đưa vào sử dụng. Công ty Cấp nước Thành phố cũng đã lắp đặt miễn phí 30.000 đồng hồ đo đếm nước với tổng kinh phí lên đến 4,5 triệu USD cho các hộ diện nghèo ở các quận nội thành để giảm bớt tỷ lệ thất thoát nước.
Ngoài ra, TP.HCM cũng có chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện dễ dàng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng các công trình, nhà máy xử lý, cung cấp nước sạch cho các địa phương còn thiếu nước sạch nghiêm trọng như các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi... Đặc biệt, Thành phố cũng có kế hoạch đầu tư trên 2000 tỷ đồng để thay thế, trang bị mới trên 2000 km đường ống cấp nước của Thành phố từ nay đến năm 2010 để phấn đấu giảm tỷ lệ hao hụt, thất thóat nước từ 33% hiện nay xuống còn 26% vào năm 2010, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng thiếu nước sạch của Thành phố.
(Theo TTXVN)