(VietNamNet) - Sau khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, lần đầu tiên Bộ NN-PTNT công bố công khai tên các DN, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) có sử dụng hooc môn kích thích tăng trưởng. Các chất này gây rối loạn chức năng tim và phổi, đã bị cấm sử dụng từ năm 2002.
Sử dụng thịt lợn nuôi bằng TACN có hooc môn tăng trưởng có thể gây rối loạn nhịp tim và phổi. (Ảnh Phạm Hải). |
Trong công văn gửi báo chí hôm 17/1, Thứ trưởng NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, trong thời gian từ 3/7 đến 15/8/2006, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) đã nhận được kết quả kiểm tra chất Clenbuterol trong TACN trên địa bàn 25 tỉnh, thành. Tổng số mẫu được kiểm tra là 295 mẫu của 114/249 công ty trong cả nước. Kết quả, đã phát hiện 19 mẫu (chiếm 6,4%) có chứa Clenbuterol và Salbutamol - hai hooc môn tăng trưởng.
Ngay sau đó, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các Sở NN-PTNT tiếp tục gửi mẫu lưu đến hai phòng phân tích độc lập. Nếu cả hai cùng cho kết quả dương tính thì làm thủ tục thu hồi và tiêu hủy ngay các lô hàng có mẫu dương tính.
Kết quả cho thấy, 6 công ty được khẳng định dương tính (cho kết quả đồng thời ở cả 2 phòng thí nghiệm) là: Công ty CP Dinh dưỡng Hồng Hà (Hà Nam), Công ty TNHH Uni-President Việt Nam, DN tư nhân Dược thú y - thú y thuỷ sản và sản phẩm nuôi trồng (SAFANUTRO), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hoàng Long (Bình Dương), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Minh Quân (Đồng Nai) và Công ty TNHH Newhope TP.HCM.
Tuy nhiên, kết quả dương tính được phát hiện bằng phương pháp ELISA rất sai khác ở các phòng phân tích. Có 7 mẫu cho kết quả dương tính Clenbuterol ở phòng phân tích này nhưng âm tính ở phòng phân tích khác. Số mẫu cùng có kết quả dương tính ở hai phòng phân tích thì sai khác nhau lớn, từ hàng chục đến 298 lần, đặc biệt có trường hợp chênh lệch nhau đến 1.780 lần.
Đây cũng là phương pháp bán định lượng, có thể cho các kết quả dương tính ảo, không đủ căn cứ để xác định mức độ vi phạm. Hơn nữa, các phòng phân tích của nước ta mới tiếp cận phân tích Clenbuterol và Salbutamol trong TACN và sản phẩm chăn nuôi từ khoảng năm 2005 và đều phải nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài.
Do vậy, Hội đồng khoa học Bộ NN-PTNT cho rằng, phương pháp phân tích ELISA chưa đủ độ tin cậy để phát hiện chính xác hai chất kích tích tăng trưởng trên mà phải sử dụng phương pháp sắc ký khí khối phổ GC/MS.
Song, cho đến nay, chưa có phòng thí nghiệm nào của ngành NN-PTNT có đủ khả năng, thiết bị và cán bộ để tiến hành được theo phương pháp này.
Do có nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học, các DN về phương pháp phân tích và độ tin cậy của các kết quả xét nghiệm, cuối tháng 12/2006, Bộ NN-PTNT đã gửi thư đến phòng phân tích của Chính phủ Singapore đề nghị giúp đỡ. Cơ quan này trả lời đồng ý. Ngày 9/1/2007, Cục Chăn nuôi đã gửi các mẫu lưu có kết quả dương tính Clenbuterol và Salbutamol đến Singapore để kiểm tra lại.
Theo Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần, hiện tình trạng sử dụng hai hooc môn tăng trưởng trong TACN đã giảm mạnh. Sau khi hoàn chỉnh thủ tục, củng cố bằng chứng khoa học, Bộ NN-PTNT sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng để xử lý các đơn vị này ngay sau khi nhận được kết quả từ Singapore. Bên cạnh đó, Bộ đang tích cực tăng cường năng lực của các phòng thí nghiệm trong ngành để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm sau này.
Trên thực tế, việc kiểm tra sử dụng hooc môn tăng trưởng trong TACN chỉ bắt đầu khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát hồi tháng 6/2006 có quyết định kiểm tra hai chất này tại các cơ sở sản xuất TACN trong toàn quốc.
Clenbuterol và Salbutamol là các chất bị Bộ NN-PTNT cấm sử dụng từ năm 2002. Mặc dù bị cấm nhưng các chất này vẫn được lén lút sử dụng trong TACN. Sự tồn dư của các chất này gây rối loạn chức năng tim và phổi, như tim đập nhanh, run cơ, đau đầu, buồn nôn...
Tuy nhiên, các chất này bị phân giải ở nhiệt độ cao. Hiện cũng chưa có tài liệu khoa học nào nói Clenbuterol và Salbutamol cũng như dư lượng của chúng trong sản phẩm chăn nuôi gây ung thư cho người. Nhưng tất cả các ảnh hưởng xấu của chất này trên người là không thể chấp nhận được.
-
Hà Yên