(VietNamNet) - Tình hình xuất khẩu sang Mỹ năm 2007 sẽ rất sáng sủa. Tốc độ tăng trưởng sẽ duy trì ở mức độ cao trên mục tiêu 20% đề ra và có thể đạt tốc độ tăng trưởng đến 30%.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Duy Khiên - Tham tán thương mại Việt Nam về quan hệ thương mại Việt - Mỹ, sau khi Việt Nam là thành viên WTO và Mỹ trao PNTR cho Việt Nam. Điều này là có cơ sở xét trên cung cầu hàng hoá hai bên, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam và mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo kế hoạch của Bộ Thương mại, năm 2007, thị trường Mỹ sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 25% so với mức 8 tỷ USD năm 2006.
Giày dép, một mặt hàng đang tăng trưởng xuất khẩu tốt vào Mỹ. (Ảnh: mot) |
Ông Khiên cho rằng, việc gia nhập WTO là một thuận lợi, chắc chắn hàng xuất khẩu vào Mỹ sẽ tăng. Ngoài những thuận lợi do tháo dỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thì việc Việt Nam vào WTO sẽ tạo ra sức ép khiến các DN Việt Nam đổi mới và phát triển. Bên cạnh đó, khi vào WTO sẽ tạo ra môi trường thuận lợi thu hút các DN nước ngoài đến Việt Nam đầu tư và xuất khẩu. Trong đó nhiều DN sẽ lấy thị trường Mỹ làm đầu ra cho mình.
Thị trường Mỹ có nhu cầu rất lớn đối với nhiều loại mặt hàng. Trong đó có những mặt hàng mà Việt Nam có khả năng xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng năm của Hoa Kỳ khoảng 1.700–1.800 tỷ USD. Ví dụ, nhập khẩu đồ gỗ khoảng 25 tỷ USD. Nhưng tổng cộng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hiện nay mới hơn 1 tỷ USD. Vì vậy không có gì đáng lo về nhu cầu. Theo ông Khiên, cái quan trọng là có cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác trên thị trường này hay không.
Mỹ là một thị trường khổng lồ nhưng cũng là nơi tất cả các DN muốn bán hàng nên cạnh tranh rất quyết liệt. Ông Khiên lưu ý, các DN Việt Nam phải tìm ra hướng đi phù hợp cho mình. Chúng ta có cái bất lợi là mới thâm nhập thị trường, chủ yếu là từ khi có BTA. Trong khi đó, các nước khác đã có mặt ở đây từ rất lâu rồi và có những mặt hàng ổn định. DN có thể đi vào thị trường ngách hay cạnh tranh trực diện với các đối thủ, là tùy thuộc chiến lược của từng DN. Nhưng điều quan trọng nhất để cạnh tranh được là phải tổ chức lại sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo thời gian yêu cầu để có nhận được những đơn hàng ổn định, dài hạn cho bạn hàng.
Thực tế cho thấy, hiện nay, do giá nhân công lao động của Mỹ hiện rất đắt nên các DN Mỹ gần như đã bỏ sản xuất và chỉ tập trung làm hai việc chính, một là nghiên cứu thị trường, hai là tiếp thị - phân phối bán hàng. Đây là những khâu tốn ít vốn nhưng lại có lợi nhuận cao. Điều các DN Mỹ cần lúc này là một đối tác sản xuất chiến lược dài hạn. DN Việt Nam phải làm thế nào để trở thành đối tác chiến lược dài hạn cho DN Mỹ. Điều này bắt buộc DN phải tổ chức lại sản xuất để đối tác yên tâm đặt hàng của mình. Trước khi DN Việt Nam tính đến chuyện xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ trên đất Mỹ thì nên nghĩ tới vịêc trở thành đối tác chiến lược cho DN Mỹ. Trên có sở đó khi chúng ta có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm, thương hiệu... có thể thực hiện các bước tiếp theo.
-
Phước Hà