(VietNamNet) - Sau khi gia nhập WTO, chúng ta có nhiều dự báo về sự thay đổi trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và pháp luật của đất nước. Trong đó rất cần nhấn mạnh đến các tác động đến hệ thống pháp luật của nhà nước và tư duy pháp lý của người dân và doanh nhân.
Mặc dù chúng ta đã có hơn 20 năm đổi mới, quá trình hội nhập cũng đã được nhiều năm nhưng dường như tư duy pháp lý, ý thức “thượng tôn pháp luật” của một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa có nhiều thay đổi. Một tư duy đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt từ hàng ngàn năm, đã được nâng lên thành thành ngữ “phép vua thua lệ làng”. Đối với pháp luật, đó chính là vấn đề không tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết các mối quan hệ, công việc phát sinh trong đời sống, thậm chí là các mối quan hệ liên quan đến một vấn đề tối quan trọng là “sở hữu” như tiền, tài sản.
Đây chính là một lực cản vô cùng lớn trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế và cao hơn là xây dựng một nhà nước pháp quyền.
Tư duy nông nghiệp nhỏ
Có lẽ câu thành ngữ “phép vua thua lệ làng” khởi nguồn và ăn vào ý thức người Việt từ chỗ chúng ta vốn là một nước nông nghiệp. Cư dân sống và làm việc trong các làng, bản, buôn; ở thành thị thì các phường, hội của thương nhân được xây dựng chủ yếu dựa trên quan hệ dòng họ, quên hương, bản quán... Do đó, cư dân Việt Nam sống chủ yếu tuân thủ các lệ làng, hương ước của làng xã, của phường hội là chủ yếu.
Hơn nữa, các chiếu chỉ do nhà vua ban ra không nhiều và để đến với người dân cũng phải mất một thời gian dài, do phương tiện giao thông chủ yếu là ngựa hay chạy bộ. Trong xã hội nông nghiệp, phong kiến, xét về một mặt nào đó, tư duy pháp lý “phép vua thua lệ làng” cũng có mặt tích cực của nó khi các luật do vua ban không sát với nhân dân, mà nhân dân lại là “đối tượng điều chỉnh” chính của luật.
Điều này không còn phù hợp với xã hội công nghiệp, tin học như hiện nay, ở đó các mối quan hệ rất đa dạng, nhiều chiều và cần thiết phải đặt trong khuôn khổ pháp lý, các xã hội công nghiệp ở Mỹ, Châu Âu là minh chứng cho điều này.
Trong những năm bao cấp và thậm chí hiện nay, tư duy pháp lý “phép vua thua lệ làng”, ý thức chưa đề cao pháp luật vẫn còn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Đối với nhà nước, hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” đâu đó, lĩnh vực này, lĩnh vực khác vẫn còn, hàng năm ngành Tư pháp vẫn phải rà soát để phát hiện, chỉnh sửa, huỷ bỏ các văn bản của cấp dưới chồng chéo, “trái” văn bản cấp trên.
Đối với người dân và doanh nghiệp, việc giải quyết các mối quan hệ dân sự, kinh tế không cần đến pháp luật vẫn còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ, đâu đó vẫn có chuyện giải quyết các mối quan hệ bằng luật “rừng”. Vẫn có người e dè khi nói đến việc áp dụng, tuân thủ luật pháp, kiện tụng, giải quyết tranh chấp... Rất ít doanh nghiệp có luật sư, chuyên viên pháp chế chuyên trách làm công tác pháp lý, dự báo các vấn đề pháp lý nảy sinh, ngoại trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Trong khi đó, nhiều thiệt hại đã xảy ra như vụ Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải bồi thường cho huấn luyện viên Letad (Pháp) 200.000 USD vào năm 2005, vụ Vietnam Airlines có khả năng thua kiện luật sư Liberty (Italia), các vụ kiện về chống bán phá giá đối với thuỷ sản, bật lửa gas...
Trong môi trường hội nhập
Việt Nam đã chính thức hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc gia nhập WTO, trong những năm qua chúng ta cũng đã “nhập khẩu” nhiều quy định pháp luật của thế giới, chỉ tính riêng về mặt thay đổi hệ thống pháp luật trong nước cho phù hợp với luật pháp WTO đã cho thấy những nỗ lực trong việc hội nhập về pháp luật nói chung, thay đổi tư duy về pháp lý nói riêng.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư pháp, có 325 văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Trung ương liên quan trực tiếp đến luật pháp của WTO cần được rà soát và đối chiếu. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Trung ương được đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp đã là 44 văn bản, được kiến nghị ban hành là 42.
Do đó, Việt Nam được quốc tế đánh giá là có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh để gia nhập WTO. Cũng theo kế hoạch của Quốc hội, trong năm 2007 một lượng lớn các quy định cũng tiếp tục được thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, quá trình hội nhập ngày càng sâu hơn của Việt Nam sẽ đi cùng với sự xuất hiện nhiều quy định, nhiều luật lệ mới mẻ, đảm bảo tính thực thi cao với các nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt đã được nhà nước cam kết thực hiện.
Chính những thay đổi kể trên, cộng thêm với ý thức, hành động của mỗi chúng ta sẽ góp phần thay đổi tư duy “phép vua thua lệ làng” của một bộ phận cơ quan công quyền, người dân và doanh nghiệp, đồng thời đề cao ý thức “thượng tôn pháp luật” trong xã hội.
-
Bùi Thanh Lam
Ý kiến của bạn đọc: