(VietNamNet) - Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Thương mại vừa nhận định, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ thúc đẩy giá gạo nguyên liệu trên thị trường trong nước lên theo trong thời gian tới.
Thực tế, trong những tuần vừa qua, giá chào bán gạo xuất khẩu tuần qua tăng 3-5 USD/tấn so với tuần trước, lên 303 USD/tấn, FOB (5% tấm); 285 USD/tấn, FOB (25% tấm). Mức giá này có thể sẽ được nâng lên do nhu cầu gạo thế giới tăng trong khi nguồn dự trữ thế giới bị giảm. Theo dự báo, xuất khẩu gạo toàn cầu niên vụ 2006/2007 đạt 29,14 triệu tấn, tăng 1,07 triệu tấn so với niên vụ trước. Các nước xuất khẩu gạo chính là là: Thái Lan 8,7 triệu tấn, Việt Nam 4,9 triệu tấn, Ấn Độ 4,3 triệu tấn, Mỹ 3,26 triệu tấn.
Nguồn cung lúa gạo trong nước bắt đầu hồi phục. (Ảnh: Agroviet)
Ước tính 2 tháng đầu năm 2007, Việt Nam xuất khẩu được 316.000 tấn gạo các loại, trị giá 101 triệu USD, giảm 48% về lượng và 40% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay.
Ở thị trường trong nước, trong tuần qua đã có dấu hiệu giá lúa gạo giảm nhẹ. Tại ĐBSCL giá thóc tẻ thường cuối tuần qua còn phổ biến 2.800-2.900 đ/kg, giảm 200 đ/kg so với cuối tuần trước.
Giá bán gạo thành phẩm xuất khẩu của Công ty lương thực Đồng Tháp tại kho chưa có bao bì, chưa có VAT tuần qua giảm 30-90 đ/kg, còn 4.270 đ/kg (5% tấm); 4.190 đ/kg (10% tấm); 4.110 đ/kg (15% tấm); riêng giá gạo 20% tấm và 25% tấm tăng 10-15 đ/kg, lên 4.070 đ/kg và 3.990 đ/kg.
Tuy nhiên, theo nhận định, việc giảm giá này chỉ trong thời gian ngắn do các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch vụ lúa đông xuân, nguồn cung thóc gạo tăng. Tuy nhiên giá gạo sẽ không có khả năng giảm nhiều hơn nữa do nhu cầu gạo cho xuất khẩu tăng mạnh.
Tính toán sơ bộ sơ bộ trên các hợp đồng đã ký thì từ nay đến tháng 6/2007 Việt Nam sẽ xuất khẩu 800.000 tấn gạo sang Philippines; 100.000 tấn gạo cho Indonesia và Nhật Bản.
-
Phước Hà