(VietNamNet) - Trao đổi với báo giới bên lề phiên họp QH ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải nói, không hẳn do quy hoạch sai nên thiếu điện mà do các dự án đã quy hoạch không được thực hiện.
Bộ Trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải (ảnh: www.cpv.org.vn)
Điểm yếu về tiến độ
* Thưa ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện hiện nay do đâu?
Đầu tiên do sự biến động của thời tiết. Cái này phải chú ý vì chúng ta không dự báo hết được: trong nhiều năm trước, tổng dung lượng nước của hồ Hoà Bình bình quân vào khoảng 56- 57 tỉ m3/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì con số này giảm chỉ còn 47-50 tỉ m3/năm.
Nguyên nhân thứ nữa là chúng ta triển khai nhiều dự án, trên 30 nhà máy lớn, tuy nhiên vấn đề chính là tiến độ triển khai dự án chậm do vướng vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu tính đồng bộ…chúng ta đang cần những công trình sư, các nhà quản lý giỏi. Trung Quốc làm nhà máy nhiệt điện than 18 tháng, có công trình 12 tháng. Rõ ràng chúng ta có điểm yếu về tiến độ mặc dù Chính phủ đã tìm cách tháo gỡ nhiều bằng các nghị định.
* Ngoài những nguyên nhân thời tiết, quản lý… ông có thể nói gì về chuyện quy hoạch phát triển điện?
Mọi người thường hay nói “chắc do quy hoạch sai nên mới thiếu điện”. Câu này chỉ đúng nếu tất cả các dự án trong quy hoạch đã được đưa vào mà vẫn không đủ điện. Tuy nhiên các dự án theo quy hoạch có được thực hiện hết đâu? Thực ra quy hoạch bao giờ cũng có vấn đề bởi anh ngồi tại thời điểm này và nhìn về 20 năm sau hoặc hơn. Quy hoạch dựa trên nhiều yếu tố bất định, nếu chắc chắn thì lại gọi là kế hoạch. Và thường với tính chất dự báo thì quy hoạch luôn được điều chỉnh. Quy hoạch điện lực phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kinh tế xã hội phát triển 8% thì anh điện không thể nhắm vào mức 10% được.
* Kế hoạch của ngành điện thế nào để cải thiện tình trạng về cung cấp điện ngay trong năm nay?
Các giải pháp cho năm nay đã được đưa ra ngay từ năm ngoái. Có những yếu tố quyết định như ở Uông Bí hay Cà Mau. Mặc dù các chủ đầu tư hiện nay đang rất cố gắng thực hiện, nhưng nếu không giải quyết được thì vẫn bị thiếu điện. Nếu thế thì trong tháng 5 tới, một ngày chúng ta có thể thiếu đến 5-6%. Con số này không lớn nhưng nó sẽ gây ra tác động không tốt đến phát triển kinh tế.
* Vậy theo sự tính toán của ông, chúng ta sẽ thiếu điện đến bao giờ, giải pháp lâu dài?
Thực tế không ai mong muốn thiếu điện, Bộ trưởng lại càng không vì dễ mất chức lắm. Đầy đủ điện là yếu tố hết sức quan trọng cho nền kinh tế. Tôi đang rất lo vì hiện nay chúng ta có dòng vốn đầu tư rất mạnh mà để thiếu là gay.
Cần phải chuẩn bị các nguồn điện nhiều hơn nữa. Đồng thời các tiến độ triển khai phải đẩy nhanh hơn, việc cam kết thưởng, phạt, ký hợp đồng phải nghiêm hơn, gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư vào hợp đồng đã ký kết… Nếu không khắc phục tất cả những điều này thì vẫn bị thiếu điện. Nước ta mới chỉ có 600kwh/đầu người, lộ trình sẽ lên đến 10.000 kwh/đầu người (để thành nước phát triển) là con đường còn rất dài và nhiều chông gai.
* Khi nào sẽ đạt đến con số 10.000 ấy?
Chúng ta dự kiến đến năm 2020 thì đạt được khoảng 3.000, như vậy là còn phải tiếp tục nữa. Chúng ta còn lâu mới đến đường bão hoà, chính dân là người quyết định. Đối với những nước phát triển rồi thì một năm tăng độ 3%, họ ít mua đồ điện quạt, điều hoà… hơn vì đã bão hoà rồi, ở chúng ta thì còn tăng rất lớn.
Ngành điện như chuyện “trứng và gà”
* Trên thực tế có lúc chúng ta dựa quá nhiều vào thuỷ điện, lúc khác lại dựa nhiều vào khí đốt, trong khi đó có một nguồn rất tốt của chúng ta là nhiệt điện chạy than dường như chưa được chú trọng?
Đây là một ý được nói rất nhiều. Thực ra không phải thế, trước đây khi đưa thuỷ điện Hoà Bình vào hoạt động thì lập tức phía Bắc thừa điện, phía Nam thiếu do chưa có đường dây tải điện. Tức là khi có một nhà máy lớn thì sự cân bằng hệ thống không còn ổn định. Rồi khi chúng ta ký hợp đồng mua bán khí ở Nam Côn Sơn thì chúng ta phải bao tiêu khối lượng khí. Không một nhà sản xuất khí nào chịu đầu tư cả mỏ lẫn đường ống để ta chỉ chạy có một nhà máy điện cỡ nhỏ. Tóm lại trong một thời điểm tạm thời nào đấy thì có thể tỉ trọng bên thuỷ điện cao, hoặc luyện khí cao.
* Khi mở cửa thị trường điện thì triển khai thế nào?
Mở cửa thị trường điện đang ở giai đoạn thí điểm đến năm 2009, Bộ Công nghiệp đã phê duyệt chuyện này. Chạy thí điểm các nhà máy trong nội bộ, trong quá trình đó sẽ hoàn thiện các quy định bởi thị trường điện có làm được hay không đòi hỏi sự đồng bộ của hệ thống thể chế pháp luật. Đây là cái lớn nhất.
Một vấn đề nữa là cung cầu phải đáp ứng nhau, nếu anh vận hành trong thị trường bị thiếu thì không thể có sự cạnh tranh. Ngành điện của chúng ta hiện nay như chuyện “trứng và gà”: anh phải đủ điện thì mới có thị trường, nhưng nếu không có thị trường cạnh tranh thì không bao giờ đủ điện. Việc điều hành chuyện “trứng và gà” này là rất khó.
* Khả năng huy động vốn để phát triển ngành điện hàng năm ra sao?
Chúng ta cần hàng năm 4 tỉ USD, hoàn toàn có khả năng huy động vốn. Vì chúng ta đã mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài vào nên cũng có nhiều kênh để thu hút vốn hơn.
* Hiện nay có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?
Có rất nhiều, hàng chục nhà đầu tư đến từ rất nhiều nước
* Quá trình cổ phần hoá cách doanh nghiệp trong ngành điện hiện nay có tầm quan trọng như thế nào?
Trước hết thuộc vào lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước; thứ 2 phụ thuộc vào lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện của Việt Nam, nhằm tạo ra sự cạnh tranh hiệu quả hơn. Đây là bước hết sức quan trọng, vì không làm bước này thì sẽ không đạt được mục tiêu cuối cùng là ngành điện phải phát triển đủ điện, có độ tin cậy nhưng giá lại phải cạnh tranh. Chúng ta đang làm lộ trình này, tuy nhiên vì ngành điện có độ nhạy rất cao liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế xã hội nên trong quá trình cổ phần hoá sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước của ngành điện phải có bước đi phù hợp, để bảo đảm việc cung cấp điện không bị ảnh hưởng.
- Đỗ Minh (ghi)