(VietNamNet) - Việc để thiếu điện kéo dài gây ra nhiều tổn thất cho xã hội, EVN phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Sẽ tăng tần suất cắt điện?
>>Thiếu điện chỉ còn biết cắt điện
>>Có chỉ định thầu, các dự án điện vẫn chậm tiến độ?
>>"Nhật ký" mất điện
>>Thiếu điện tại Thượng đế
>>Không được để cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh
>>Thiếu điện, do đâu?
Từ giữa tháng 3/2007 đến nay hiện tượng cắt điện thường xuyên đã diễn ra trên cả nước. Tại miền Bắc, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội, nhiều nơi cứ 2 ngày lại bị cắt điện 1 ngày. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Điện lực TP.HCM vừa thông báo sẽ ngưng cấp điện lần lượt ở hầu hết quận, huyện trên địa bàn thành phố, từ ngày 31/3 đến 10/4.
Khu vực các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên từ ngày 14/3/2007 đã bắt đầu thực hiện tiết giảm sản lượng điện và cắt điện, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Công ty điện lực 2 (PC 2), đơn vị phụ trách 20 tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ, cho biết thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện trong năm 2007, 2 khu vực này sẽ phải tiết giảm 148 triệu Kwh, tương đương 1% sản lượng điện cả năm. Điện lực các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ đã lên kế hoạch và thực hiện cắt điện tại một số khu vực, đặc biệt là điện sinh hoạt, chỉ ưu tiên điện cho sản xuất. Tuy nhiên, do lượng điện thiếu hụt tương đối lớn nên nhiều khu vực sản xuất cũng bị cắt điện vào giờ cao điểm.
Còn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, theo báo cáo của Công ty Điện lực 3 (PC3), cho đến thời điểm này, các tỉnh thuộc khu vực này cũng đã nhận được kế hoạch tiết giảm điện với tỷ lệ 1% so với nhu cầu sử dụng. Do vậy, trong thời điểm này nhiều tỉnh đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã bị cắt điện sinh hoạt.
Ảnh: Trạm biến áp 110KV Vĩnh Bảo. Nguồn: Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp. |
Vậy nhưng vẫn chưa đủ, bởi theo nhiều nguồn tin thì thời gian tới việc cắt điện có thể còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 3-5 có thể cao hơn nhiều nếu Nhà máy Khí điện Cà Mau và Nhiệt điện Uông Bí mở rộng không đi vào hoạt động đúng tiến độ trong tháng 4/2007 (2 nhà máy này dự kiến đóng góp 800 triệu Kwh điện vào tháng 4 và 5). Nếu 1 trong 2 nhà máy này vào chậm, sản lượng thiếu hụt tháng 4-5 có thể lên tới 15-17 triệu Kwh/ngày, tương đương với 450-500 triệu Kwh/tháng. Cộng với trường hợp phụ tải tăng trưởng cao hơn dự báo thì EVN sẽ tính toán cân đối nguồn và lập lịch cắt điện các khu vực tiêu thụ không thiết yếu, chỉ đảm bảo cho điện sản xuất và nhu cầu thiết yếu.
Tại Hà Nội, mới đây Công ty Điện lực Hà Nội đã cho biết sẽ áp dụng "biện pháp mạnh" bằng cách tăng tần suất cắt điện ở những khu vực tiết giảm không hiệu quả nếu người dân và các cơ quan tổ chức không tự giác tiết kiệm. Hà Nội phải tiết giảm 17 MW trong khoảng thời gian từ 9h đến 21h hằng ngày.
Thiếu điện nên hè 2007 Hà Nội chỉ đảm bảo cấp điện liên tục cho các phụ tải trọng điểm như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, UBND TP. Hà Nội, cơ quan trung ương, cơ quan thông tin đại chúng, bệnh viện, không cắt điện sửa chữa trong những ngày nắng nóng nhiệt độ lớn hơn 35 độ C. Những trường hợp chưa thực hiện cắt giảm 50% điện chiếu sáng quảng cáo, trang trí ngoài trời vào giờ cao điểm sẽ bị xử lý. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, điện lực thỏa thuận điều kiện giảm mức cung cấp trong tình huống thiếu điện. Riêng các khu vực dân cư chưa có ý thức tiết kiệm sẽ tăng tần suất cắt điện.
Lỗi không thuộc về EVN?
Hiện tượng thiếu điện đã xuất hiện trong nhiều năm nay và cũng không phải không dự tính được. Nhưng vì sao vẫn cứ để thiếu?
Nguyên nhân thiếu điện được đổ lỗi cho là do thời tiết bất lợi, lượng nước về các hồ thuỷ điện thấp, phụ tải tăng cao và các nguồn điện chậm tiến độ.
Với những lý do thời tiết bất lợi và phụ tải tăng cao khi nêu ra có thể cảm thông được, nhưng còn với việc hàng loạt các nhà máy điện bị chậm tiến độ thì EVN sẽ giải thích ra sao?
Theo Phụ lục 1 Quyết định số 40/2003/QĐ-TTg về việc hiệu chỉnh một số nội dung thuộc Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020 ngày 21/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ, các nguồn điện mà EVN đăng ký đưa vào hoạt động trong năn 2006-2007 gồm Thuỷ điện Tuyên Quang ( 342MW), Nhiệt điện Hải Phòng 600MW, năm 2007 Thuỷ điện A Vương 1 (170 MW), Thuỷ điện Quảng Trị (70MW), Thuỷ điện Đakring (100MW), Nhiệt điện Ninh Bình (300MW)...
Nhưng hiện nay nhiều nhà máy trong số này đang bị chậm tiến độ. Theo báo cáo về tiến độ các nhà máy điện của EVN đi vào vận hành trong năm 2007 thì chỉ có Thuỷ điện Quảng Trị (tháng 4/2007- tổ máy 1 và tháng 6/2007 tổ máy 2), Tuyên Quang (tháng 10/2007-tổ máy 1), Uông Bí mở rộng (tháng 4/2007 tổ máy 1), Đại Ninh (tháng 12/2007- tổ máy 1). Còn các nhà máy khác như Nhiệt điện Hải Phòng, Ninh Bình, Thuỷ điện A Vương... chưa thấy đâu. Riêng Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng (tổ máy 1) tính đến nay đã chậm tiến độ tới gần 2 năm. Nếu những nhà máy này đi vào hoạt động đúng tiến độ thì chắc chắn sẽ không bị thiếu điện như hiện nay.
Nguyên nhân dẫn đến tiến độ hàng loạt các nhà máy bị chậm là do đâu? Ông Lâm Du Sơn - Phó Tổng Giám đốc EVN mới đây khi trả lời báo Diễn đàn doanh nghiệp thì cho rằng các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ chủ yếu do nguyên nhân khách quan khiến cho nguy cơ thiếu điện có thể kéo dài cho đến năm 2010.
Còn Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải trả lời báo chí thì giải thích rằng tiến độ triển khai dự án chậm do vướng vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu tính đồng bộ...
Nhưng nhiều ý kiến không đồng tình với những cách trả lời này. Theo họ, EVN đã được Chính phủ giao nhiệm vụ giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp điện cho nền kinh tế. Hơn ai hết EVN phải tự nhận thấy những vướng mắc và những khó khăn làm cho tiến độ các dự án chậm và đề xuất lên Chính phủ để có các cơ chế giải quyết. Không thể cứ để mặc cho mọi chuyện vướng mãi như vậy. Vì sao Trung Quốc làm nhà máy nhiệt điện than 18 tháng, có công trình chỉ 12 tháng, còn của chúng ta thì kéo dài tới 5-7 năm? Phải chăng các đề nghị của EVN đã không được Chính phủ tìm cách tháo gỡ? Điều này hoàn toàn không có bởi như Bộ trưởng Hải đã thừa nhận: từ trước đến nay nhiều đề nghị của ngành điện đã được Chính phủ tìm cách tháo gỡ bằng các nghị định. Vậy lý do chậm thuộc trách nhiệm của ai?
Một số khách hàng mới đây phàn nàn rằng EVN đã ra "tối hậu thư" nếu chúng tôi không thực hiện tiết kiệm điện thì lập tức sẽ bị cắt điện. Như vậy có nghĩa là đã có chế tài xử phạt dành cho khách hàng. Nhưng ngược lại việc để thiếu điện kéo dài gây ra nhiều tổn thất cho xã hội thì EVN phải chịu trách nhiệm như thế nào? Bị xử lý ra sao chưa thấy có. Nếu không xử lý những người có trách nhiệm mà để thiếu điện và cứ đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan là không sòng phẳng và sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được tình trạng thiếu điện.
-
Trần Thuỷ