Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Công nghiệp tàu thuỷ và thiết bị nổi trên biển là một trong 5 lĩnh vực để phát triển kinh tế biển. Phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ là lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của đất nước để đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hoá.
Sáng 30/4, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) tổ chức lễ khởi công Nhà máy đóng tàu Hậu Giang nằm trong Cụm công nghiệp tầu thuỷ Hậu Giang - một trong 4 cụm công nghiệp tàu thuỷ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch nhằm phát triển công nghiệp tàu thuỷ, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng kinh tế biển của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát lệnh khởi công công trình này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khởi công nhà máy đóng tàu Hậu Giang.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh tỉnh Hậu Giang và VINASHIN chỉ trong hơn 2 tháng nỗ lực đã hoàn tất các thủ tục và khối lượng lớn công việc để có thể khởi công dự án vào đúng thời điểm cả nước kỷ niệm 32 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng biểu dương sự vươn lên của hơn 50 vạn cán bộ, kỹ sư và công nhân của VINASHIN trong sự phát triển chung của ngành công nghiệp đóng tàu cả nước.
Cách đây 10 năm, VINASHIN chỉ loay hoay đóng mới được vài chiếc tầu trọng tải 10.000 tấn thì đến nay VINASHIN đủ khả năng đóng tàu có trọng tải trên 50.000 tấn. Tháng 5 tới, VINASHIN sẽ cho đầu nối tầu chở dầu có trọng tải trên 100.000 tấn. Các đơn đặt hàng của VINASHIN với các đối tác nước ngoài hiện nay lên tới 10 tỷ USD.
Dự án cụm công nghiệp tàu thuỷ Hậu Giang là một dự án phù hợp với chủ trương Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế biển, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Cửu Long cũng như Nghị quyết về phát triển thành phố Cần Thơ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo chủ đầu tư là VINASHIN phải lên kế hoạch kiểm soát chặt chẽ chiến lược phát triển của tập đoàn; kiểm soát các dự án đầu tư nghiêm ngặt để đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả và chất lượng. VINASHIN cũng phải kiểm soát cho được nguồn vốn đầu tư có hiệu quả nhất, đồng thời khẩn trương bố trí đúng cán bộ và tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng đủ lao động có tay nghề làm việc tại các nhà máy đóng tầu trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã quy hoạch phát triển 4 Khu công nghiệp tàu thuỷ ở khu vực đồng bằng sông Cửu long: khu vực Tiền Giang và Long An; Năm Căn-Mũi Cà Mau; Kiên Giang và Cụm công nghiệp tàu thuỷ Hậu Giang.
Không chỉ có đóng tàu, các cụm công nghiệp này còn sản xuất các thiết bị phục vụ công nghiệp đóng tầu, lắp ráp động cơ, hệ thống cảng… Đến năm 2010, nếu cả 4 cụm công nghiệp này hình thành sẽ thu hút hàng trăm nghìn lao động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của các địa phương cũng như nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của cả khu vực.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải sớm quy hoạch phát triển công nghiệp tàu thuỷ một cách đồng bộ, gắn liền với phát triển khu đô thị, khu dân cư, bảo vệ môi trường. Quá trình thực hiện quy hoạch phải chăm lo tốt nhất đến đời sống của người dân, từ công tác đền bù giải phóng mặt bằng cho phù hợp đến chăm lo ổn định đời sống của người dân tái định cư.
Ngay từ bây giờ, các địa phương cần tính toán tập trung mở rộng đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất để vào làm việc tại các cụm công nghiệp tàu thuỷ.
Nhà máy đóng tàu Hậu Giang ở xã Đông Phú, huyện Châu Thành, nằm trong quy hoạch Cụm công nghiệp tàu thuỷ Hậu Giang với diện tích 290 ha và tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng bao gồm: nhà máy sản xuất container lớn nhất khu vực với công suất 120.000 container/ năm, nhà máy lắp ráp động cơ thủy công suất lớn, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dụng...
Đây là Cụm công nghiệp tầu thuỷ thứ 9 với quy mô lớn mà VINASHIN triển khai xây dựng trong cả nước. Tổng giám đốc VINASHIN Phạm Thanh Bình cam kết sẽ hoàn thành nhà máy đóng tầu Hậu Giang vào năm 2010. Nhà máy có vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn thi công. Giai đoạn 1 với 766 tỷ đồng đầu tư trên diện tích 60 ha, nhà máy có quy mô đóng mới được tàu trọng tải 30.000 tấn và thu hút hơn 5.000 lao động. Đến giai đoạn 2, nhà máy sẽ có khả năng đóng tàu có trọng tại từ 50.000 tấn đến 70.000 tấn.
(Theo VOV)