(VietNamNet) - "Nếu không thể sản xuất đủ gỗ một cách bền vững và việc này không mang lại lợi nhuận thì tốt nhất Việt Nam nên tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm gỗ đã chế biến", TS. Marko Latila, cố vấn kinh tế cao cấp của Bộ Ngoại giao Phần Lan, đề xuất.
Gỗ nhập từ Hoa Kỳ vào Việt Nam (Ảnh Báo Thương mại).
Cố vấn kinh tế cao cấp của Bộ Ngoại giao Phần Lan đưa ra khuyến cáo này tại Diễn đàn đầu tư lâm nghiệp Việt Nam, do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm nay (9/5), sau khi trình bày hai kịch bản phát triển công nghiệp gỗ và quản lý rừng tại Việt Nam.
Ông kết luận, đầu tư cho ngành công nghiệp gỗ rất lớn, từ nay đến 2020 cần trên dưới 100.000 tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD) và việc trồng mới rừng cần 800 triệu - 1 tỷ USD. Do vậy, cần phải xem xét các biện pháp khi thúc đẩy đầu tư vào sản xuất gỗ và phát triển công nghiệp rừng.
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ, Việt Nam đang dẫn đầu về thế giới về tốc độ nhập khẩu gỗ cứng, đặc biệt là về gỗ xẻ. Ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 20% khiến nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong quí I/2007 tăng mạnh, đạt 199 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2006. Thị trường cung cấp gỗ nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam vẫn là Malaysia, Lào, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, New Zealand... |
Theo ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), mặc dù xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam mang về hơn 2 tỷ USD, nhưng chi phí cho nhập khẩu gỗ đã chiếm tới trên 1/3 (khoảng 720 triệu USD năm 2006).
Hiện 80% nguyên liệu cho sản xuất, chế biến gỗ dựa vào nguồn nhập khẩu. Sản xuất bột giấy từ rừng trồng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu và phải nhập từ các nước láng giềng.
"Tuy nhiên, nguồn gỗ nhập khẩu cũng đang gặp khó khăn khi các DN Việt Nam còn nhỏ bé, thiếu vốn, chỉ các công ty lớn liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, mới có đủ tiền lớn để mua gỗ. Các nước Malaysia, Indonesia cấm xuất khẩu gỗ tròn từ lâu, và mới đây đã tuyên bố cấm xuất khẩu gỗ xẻ. Lào cũng chỉ cho xuất khẩu một ít gỗ nguyên liệu.
Trên thế giới chỉ còn có 2 nơi dễ dàng xuất khẩu gỗ một chút, là vùng Viễn Đông của Liên bang Nga và ở châu Phi", ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết.
TS. Laslo Pancel, cố vấn trưởng Chương trình lâm nghiệp Việt - Đức (GTZ), cũng dự báo, theo thời gian, sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ giảm dần lợi thế cạnh tranh của ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Tính đến đầu năm nay, gần 420 nhà sản xuất nước ngoài đã đầu tư hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm sản, với khoảng 330 triệu USD được thực hiện. Nhà đầu tư này chủ yếu đến từ châu Á (Đài Loan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc) và một số nước châu Âu khác. Đến nay, hầu hết các dự án đầu tư nước ngoài đều tập trung vào chế biến sản phẩm gỗ từ nguyên liệu nhập khẩu.
Do vậy, theo TS. Marko Latila, để thúc đẩy đầu tư trong nước và cả đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực lâm nghiệp, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo khả năng sẵn có lâu dài về nguyên liệu gỗ thông qua việc đẩy nhanh công tác giao đất lâm nghiệp. Đồng thời, cải thiện khả năng sử dụng gỗ của ngành công nghiệp, xoá bỏ hình thức độc quyền, giảm lợi nhuận và sự hấp dẫn của các hoạt động sử dụng rừng không bền vững.
Theo ông, đầu tư cho ngành công nghiệp gỗ chỉ có thể thành công nếu như việc cung cấp gỗ mang tính bền vững, được mở rộng. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư có thể tiếp cận được nguồn vốn và nhận thấy ngành lâm nghiệp đủ sức hấp dẫn cho đầu tư lâu dài.
"Với người tiêu dùng và việc sử dụng trước mắt sản phẩm gỗ, nguồn gốc không phải là một vấn đề lớn miễn là sản phẩm đó có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh", TS Marko Latila nhận xét.
-
Hà Yên