Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau tỉnh Nghệ An, mới đây, dịch cúm gia cầm lại tái phát tại 4 tỉnh, thành phố là: Quảng Ninh, Cần Thơ, Sơn La và Nam Định.
Tại Quảng Ninh, dịch cúm gia cầm tái phát từ ngày 16/5 tại một hộ chăn nuôi ngan, vịt ở thôn 7, xã Hải Yến, thị xã Móng Cái. Số vịt, ngan chết là 116 con trên tổng đàn 443 con 35 ngày tuổi chưa tiêm phòng. Ổ dịch đã được xác định do vi rút H5N1.
Vịt nuôi thả tự do là nguồn lây nhiễm dịch (www.nea.gov.vn)
Tại Cần Thơ, ngày 17/5 dịch xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi vịt xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh với 375 con vịt chết trong tổng đàn 1.500 con vịt 78 ngày tuổi. Đàn vịt này cũng chưa được tiêm phòng. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh đã xác định số vịt trên chết do nhiễm vi rút H5N1.
Tại Sơn La, ngày 18/5 dịch đã xảy ra ở một hộ gia đình nuôi vịt và ngan thuộc bản Ban, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn. Số vịt chết là 30 con trong tổng đàn 600 con, số ngan chết 100 con trong tổng đàn 360 con. Số ngan, vịt này từ 20 đến 30 ngày tuổi, cũng chưa được tiêm phòng.
Gần đây nhất, ngày 19/5 dịch đã xảy ra tại các hộ chăn nuôi vịt ở 3 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Nam Định, trong đó huyện Vụ Bản tái phát một ổ dịch tại thôn Thượng Đồng, xã Hiến Khánh với số vịt chết 150 con trong tổng đàn 450 con 71 ngày tuổi; huyện Nam Trực tái phát một ổ dịch tại một hộ chăn nuôi vịt ở xóm 7, xã Nam Toàn với 975 con chết trong tổng số 1.400 con; huyện Mỹ Lộc có một ổ dịch tái phát t ại một hộ chăn nuôi vịt ở xóm 1, xã Mỹ Thành với 150 con chết trong tổng đàn 1.100 con, 19 ngày tuổi. Tất cả các đàn gia cầm thuộc 3 ổ dịch này đều chưa tiêm phòng.
Cục Thú y cho biết hiện toàn bộ các đàn gia cầm bị bệnh của các tỉnh nêu trên đã được tiêu hủy toàn bộ, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bao vây và áp dụng các biện pháp chống dịch khác. Cục Thú y đã cử cán bộ đi chỉ đạo chống dịch kịp thời tại các địa phương trên.
Theo nhận định của Phòng dịch tễ (Cục Thú y) các ổ dịch tái phát lần này đều xảy ra trên đàn ngan, vịt, trong khi đó nhiều địa phương phía Bắc vẫn chưa triển khai việc quản lý tái ấp nở, chăn nuôi thuỷ cầm theo quy định mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, nguy cơ tiếp tục tái phát và lây lan dịch bệnh sang các địa phương khác rất cao.
(TTXVN)