(VietNamNet) - Sau một thời gian thực hiện thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh nội bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng Đề án thành lập Công ty mua bán điện để hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam.
Hiện nay, EVN đang trực tiếp ký hợp đồng với các công ty phát điện thuộc EVN và các công ty phát điện độc lập bên ngoài EVN (IPP). Việc đàm phán giá điện với các IPP trong thời gian qua luôn bị kéo dài vì khó hòa đồng lợi ích của bên mua và bên bán. Do chưa có khung giá quy định nên công tác đàm phán mua điện thường làm các chủ đầu tư không thoả mãn, có nhiều bức xúc. Bên cạnh đó, dư luận vẫn cho rằng việc mua bán điện của EVN thiếu minh bạch và người mua không đại diện cho người tiêu dùng.
Theo EVN, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 về lộ trình hình thành và phát triển thị trường điện lực Việt Nam gồm 3 cấp độ: cấp độ 1 (từ 2005-2014) là thị trường phát điện cạnh tranh, cấp độ 2 (từ 2015- 2022) là thị trường bán buôn điện cạnh tranh và cấp độ 3 (từ sau 2022) là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Một góc công trình thủy điện Buôn Kuốp. (Ảnh minh họa: CAVICO) |
Với thị trường phát điện cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ tham gia chào giá cạnh tranh và ký hợp đồng bán buôn điện có thời hạn cho công ty mua bán điện. Công ty này sẽ ký hợp đồng bán buôn cho các công ty bán lẻ điện. Các công ty bán lẻ điện thực hiện bán lẻ đến khách hàng. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh là thị trường có nhiều người bán và nhiều người mua. Bên cạnh các công ty phát điện, có nhiều công ty bán buôn điện và bán lẻ điện.
Với thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, các khách hàng được quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình. Đây là mức độ cao nhất của thị trường, hiện đã được triển khai ở một số nước như Mỹ, Úc, Na Uy... Để hình thành thị trường điện thì việc hình thành Công ty mua bán điện là việc làm cần thiết.
Công ty mua bán điện được thành lập sẽ đứng ra mua điện từ các nhà máy qua thị trường điện hoặc theo hợp đồng dài hạn và bán buôn cho các công ty bán lẻ. Mô hình của công ty này sẽ là công ty cổ phần gồm các thành viên là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Than và Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Lắp máy, Tổng Công ty Xi măng... chiếm 49% vốn điều lệ, còn EVN chiếm 51% vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của công ty này dự kiến là 1.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần mua bán điện có nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo kinh doanh có lãi và chịu trách nhiệm cung ứng, đáp ứng đầy đủ điện cho các công ty bán lẻ điện (hiện nay là các công ty điện lực thuộc EVN).
Trong giai đoạn 2007-2010, do biểu giá bán điện chưa được điều chỉnh theo các yếu tố đầu vào nên Công ty cổ phần mua bán điện thực hiện hạch toán phi thị trường. Giá bán điện của các nhà máy hạch toán phụ thuộc của EVN chỉ duy trì ở mức thấp để giá bán buôn của Công ty cổ phần mua bán điện cho các công ty điện lực không quá cao, đảm bảo có lãi.
Sau khi biểu giá điện bán lẻ được điều chỉnh theo các yếu tố đầu vào và Chính phủ có cơ chế giá công ích, thì giá mua bán điện sẽ thực hiện theo cơ chế giá điện quy định. Công ty cổ phần mua bán điện sẽ tiến tới niêm yết trên thị trường chứng khoán và phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng.
Tuy nhiên một số ý kiến tham luận cho rằng do chỉ có 1 công ty mua bán điện liệu có chuyển độc quyền từ EVN sang cho công ty này. Những lúc thiếu điện không nói, nhưng lúc dư thừa liệu công ty này có ép các công ty phát điện? Bên cạnh đó nhiều thành viên sáng lập ra Công ty cổ phần mua bán điện như Tập đoàn Dầu khí, Than và Khoáng sản, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam vừa bán điện, vừa tham gia mua điện và vừa là khách hàng tiêu thụ điện, vậy họ có gây ảnh hưởng vì lợi ích riêng?
Trả lời những băn khoăn này, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT EVN cho biết Công ty cổ phần mua bán điện sẽ hạn chế được sự độc quyền, bởi nguyên tắc của công ty sẽ là luôn mua của những công ty phát điện có chào giá thấp nhất. Nếu công ty phát điện nào chào giá cao thì họ sẽ phải giảm sản lượng hoặc ngừng phát điện. Còn với các thành viên sáng lập vừa là người bán vừa tham gia mua và vừa là khách hàng thì họ sẽ phải tự dung hoà các lợi ích.
Theo ông Hưng, thị trường điện phát điện cạnh tranh rồi sẽ hoạt động giống như thị trường chứng khoán. Ở đó các công ty phát điện sẽ chào giá liên tục và Công ty mua bán điện sẽ chọn mua điện của những công ty phát điện có giá cạnh tranh nhất. Hiện trên thế giới đã có một số nước đạt đến mức độ này. Chẳng hạn tại Ailen, cứ 5 phút các công ty phát điện lại chào giá bán điện trên thị trường 1 lần, còn tại Anh là 15 phút/lần. Thị trường phát điện cạnh tranh của Việt Nam sẽ hướng đến mức độ cứ 1 giờ sẽ chào giá 1 lần.
-
Trần Thuỷ