221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
938168
Sở Y tế TP.HCM gặp mặt báo chí để "chữa cháy"
1
Article
null
Sở Y tế TP.HCM gặp mặt báo chí để 'chữa cháy'
,

(VietNamNet) - Liên tục 2 buổi chiều liền kề nhau 25 và 26/5, Sở Y tế TP.HCM tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí. Tuy nhiên, trong hai buổi làm việc, chẳng có thông tin, sự kiện gì mới mẻ. Nói là để giải quyết vấn đề vi phạm của doanh nghiệp, nhưng thực chất Sở Y tế chữa cháy tình huống của mình do bị dư luận và báo chí phản ứng về hành động ém nhẹm thông tin về độc tố trong nước tương.

Chánh thanh tra Sở Y tế thanh minh là ông không... ăn hối lộ để ém thông tin! Ảnh: Đặng Vỹ

Chánh thanh tra Sở Y tế thanh minh là ông không... ăn hối lộ để ém thông tin! (Ảnh: Đặng Vỹ).

Trọn buổi làm việc đầu tiên ngày 25/5, chỉ có một nội dung duy nhất là Sở Y tế thanh minh về việc không công bố thông tin doanh nghiệp vi phạm chất độc tố 3-MCPD trong nước tương. Mặc dù mào đầu câu chuyện, bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói rằng, buổi làm việc để giải quyết vấn đề đang được dư luận quan tâm, vì mục đích tìm giải pháp bảo vệ sức khỏe của người dân, nhưng ngay cả nội dung trọng tâm của buổi làm việc cũng không tập trung vào vấn đề này.

Những khó khăn trong việc công bố thông tin doanh nghiệp vi phạm quy định về hàm lượng 3-MCPD trong nước tương, theo bác sĩ Lê Trường Giang, do thiếu cơ sở pháp lý. Bởi lúc đó trong những năm đầu tiên, Chính phủ và Nhà nước hoàn toàn chưa có quy định gì về vấn đề chất 3-MCPD. Còn sau đó năm 2005 khi Chính phủ đã có văn bản quy định về hàm lượng 3-MCPD cho phép, thì lại khó khăn về phương tiện, về khoa học kỹ thuật, về tài chính, về nhân lực, tay nghề, mỗi nơi cho ra kết quả kiểm định khác nhau, và bên cạnh đó là sợ công bố sai… nên cũng không công bố được. Tóm lại là khó khăn khá nhiều.

Tại buổi làm việc, ngoài thanh minh về những hành xử với phóng viên trong thời gian qua, Sở Y tế đã hứa rằng từ sau lần này, nếu kiểm tra phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, sẽ nhanh chóng thông báo cho báo chí.

Chiều hôm sau 26/5, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục có một cuộc mời báo chí. Chủ trì cuộc gặp mặt thứ hai, Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng: “Đây không phải là cuộc họp báo, mà là Sở Y tế muốn cùng báo giới ngồi lại, báo chí cùng hỗ trợ Sở tìm giải pháp cho vấn đề hiện đang được quần chúng, dư luận quan tâm, là độc tố trong nước tương và những giải pháp xử lý doanh nghiệp vi phạm”.

 

Còn rất nhiều thông tin về an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng không biết được, vì cơ quan chức năng không tiết lộ. Ảnh: Đ.V

Còn rất nhiều thông tin về an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng không biết được, vì cơ quan chức năng không tiết lộ? (Ảnh: Đ.V)

Trong nội dung làm việc, có thể nhận ra rằng Sở này đã nhận thấy phản ứng từ các cơ quan ngôn luận dành cho mình. Giám đốc Sở ngay đầu buổi làm việc cũng công nhận rằng, do thấy báo chí đăng bài sáng 26/5 quá gay gắt, nên ông “nhận ra tính chất nghiêm trọng của vụ việc”. Như vậy ngành y tế lại nhận ra tính chất nghiêm trọng của vụ việc 3-MCPD là từ phản ứng của cơ quan báo chí đối với mình, chứ không phải bằng nghiệp vụ chuyên môn và sự quan tâm đến sức khỏe cộng đồng ở vị trí của người thấy thuốc và nhà quản lý.

Qua đó có thể thấy việc Sở Y tế TP.HCM tổ chức hai buổi làm việc với cơ quan ngôn luận, nội dung giải quyết vấn đề nước tương và 3-MCPD có thể nói là phụ, mà để giải quyết tình huống của Sở Y tế đối với báo chí mới là nội dung trọng tâm. Giám đốc và Chánh thanh tra Sở Y tế đã xin lỗi phóng viên tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, dù với mục đích nào đi chăng nữa, buổi làm việc cũng đã mang lại cho báo giới những nội dung mà họ đang cần để chuyển tải đến nhân dân. Sở Y tế cũng đã đạt được mục đích là làm dịu được bầu không khí căng thẳng trong những ngày qua, do báo chí phản ứng với cách hành xử của Sở trong việc tiếp xúc phóng viên và việc không công bố thông tin doanh nghiệp vi phạm.

Việc mời báo chí để trao đổi công việc ngoài chuyên môn như trên là một việc hiếm hoi trong hoạt động của các cơ quan chính quyền, lại càng hiếm hoi hơn với một lịch làm việc dày đặc như vậy. Nên dù sao đi nữa hành động của Sở Y tế cũng được xem là một động thái tích cực.

Qua việc này, có lẽ kinh nghiệm hay nhất rút ra là cơ quan chính quyền nên hợp tác hỗ trợ với báo chí ngay từ đầu, thì những vấn đề mới nảy sinh đã có thể giải quyết sớm, ổn thỏa hơn. Như thế tốt hơn là né tránh báo giới để đến khi bị gặp khó mới chịu hợp tác để chữa cháy, giải tỏa tình huống của mình như câu chuyện hiện tại.

  • Đặng Vỹ
     
     Ý kiến của bạn:

     

 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,