(VietNamNet) - Nhiều dự án thép lớn với vốn đầu tư hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam, mang lại những cơ hội lớn, nhưng cũng đang báo hiệu sự dư thừa công suất.
Nhiều dự án thép lớn
Tổng công ty Thép Việt Nam (VSC) ngày 29/5/2007 đã ký bản ghi nhớ thực hiện dự án Nhà máy thép liên hợp tại Hà Tĩnh với tập đoàn thép TaTa (Ấn Độ) là tập đoàn thép lớn thứ 6 trên thế giới. Dự án này có số vốn đầu tư dự kiến từ 3,5 đến 4 tỷ USD và công suất 4,5-5 triệu tấn thép mỗi năm. Dự án này sẽ được quyền tham gia khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và sử dụng quặng sắt khai thác tại đây để luyện thép.
Theo nguồn tin từ Hiệp hội Thép trong thời gian tới sẽ còn một dự án thép lò cao lớn sẽ được đầu tư tại Việt Nam, đó là dự án của tập đoàn Posco (tập đoàn thép lớn thứ 3 thế giới của Hàn Quốc) liên doanh với Tổng công ty công nghiệp tầu thuỷ Việt Nam (Vinashin) với số vốn cũng khoảng 5 tỷ USD và sản lượng khoảng 5 triệu tấn thép/năm. Dự án này dự định chọn địa điểm tại khu vực Vân Phong (Khánh Hoà).
Lắp ráp dây chuyền sản xuất thép tại công ty Hồng Hà (Phú Thọ). Ảnh minh hoạ - nguồn TTXVN |
Trước đó vào tháng 11/2006 Tập đoàn thép Posco đã được Chính phủ Việt Nam cấp phép dự án nhà máy thép cuộn cán nguội, cán nóng, thép cuộn mạ kẽm và cuộn cứng tại KCN Phú Mỹ II với tổng vốn đầu tư lên đến gần 1,2 tỉ USD và công suất khoảng 3 triệu tấn/năm. Tháng 8/2007 tới dự án này sẽ khởi công.
Bên cạnh đó, dự án sản xuất thép do Tycoons Steel International - trụ sở tại Thái Lan (một công ty con của Tycoons Group International co., Đài Loan - Taiwan Steel) làm chủ đầu tư, đặt tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư cho cả hai giai đoạn xấp xỉ hơn 1 tỉ USD cũng đã được cấp phép vào tháng 9/2006. Tycoons đầu tư một nhà máy luyện cán thép lò cao, công suất khoảng năm triệu tấn phôi thép/năm.
Ngoài ra, còn có một số dự án đang chờ thẩm định. Như dự án liên doanh cán thép công suất 2 triệu tấn/năm giữa Essar (Ấn Độ) với Tổng công ty Thép Việt Nam đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vốn đầu tư khoảng 527 triệu USD.
Đó là chưa kể còn khá nhiều dự án thép khác với công suất nhỏ hơn với mức đầu tư trung bình 30-60 triệu USD cũng sắp sửa khởi công trong thời gian tới như Công ty TNHH thép Tong Hwei (Đài Loan) đầu tư sản xuất phôi thép; Công ty cổ phần Hoa Sen (100% vốn trong nước) sản xuất thép và vật liệu xây dựng tại KCN Phú Mỹ II và hàng loạt nhà máy thép đã được “động thổ” trước đây, nay cũng đến kỳ đi vào hoạt động.
Tháng 4/2007 vừa qua, Nhà máy thép cán nguội Hoa Sen (thuộc Công ty cổ phần Hoa Sen) đi vào hoạt động tại KCN Sóng Thần 2 (Bình Dương), công suất 180.000 tấn/năm. Tháng 7/2007 tới đây, Nhà máy cán, luyện thép Phú Mỹ, do Công ty Thép Việt (Pomina) đầu tư xây dựng tại KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ chạy thử và đưa vào sản xuất hai tháng sau đó.
Dư thừa công suất lớn?
Theo Hiệp hội thép, hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn thép tấm/năm. Dự tính đến năm 2010 nhu cầu thép tấm cả nước sẽ vào khoảng 4,7 triệu tấn, năm 2015 là 7,2 triệu tấn và năm 2020 là 10,2 triệu tấn. Hiện thép tấm chiếm gần 50% trong tổng nhu cầu thép của Việt Nam. Nếu cộng với nhu cầu về thép xây dựng trong các năm tới cũng tăng ở mức tương đương (với thép tấm), thì đến 2010 Việt Nam sẽ cần khoảng10 triệu tấn thép các loại, tới 2015 là 15 triệu tấn và tới 2020 là 20 triệu tấn/năm.
Với nhu cầu này, đủ điều kiện cho việc sản xuất thép quy mô cỡ liên hiệp. Đây chính là cơ hội lớn của ngành công nghiệp thép Việt Nam, nhưng với sự bùng nổ đầu tư các dự án thép cũng đang báo hiệu sự dư thừa công suất lớn. Theo tính toán chỉ riêng với 2 dự án (của VSC - TATA và Posco - Vinashin) thì đã có công suất khoảng 10 triệu tấn vào trước năm 2015 cùng các với công suất thép hiện tại cả nước là 6 triệu tấn và sẽ có thêm trên 6 triệu tấn công suất của các nhà máy đang đầu tư (riêng Dựa án của tập đoàn Posco tại Bà Rịa Vũng tàu là 3 trệu tấn và tương lai có thêm VSC - Essar 2 triệu tấn) thì Việt Nam đã có trên 20 triệu tấn thép các loại vào thời điểm 2015.
Ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng đã đến lúc cần xem xét, cảnh báo và hạn chế đầu tư vào các dự án thép nếu không sẽ gây lãng phí lớn và mang lại hiệu quả không như mong muốn cho đất nước.
-
Trần Thuỷ