221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
942044
Minh bạch thông tin: Nghĩa vụ đầu tiên của doanh nghiệp!
1
Article
null
Minh bạch thông tin: Nghĩa vụ đầu tiên của doanh nghiệp!
,

(VietNamNet) - Doanh nghiệp yêu cầu báo chí cung cấp chính xác thông tin, trong khi doanh nghiệp lại không xác định nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác. Cơ quan chức năng thì giữ làm bí mật và không hợp tác. Chịu thiệt cuối cùng là người tiêu dùng.

>> TP.HCM: Tạm giữ 200.000 chai nước tương có chất 3-MCPD
>> Nước tương "đen": Cần làm rõ thông tin đến người tiêu dùng!
>> Biết rõ nước tương có độc tố cao mà vẫn làm!
>> Tôi sẽ kiện Sở Y tế TP.HCM và nhà SX "tương độc"

Trong buổi hội thảo “Tìm giải pháp giải quyết vấn đề chất 3-MCPD trong nước tương” tổ chức tại TP.HCM sáng 6/6, nhà sản xuất đã lên tiếng oán trách, đổ lỗi cho báo chí có thể giết chết doanh nghiệp vì đưa không chính xác, không đầy đủ về thông tin nhãn hàng, sản phẩm.

Hội thảo bây giờ chỉ là giải pháp chữa cháy. Ảnh: Quỳnh Như
Hội thảo bây giờ chỉ là giải pháp chữa cháy. Ảnh: Quỳnh Như
Ông Nguyễn Chí Nguyện, Tổng Thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, trách cứ: “Có nhãn hiệu phải xây dựng mất 3-4 đời người. Như nước tương Nam Dương đây cũng phải mất 50 năm mới làm nên nhãn hiệu Con Mèo Đen. Nhưng Nam Dương có nhiều sản phẩm với những độ đạm khác nhau. Nếu thông tin không đầy đủ thì sẽ làm chết cả nhãn hiệu Con Mèo Đen”. Ông Nguyện mong báo chí “giúp đỡ”, thông tin đúng sản phẩm nào vi phạm.

Lời của bà Lưu Đường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Gò Vấp, là ghi nhận cũng đúng, mà đổ lỗi cũng đúng: “Các doanh nghiệp có sống hay chết là nhờ ở phương tiện truyền thông và quý vị phóng viên”.

Thậm chí, chính ông chánh Thanh tra sở Y tế TP.HCM, nơi giữ bí mật về nước tương suốt 6 năm qua, cũng “nhắc nhở” báo chí, là thông tin về sản phẩm phải chính xác để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh khác của DN. Ông thanh tra cho biết, hiện tại cơ quan quản lý thị trường cứ gặp sản phẩm của 17 cơ sở nước tương sản xuất là thu, bất kể sản phẩm có vi phạm hay không (hàm ý của ông là  do Quản lý thị trường đã không có thông tin đầy đủ - pv).

Qua những lời lẽ đổ lỗi qua lại trên đây, có thể thấy vấn đề: chưa có luật định về cơ chế công bố thông tin của doanh nghiệp. Và hậu quả có thể dẫn tới không những người tiêu dùng chịu thiệt, mà kể cả nhà sản xuất cũng sẽ bị khó khăn khi xảy ra chuyện.

Tìm cái lỗ hổng ở chỗ nào thì có thể dò ra. Tuy nhiên, cứ theo như lời trách cứ của nhà sản xuất, rằng doanh nghiệp có thể sạt nghiệp vì báo chí, thì cũng rất cần sự hợp tác chặt chẽ từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Báo chí không thể công bố bất cứ thông tin gì khi trong tay không có cơ sở từ doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Thế nhưng từ trước đến nay, phương tiện truyền thông đã rất nỗ lực trong việc xác lập mối quan hệ này, mà vẫn không được.

’Nam

Nam Dương công bố không có 3-MCPD nhưng thực chất là "bình mới nước tương cũ". Ảnh: Đ.V

Thanh tra ngành thì cho rằng vì không có cơ chế cho phép công bố thông tin, còn sau khi có cơ chế thì lại cho rằng e kết quả kiểm định không chính xác, nếu cung cấp cho báo chí sẽ bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (?). Vì thế lâu nay với báo chí, thanh tra lại chính là cái thành trì, là nơi bảo mật thông tin tốt nhất cho DN. Nhờ đó mà suốt trong một thời gian dài gồm nhiều năm, doanh nghiệp cứ thế tha hồ đưa ra thị trường sản phẩm bẩn vô tội vạ nhưng không ai biết.

Về phía khoa học thì Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, người được xem là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm và nước chấm, cho rằng không có quyền công bố thông tin. “Chỉ có khách hàng (tức người sản xuất hoặc chủ sở hữu mẫu sản phẩm mới có quyền quyết định sử dụng thông tin. Chúng tôi không được phép cung cấp cho bất cứ ai”.

Vậy nơi có quyền lực công bố thông tin cao nhất chính là doanh nghiệp, là chủ sản phẩm của mình làm ra. Thế nhưng chắc chắn doanh nghiệp không bao giờ “lạy ông tôi ở bụi này”. Nếu có cung cấp cho báo chí, thì có chăng chỉ là những thông tin có lợi, “không có 3-MCPD” chẳng hạn!

Các cơ quan chức năng có đầy đủ phương tiện khoa học, đã có kết quả trong tay, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ cho doanh nghiệp làm bậy, thì báo chí khó lòng có được thông tin. Như khởi thủy của vụ "nước tương đen", nếu không có sự phát hiện từ hải quan nước ngoài với một lô nước tương xuất xứ Việt Nam thì có lẽ thông tin tiếp tục bị ém nhẹm trong nước?

Những mẫu nước tương được thông báo là "sạch" này lấy từ đâu, quy trình công nghệ đã được công nhận chưa và bởi cơ quan nào..., không có giấy chứng nhận kèm theo khi giới thiệu. Ảnh: Quỳnh Như
Những mẫu nước tương được thông báo là "sạch" này lấy từ đâu, quy trình công nghệ đã được công nhận chưa và bởi cơ quan nào..., không có giấy chứng nhận kèm theo khi giới thiệu. Ảnh: Quỳnh Như
Sản phẩm bẩn bán ra thị trường không được ngăn chặn lại còn được đưa vào danh mục hàng Việt Nam chất lượng cao. Thanh tra y tế cũng làm ngơ không nói gì. Sau khi sự việc vỡ lở,  cũng chưa thấy truy cứu trách nhiệm của thanh tra và DN đến đâu.

Mặc dù yêu cầu báo chí “thông tin đầy đủ, chính xác nhãn hàng để sản phẩm khác không bị oan”, nhưng đến giờ, vẫn không có bất cứ doanh nghiệp nào cung cấp cho báo chí danh mục nhãn hàng sản phẩm vi phạm của mình.

Thời gian qua, các công ty cổ phần liên tục phát hành cổ phiếu huy động vốn. Nhà đầu tư xét xem thông tin có trung thực, minh bạch hay không, mới quyết định đầu tư. Doanh nghiệp trên sàn nếu công bố sai thông tin, ngoài việc bị nhà đầu tư rút vốn, quay lưng, còn bị phạt bởi những quy định của pháp luật, bị lên án mạnh mẽ bởi những quy phạm đạo đức. Sự kiện năm 2003 của một công ty sản xuất bánh kẹo ở Đồng Nai làm ăn lỗ báo cáo lãi, bị trừng phạt, là câu chuyện chưa ai quên. Hoặc công ty chưa lên sàn nhưng có thông tin thất thiệt kiểu như Thiên Việt, khi chưa có luật chế tài thì cũng bị xã hội lên án mạnh mẽ, ít nhất là về mặt đạo đức.

Thế nhưng đó là lĩnh vực tài chính. Với tài chính, luật đã có những ràng buộc về minh bạch thông tin. Như vậy, cũng cần phải có luật công khai minh bạch về thông tin sản phẩm đối với doanh nghiệp.

Nếu không có một cơ chế quy định về công bố và kiểm soát thông tin, e rằng việc người tiêu dùng bị “mù” thông tin chưa hẳn đã chấm dứt, ngay trong lĩnh vực nước tương, nước chấm. Kiểu như 7 mẫu nước tương “sạch” đang trưng bày tại hội thảo này, không có chứng nhận sở hữu trí tuệ kèm theo, nên chẳng biết công nghệ này lấy từ đâu.

Nam Dương trong đợt vừa rồi có hàm lượng độc tố 3-MCPD cao hơn 2.300 lần mức cho phép, đã phải thu hồi toàn bộ sản phẩm trên thị trường, nhưng lần này lại được chọn chuyển giao công nghệ sản xuất nước tương sạch. Nhưng cơ quan quản lý có uy tín nào sẽ đứng ra đảm bảo cho việc này? Và niềm tin của người dân đâu có thể khôi phục trong một sớm một chiều? Báo chí, rút kinh nghiệm, lại càng phải thận trọng khi đưa những thông tin này. 

Doanh nghiệp yêu cầu báo chí thông tin chính xác là rất đúng, nhưng việc cung cấp thông tin chính xác ấy, đầu tiên chính là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhân tiện, trong các cuộc làm việc và hội thảo về vấn đề này, các phóng viên xin số điện thoại, nhưng một chủ doanh nghiệp nước tương kiên quyết không cung cấp. Vậy không biết cách nào để thông tin về sản phẩm của doanh nghiệp đó được báo chí truyền tải đầy đủ và minh bạch?

  • Đặng Vỹ

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,