Việt Nam đã thu hút hơn 10,2 tỷ USD vốn đăng ký để thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2006 và đã trở thành sự lựa chọn thay thế cho Trung Quốc ở châu Á.
Ngày hôm qua, 6/6/2007 - Tạp chí Tuần Công nghiệp (Industryweek.com) vừa đăng tải bài viết của tác giả Alex Bryant (Chủ tịch Tổ chức East West Associates) đánh giá cao về lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. VietNamNet xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch bài viết này. Outsourcing trong ngành Công nghiệp Phần mềm cũng đang là một trong những tiềm năng của Việt Nam, thu hút nhiều đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Thế Phong)
Việt Nam đã nhanh chóng trở thành nước nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất từ các công ty Mỹ. Nhờ những chính sách thuận lợi của Chính phủ, lực lượng lao động được đào tạo tốt và mối lo ngại của các nhà đầu tư về chi phí ngày càng tăng lên ở Trung Quốc, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên đáng kể. Các công ty này đang coi Việt Nam thực sự là một địa điểm thay thế để thành lập các trung tâm sản xuất và phân phối, phục vụ trước tiên cho xuất khẩu.
Các dự án đầu tư gần đây bao gồm dự án của Intel ở Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu tư trị giá 1 tỉ USD. Dự án đầu tư này kéo theo các dự án đầu tư công nghệ cao khác cũng như các nhà cung cấp triển vọng của Intel.
Việt Nam đã thu hút hơn 10,2 tỉ USD vốn đăng ký để triển khai các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2006 - gần 8 tỉ USD của 800 dự án mới và hơn 2,2 tỉ USD của 440 các dự án đang triển khai xin tăng vốn.
Trong hai năm qua, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế tích cực và đã thể hiện hình ảnh của mình một cách thuyết phục trong con mắt của các nhà đầu tư sau khi gia nhập WTO, đăng cai tổ chức Hội nghị APEC và việc chính phủ Mỹ phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam.
Các đặc điểm của thị trường Việt Nam
Mặc dù có nhiều vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài phải xem xét, bài báo này tập trung vào 6 đặc điểm chính dành cho những nhà sản xuất đang cân nhắc việc thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tỉ lệ lao động và lực lượng lao động
So với nhiều nước láng giềng châu Á, Việt Nam có chi phí lao động tương đối rẻ. Công nhân nhà máy có mức lương trung bình là 200 USD/tháng trong khi những nhà quản lý chủ chốt và những kỹ sư có thâm niên được trả 1.500 USD/tháng. Việt Nam áp dụng 48 giờ làm việc mỗi tuần và chương trình phúc lợi xã hội theo quy định của Chính phủ chiếm khoảng 25% chi phí lương. Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu 40 giờ lao động mỗi tuần và chi phí xã hội chiếm 50-60% lương của công nhân.
Lực lượng lao động Việt Nam được giáo dục tốt và có tinh thần làm việc tích cực. Độ tuổi trung bình của công nhân là 24 và ngày càng có nhiều người trong độ tuổi lao động có khả năng làm việc bằng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, phần lớn là nhờ sự xuất hiện của nhiều trung tâm tiếng Anh.
Ưu đãi thuế
Về phương diện phát triển kinh tế, Việt Nam hiện đang ở vị trí của Trung Quốc cách đây 10-12 năm, ngoại trừ một điều đáng lưu ý là các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã học được những bài học quý giá từ mô hình của Trung Quốc.
Chính phủ đã thực hiện một chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mạnh bạo. Chương trình này cho phép thời hạn miễn thuế lên tới 4 năm kể từ khi kinh doanh có lãi (có tính cả năm đầu tiên). Và giai đoạn 7 năm tiếp theo, mức thuế phải nộp chỉ bằng ½ mức thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế này thậm chí có thể được áp dụng trong thời gian 15 năm. Thuế thu nhập doanh nghiệp có thể ở mức 10%, 15% hay 20% - tuỳ thuộc từng ngành công nghiệp, loại hình đầu tư và địa điểm. Mức thuế tiêu chuẩn là 28%.
Khi tiến hành lựa chọn địa điểm để đầu tư, doanh nghiệp nên đến thăm các khu kinh tế khác nhau và thảo luận các ưu đãi thuế của mỗi khu kinh tế cũng như những điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế. Ngoài ra, còn có những chương trình miễn thuế nhập khẩu các tư liệu sản xuất (mới hoặc đã được tân trang lại).
Ông Charlie Blocker, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Gannon Pacific cho biết: “Các ưu đãi thuế của Chính phủ Việt Nam là một trong những ưu đãi cao nhất châu Á và các công ty nhận thức được ảnh hưởng về mặt tài chính của những ưu đãi này lên doanh thu cố định hàng tháng của họ”.
Cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhằm đáp ứng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đang đổ vào đây. Mặc dù đi sau Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam quyết tâm phát triển cân bằng về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực cung cấp điện, nước, các dịch vụ cảng biển và viễn thông. Có rất nhiều các khoản vay và tài trợ song phương tiếp tục được dành cho Việt Nam.
Hai năm qua, Việt Nam đã đầu tư khoảng 10% GDP vào cơ sở hạ tầng. Đến năm 2012, Việt Nam sẽ hoàn thành một mốc quan trọng về phát triển cơ sở hạ tầng qua việc phát triển các cảng nước sâu và vận tải biển - sự phát triển này sẽ mang lại cho Việt Nam một lợi thế cạnh tranh to lớn và cho phép nước này tăng cường hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thành lập các chuỗi cung ứng và xuất khẩu vào ASEAN, Trung Quốc và Bắc Mỹ.
Sở hữu trí tuệ và cơ sở hạ tầng pháp lý
Cùng với việc đáp ứng những quy định về pháp lý và sở hữu trí tuệ để gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam còn có những bước đi nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ban hành nhiều luật quy định việc bảo hộ cụ thể đối với các nhà đầu tư. Hệ thống toà án giám sát luật có ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài tiếp tục được cải thiện, tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch và rộng mở hơn cho các hoạt động đầu tư.
Năm ngoái, Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Luật Mua sắm. Quốc hội cũng thông qua những luật mới nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đồng bộ hơn cho các nhà đầu tư: Luật Chứng khoán, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có những quy định mới về các vấn đề đình công.
Tính sẵn sàng của các cơ sở sản xuất hiện có
Việt Nam đã xây dựng một số lượng khá lớn các khu kinh tế. Giá thuê đất nhìn chung thấp hơn ở Trung Quốc, khoảng 20-25 đô-la/1 mét vuông với thời hạn thuê là 50 năm. Đối với những khu kinh tế có cơ sở hạ tầng hiện đại và đầy đủ hơn, giá thuê đất cao hơn, khoảng 40 đô-la/1 mét vuông.
Số liệu thống kê từ Vụ Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2006, 5,68 tỷ đô la đã đổ vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Số vốn đầu tư này là dành cho các dự án mới và các dự án đang thực hiện xin tăng vốn. Con số này cao gấp 2 lần so với năm 2005.
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh là những điểm hấp dẫn nhất đối với những nhà đầu tư, thu hút 213 dự án và tổng số vốn đăng ký lên đến gần 2,58 tỷ đô la, chiếm khoảng 60% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Một trong những khách hàng của EWA, một công ty sản xuất kim loại Hoa Kỳ, muốn đặt cơ sở sản xuất gần TP.Hồ Chí Minh để tranh thủ lợi thế về cảng biển và thủ tục hải quan ưu đãi. Trong khoảng 55 khu kinh tế, EWA đã chọn được ra một danh sách gồm 3 khu kinh tế thoả mãn yêu cầu của khách hàng. Những khu này đều rất cạnh tranh về dịch vụ và là địa điểm lý tưởng cho các công ty thiết lập các cơ sở kinh doanh.
Việt Nam dành cho các nhà đầu tư không chỉ những tiềm năng kinh tế to lớn mà còn là sự lựa chọn hàng đầu cho các công ty muốn đa dạng hoá đầu tư của họ tại châu Á. Với giá nhân công rẻ, chính sách ưu đãi thuế đặc biệt và hạ tầng cơ sở không ngừng phát triển, Việt Nam sẽ tiếp tục cung cấp cơ hội đầu tư cho những công ty Hoa Kỳ.
EWA có trụ sở chính tại Charlotte, NC và các văn phòng ở Chicago và Thượng Hải. Nhiệm vụ của tổ chức này là hỗ trợ các nhà sản xuất trong việc thiết lập hoạt động ở châu Á, bao gồm sản xuất theo hợp đồng, lập liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
-
Theo Alex Bryant (Industryweek.com)