(VietNamNet) - Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) quyết định mua 280.000 tấn gạo 25% tấm của Việt Nam, giao trong tháng 6-8/2007. Từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã nhập 1,61 triệu tấn gạo.
Hiện giá gạo của Việt Nam đang ở mức cao (Ảnh TTO).
Trong số này, NFA đã mua 105.000 tấn gạo 25% tấm giá 328,96 USD/tấn, FOB của Công ty Dagrimex, Afiex (An Giang) và Vĩnh Phát. 150.000 tấn khác được mua với giá 328.99 USD/tấn, C&F, từ công ty Kigifac và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood). Cơ quan Lương thực quốc gia của Philippines cũng mua 25.000 tấn gạo sắt, giá 348.99 USD/tấn của Vinafood.
Hiện, giá gạo xuất khẩu của một số nước châu Á, chủ lực là Thái Lan và Việt Nam, vẫn ở mức cao do nguồn cung hạn chế. Nông dân thì chờ giá tăng và chưa muốn bán gạo.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù năm nay lượng hợp đồng xuất khẩu gạo ký được nhiều hơn năm 2006, nhưng đến cuối tháng 5, lượng gạo xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, kim ngạch gần 580 triệu USD, giảm 21% về lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân sụt giảm là do các DN xuất khẩu gạo gặp khó khăn trong việc thuê tàu vận chuyển và giá cước tăng khá cao, bằng 30%-35% giá xuất khẩu theo hình thức FOB. Cụ thể, cước đi châu Á từ 16-17 lên 25-30 USD/tấn, cước đi châu Phi từ 80-90 lên 110-120 USD/tấn. Mặc dù giá cước tăng cao như vậy vẫn khó thuê được tàu.
Trước tình hình này, Hiệp hội khuyến cáo các DN thuê vận chuyển bằng container để xuất khẩu, nhằm giải quyết bớt tình trạng hợp đồng đến thời hạn, gạo đầy kho. Tuy nhiên, giá cước container cũng sẽ tăng trong tháng 6.
Trong khi đó, Bộ Thương mại đã khuyến cáo không nên ký tiếp hợp đồng xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Đăng Chi, Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Thương mại) cho rằng, theo tiến độ giao hàng đã ký hợp đồng và đang thực hiện, đến hết tháng 6/2007, Việt Nam sẽ xuất khẩu được khoảng 2,2 triệu tấn gạo, trong lúc chỉ tiêu Nhà nước giao năm nay sẽ XK khoảng 4,5 triệu tấn.
Đáng lưu ý là cho đến nay, các hợp đồng mua gạo của Việt Nam đã ký gần đủ kế hoạch. Nhiệm vụ hiện nay là đảm bảo sản xuất và sản lượng ổn định, nếu tăng được càng nhiều càng tốt để xuất khẩu. Do vậy, mặc dù vẫn còn một số lượng chỉ tiêu xuất khẩu nhưng các DN cũng nên từ từ hãy ký hợp đồng do chưa biết kết quả của vụ thu hoạch sắp tới.
-
Hà Yên