(VietNamNet) - Theo tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau một thời gian dài vận hành liên tục, hệ thống khí Nam Côn Sơn (NCS) sẽ tạm ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng, nâng cấp nên trong các giờ ban ngày, khả năng thiếu nguồn có thể lên tới trên 1.000 MW bắt đầu từ đầu tháng 7/2007.
Kế hoạch bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống khí NCS sẽ được tiến hành làm 3 đợt. Đợt 1 bắt đầu từ 01-06/07, đợt 2 dự kiến từ 29/08-16/09, đợt 3 từ 29-30/09.
EVN cho biết, tổng công suất cụm Phú Mỹ vào khoảng 4.000 MW, chiếm 35% tổng công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện huy động từ khí NCS khoảng 70 triệu KWh ngày, chiếm 34% sản lượng điện toàn hệ thống. Để bù đắp lượng điện thiếu hụt này, EVN dự kiến sẽ phải huy động các tổ máy tua-bin khí chạy dầu thay khí trong thời gian công tác.
Hệ thống điện lại bị đặt trong tình trạng căng thẳng. (Ảnh minh hoạ: TCT Xây dựng Công nghiệp) |
Nhưng do đặc thù của các tổ máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp được thiết kế chạy với nhiên liệu khí là chủ yếu, nhiên liệu dầu chỉ huy động hạn chế, theo kinh nghiệm vận hành từ trước tới nay, khả năng khởi động các tổ máy bằng nhiên liệu dầu chỉ thành công khoảng 50%, chế độ chạy rất không ổn định, dễ xảy ra sự cố và công suất khả dụng chạy bằng dầu thấp hơn chạy bằng khí khá nhiều.
Mặt khác, đối với các ngày từ 01-06/07, mức nước các hồ thuỷ điện rất thấp do vậy công suất khả dụng của các nhà máy thuỷ điện trong thời gian này bị giảm. Cũng trong các khoảng thời gian ngừng cung cấp khí trên, nhiều nhà máy nhiệt điện phải tách ra sửa chữa do đã có thời gian dài phải huy động cao và không được sửa chữa, như Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình, Thủ Đức... Với các yếu tố như vậy dẫn đến công suất khả dụng toàn hệ thống rất thấp, mức khả dụng tuỳ thuộc vào từng thời điểm cụ thể, phụ thuộc vào khả năng chạy dầu ổn định của các tổ máy.
Trong các khoảng thời gian ngừng cung cấp khí, khả năng nguồn điện không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng là rất cao. Trong các giờ ban ngày, khả năng thiếu nguồn có thể lên tới trên 1.000 MW.
EVN đã chuẩn bị các giải pháp: Điều chỉnh lịch sửa chữa các nguồn điện để huy động cao trong thời gian này; tăng cường mua điện Trung Quốc qua các đường dây 220kV; yêu cầu các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu than, dầu, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu vận hành cao; phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để Nhà máy điện Cà Mau phát công suất tối đa; yêu cầu Ban QLDA nhiệt điện 1 phát điện ổn định tổ máy S7 - Uông Bí mở rộng với mức công suất cao nhất có thể dù đây là tổ máy đang trong thời gian thí nghiệm, chế độ chạy chưa ổn định; cố gắng duy trì mức nước các hồ thuỷ điện cao (trong phạm vi cho phép) để tận dụng công suất khả dụng của tổ máy.
Tuy nhiên, trong các tình huống phải tiết giảm phụ tải, EVN khẳng định đảm bảo đến mức cao nhất cung cấp điện cho sản xuất, cho các địa điểm tổ chức thi đại học, các phụ tải quan trọng như cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, công an, y tế... và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân.
Trên thực tế việc tạm ngừng cung cấp khí để bảo dưỡng và nâng cấp hệ thống khí NCS đã được các bên như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bristish Petro (BP), NCS Pipeline và các bên liên quan đã nhiều lần bàn bạc, trao đổi từ tháng 6/2006.
Theo đó đường ống khí NCS sẽ ngừng tối thiểu là 14 ngày để lắp đặt thiết bị dàn nén nhằm nâng công suất khai thác từ 13,2 triệu m3 khí/ngày hiện nay lên 15 triệu m3 khí/ngày, thời điểm tạm ngừng sẽ diễn ra từ tháng 3-6/2007. Nhưng do đây là mùa khô lượng nước về các hồ thuỷ điện thấp, nhu cầu điện tăng cao, nguồn cung không đảm bảo nên các bên đã bàn bạc lại và lùi thời điểm cũng như đưa ra kế hoạch tạm ngừng chia làm 3 đợt như trên.
Như vậy có thể nói việc tạm ngừng hoạt động của hệ thống khí Nam Côn Sơn không hề đột xuất và đã có 1 thời gian khá dài để chuẩn bị. Nhưng qua các giải pháp mà EVN đưa ra thì nhiều ý kiến cho rằng nó vẫn mang tính tình thế và cơ bản vẫn là tiết giảm phụ tải.
Việc đưa dầu vào chạy thay khí như EVN đã thừa nhận là hiệu quả thấp, nhưng vấn đề đặt ra là trong tình hình hiện nay giá dầu tăng cao và chạy dầu thua lỗ lớn vậy liệu việc chạy dầu thực sự sẽ giải quyết được bao nhiêu thiếu hụt? Bên cạnh đó với cách sử dụng tối đa các nguồn điện còn lại kể cả những nhà máy đang trong thời gian chạy thử và điều chỉnh lịch sửa chữa thực sự sẽ đặt hệ thống điện vào tình trạng thiếu an toàn cao.
Với thiếu hụt như tính toán tới 1.000 MW thì chắc chắn sẽ phải cắt điện trên diện rộng. Bởi công suất đặt của toàn hệ thống điện hiện là 12.270 MW, nhưng thực tế công suất khả dụng chỉ huy động tối đa ở mức 10.187 MW.
Điều mọi người quan tâm là với thiếu hụt công suất lớn điện sẽ được đảm bảo như thế nào và cơ quan nào sẽ giám sát việc vận hành nguồn điện để không diễn ra cảnh cắt điện tuỳ tiện? Bởi việc chạy dầu, mua điện từ bên ngoài từ trước đến nay theo EVN vẫn phải bù lỗ và liệu trong tình hình này có tăng cường cắt điện để tránh bị tăng chi phí?
-
Trần ThuỷÝ kiến bạn đọc: