221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
950858
3 nước Đông Dương hợp tác du lịch di sản văn hoá
1
Article
null
3 nước Đông Dương hợp tác du lịch di sản văn hoá
,

(VietNamNet) – 3 nước VN, Lào, Campuchia thống nhất đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa các di sản văn hoá thế giới trong khu vực Đông Dương.

 

Nhập mô tả vào đây

Sự hợp tác giữa 3 nước Đông Dương sẽ giúp thu hút lượng du khách quốc tế đến với các di sản văn hoá thế giới trong vùng ngày càng nhiều hơn Ảnh: HC

Ngày 28/6, tại Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra Hội thảo quốc tế về chủ đề “Hợp tác phát triển du lịch giữa các di sản văn hóa thế giới (DSVHTG)” với sự tham dự của đại diện ngành du lịch, các công ty lữ hành, du lịch, khách sạn 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

 

Cuộc hội thảo nhằm vào các vấn đề hợp tác phát triển du lịch, thu hút du khách, quảng bá, xúc tiến đầu tư và hạ tầng du lịch, tạo hành lang pháp lý bảo vệ di sản, phát triển các cơ sở lưu trú... Đặc biệt là đề ra cơ chế hỗ trợ các công ty lữ hành trong từng vùng, liên vùng và quốc gia có các DSVHTG nổi tiếng ở Đông Dương như Hội An, Mỹ Sơn, Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Watphou, Angkor, Luang Prabang…

 

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam khẳng định, sau khi VN gia nhập WTO thì việc mở rộng hợp tác phát triển du lịch liên vùng giữa các DSVHTG nổi tiếng của Huế - Quảng Nam - Kon Tum - Đắk Lắk - ChămpaSăk - XiêmReap - Luang Phrabang càng có ý nghĩa quan trọng, như một động lực cho quá trình đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế chung của các quốc gia VN - Lào - Campuchia, đặc biệt là khi “ngành công nghiệp không khói” là một trong những ngành phát triển nhất tại các nước này.

 

Do vậy, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả, mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là xây dựng chương trình hợp tác lâu dài, hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực. Đây là cơ hội tốt để các địa phương trong khu vực Đông Dương có thể bảo tồn, khai thác và phát huy tốt những giá trị DSVHTG.

 

Theo ông, năm 2006, miền Trung VN đón khoảng 8 vạn khách đường bộ, con số này sẽ chắc chắn tăng lên gấp nhiều lần nếu cơ sở hạ tầng được nâng cấp đồng bộ hơn, hệ thống dịch vụ được cải thiện, đặc biệt là giá cả và chế độ thị thực nhập cảnh thuận lợi hơn cho du khách. Đây cũng là những vấn đề “nóng” mà các hãng lữ hành, các doanh nghiệp du lịch đang rất quan tâm và mong muốn được sớm cải thiện.

 

Ông Soukaseum Boudhisane, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lào, bày tỏ mong muốn VN hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Lào cũng như Campuchia hiện được đánh giá là thiếu và yếu. Điều này đã được Tổng cục Du lịch VN nhất trí cao.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN Phạm Từ nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh và khuyến khích hợp tác phát triển du lịch giữa các nước có chung biên giới quốc gia, giữa tỉnh với tỉnh... Điều đó phù hợp với mục tiêu phấn đấu của VN đến năm 2010 thu hút 6 triệu khách quốc tế, 23 triệu khách nội địa với tổng doanh thu từ du lịch đạt 4,5 tỷ USD”.

 

Ông cho biết thêm, VN đã hoàn chỉnh “Đề án phát triển du lịch 3 quốc gia, một điểm đến”. Sau khi có sự xem xét nhất trí của các nước Đông Dương, đại diện Chính phủ 3 nước VN - Lào - Campuchia sẽ chính thức ký kết thông qua. “Nền tảng cốt lõi của đề án là khai thác địa kinh tế, địa chính trị, địa du lịch để thúc đẩy hợp tác giữa các nước. Đương nhiên mối quan hệ này sẽ ngày càng được củng cố và phát  triển hơn”, ông nói.

 

Qua hội thảo, đại diện ngành du lịch 3 nước Đông Dương đã ra thông cáo chung gồm 5 điểm. Trong đó nhấn mạnh, các bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự liên kết giữa các địa phương có DSVHTG; mở cửa và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, du lịch, các điểm lưu trú và cơ sở vận chuyển mới; hợp tác quảng bá du lịch giữa các DSVHTG và về các DSVHTG trong vùng; xây dựng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của khu vực với nguyên tắc phát triển hài hoà với việc bảo tồn các DSVHTG và môi trường thiên nhiên.

 

Tăng cường hợp tác chung trong quảng bá du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với chuỗi DSVHTG trong vùng ngày càng nhiều hơn trên cơ sở phát triển bền vững; tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao mức sống người dân. Đồng thời đẩy mạnh trao đổi hợp tác văn hoá, đào tạo nhân lực cho ngành du lịch; tổ chức thường niên một diễn đàn chung cho các bên tham gia về chủ đề hợp tác, phát triển du lịch giữa các di sản vùng Đông Dương và có thể mở rộng ra phạm vi rộng hơn.

 

Được biết, sắp tới 3 nước Đông Dương sẽ ký kết thỏa thuận đường bộ cho phép các phương tiện ôtô được lưu thông dễ dàng hơn trong phạm vi 3 nước Đông Dương. Các hãng lữ hành dự kiến sau thỏa thuận này, lượng khách du lịch hai chiều đi bằng đường bộ sẽ có sự tăng trưởng đột biến so với hiện nay.

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,