221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
955988
Công ty mua bán điện: Sẽ theo mô hình nào?
1
Article
null
Công ty mua bán điện: Sẽ theo mô hình nào?
,

(VietNamNet) - Sáng 10/7/2007 tại Hà Nội, Bộ Công nghiệp đã chủ trì cuộc họp về mô hình tổ chức công ty mua bán điện.

>> Khởi động thị trường điện cạnh tranh
>>Lo ngại quanh mô hình Công ty cổ phần mua bán điện

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay theo quy định của Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ cần sớm xây dựng đề án công ty mua bán điện để thực hiện nhiệm vụ mua điện của các nhà máy điện bán buôn cho các công ty phân phối điện.

Không có sự tham gia của EVN trong cổ đông?

EVN khẳng định việc thành lập công ty mua bán điện sẽ đảm bảo tính minh bạch trong việc mua bán điện, bảo vệ quyền lợi các bên mua điện, bán điện và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả trong việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và sử dụng điện, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và thúc đẩy thị trường điện Việt Nam phát triển.

Công ty mua bán điện
Đường dây 500KV (Ảnh minh hoạ - nguồn TTXVN).

Việc chỉ thành lập 1 công ty mua bán điện theo quan điểm của EVN là do hoạt động mua bán điện là loại hình khó, liên quan trực tiếp đến vận hành hệ thống điện, việc mua bán và sử dụng điện xảy ra gần như đồng thời. Ngoài ra còn phải thực hiện chính sách bù chéo giữa các công ty điện lực.

Nếu thành lập nhiều công ty mua bán điện sẽ dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán. Các công ty mua bán điện sẽ mua của các nhà máy điện có giá thấp, bán cho các công ty điện lực có giá mua cao. Các nhà máy điện có giá bán điện cao sẽ không có công ty nào mua và không có công ty mua bán điện nào muốn bán điện cho các công ty điện lực (công ty bán lẻ) có giá mua điện thấp, dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước.

Do đó để thành lập nhiều công ty mua bán điện như dư luận yêu cầu, đòi hỏi phải có những điều kiện tiên quyết về hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng. Nên giai đoạn hiện nay chưa đủ điều kiện thành lập nhiều công ty mua bán điện. Ở nước ta việc thành lập nhiều công ty mua bán điện chỉ có thể hình thành từ năm 2014 khi hình thành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Mô hình công ty mua bán điện được EVN đưa gồm công ty cổ phần, công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên và công ty hạch toán phụ thuộc EVN.

Tuy nhiên, qua so sánh ưu nhược điểm của 3 mô hình trên, mô hình công ty cổ phần được cho là có nhiều ưu điểm nhất, do vậy EVN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn hình thức công ty mua bán điện là công ty cổ phần. Đây là hình thức đã được áp dụng tại Italia, Ba Lan, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất...

Công ty cổ phần mua bán điện sẽ bao gồm các thành viên là các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước như:  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Than và Khoáng sản, Bưu chính Viễn thông, Tổng Công ty Thép, Tổng Công ty Lắp máy, Tổng Công ty Xi măng... chiếm 49% vốn điều lệ, còn EVN chiếm 51% vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của công ty này dự kiến là 1.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần mua bán điện có nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo kinh doanh có lãi và chịu trách nhiệm cung ứng, đáp ứng đầy đủ điện cho các công ty bán lẻ điện.

Cũng theo EVN, vừa qua Ngân hàng Thế giới (WB) có đưa ra mô hình công ty mua bán điện duy nhất là công ty Nhà nước hoạt động phi lợi nhuận. Về mô hình này, EVN có nhận xét như sau:

Nhà nước đang tập trung chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, Công ty Nhà nước chuyển sang mô hình cổ phần, muộn nhất đên 2010 tất cả các doanh nghiệp đều phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Công ty Nhà nước hoạt động khó hoà nhập với thị trường, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tính thanh khoản không cao, có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình mua bán điện, khó khăn về nguồn vốn hoạt động.

Vì vậy EVN kiến nghị thành lập công ty mua bán điện theo mô hình cổ phần hoá mà EVN đã đề xuất hoặc thành lập công ty cổ phần không có sự tham gia của EVN làm cổ đông, thành lập công ty nhà nước hoạt động phi lợi nhuận, nhưng phải có cơ chế khắc phục các nhược điểm nêu trên.

Ý kiến của các thành viên trong cuộc họp đều cho rằng việc thành lập công ty mua bán điện là điều cần thiết trong thị trường điện cạnh tranh, nhưng việc thành lập vào khi nào, theo mô hình nào và mục tiêu ra sao là 3 vấn đề lớn cần xem xét.

Sớm hay đã vừa?

Về thời điểm thành lập công ty mua bán điện, ý kiến của Bộ Công nghiệp cho rằng đúng như EVN  trình bày, hiện nay những điều kiện tiên quyết như hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng... chưa đủ cho công ty mua bán điện hoạt động. Những điều kiện hiện có thì không thoả mãn và chắc chắn, vậy việc thành lập công ty mua bán điện vào thời điểm này có quá sớm không?

Về mô hình công ty mua bán điện, đại diện Bộ Tài chính đặt câu hỏi, mô hình công ty cổ phần có nhất thiết? Hiện nay giá điện vẫn do Nhà nước quản lý, vậy các mô hình đưa ra có vận hành được không và giải quyết những bức xúc khó khăn gì?

Và cuối cùng là mục đích thành lập công ty liệu nó có giải quyết được vấn đề không minh bạch, độc quyền hiện nay và liệu có đáp ứng được việc cung cấp điện cho đất nước? Việc chuyển trách nhiệm cung cấp điện từ EVN sang cho 1 doanh nghiệp hoạt động độc lập khác có giải được bài toán độc quyền không hay lại nặng nề hơn?

Các ý kiến thảo luận chủ yếu được đặt ra dưới dạng câu hỏi và bằng miệng. Cuộc họp kết thúc với một điểm thống nhất là sẽ có ý kiến đóng góp chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Công nghiệp.

  • Trần Thuỷ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,