221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
959612
Quặng có đủ cho các lò luyện phôi thép?
1
Article
null
Kỳ II:
Quặng có đủ cho các lò luyện phôi thép?
,

(VietNamNet) - Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, song song với việc bùng nổ các dự án đầu tư vào sản xuất thép thì 6 tháng đầu năm 2007 cũng bùng nổ hàng loạt các dự án sản xuất phôi thép bằng công nghệ lò cao (sử dụng nguyên liệu là quặng sắt) với công suất lên đến hơn 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến lo ngại về quặng nguyên liệu đầu vào và vấn đề môi trường.

>> Kỳ I: Bùng nổ phôi thép

Có ý kiến nói rằng, hiện VN mỗi năm xuất cho Trung Quốc tới trên 2 triệu tấn quặng. Lượng quặng lớn này có thể thu mua dễ dàng trong nền kinh tế thị trường. Nhưng kinh nghiệm vận hành lò cao ở VN và các nước cho thấy, lò cao không thể sử dụng quặng tuỳ tiện. Chất lượng quặng cho vào lò cao để lò chạy ổn định, không bị sự cố, thì quặng phải được trung hòa đồng đều thành phần, chất lượng phải tốt, nếu không sẽ không còn tính cạnh tranh vì giá gang sẽ rất cao. Chính vì lẽ đó, chất lượng quặng thu mua trôi nổi không đáp ứng được yêu cầu nói trên.

Hiện nay, với trào lưu các địa phương có mỏ quặng sắt, do quản lý yếu kém nên dân khai thác tuỳ tiện để xuất khẩu. Ngoài việc làm huỷ hoại môi trường trầm trọng, phá nát tài nguyên thiên nhiên còn gây cho nhiều người ảo tưởng VN có nhiều quặng sắt dồi dào, cứ xây dựng lò cao là sẽ có quặng. Điều đó là rất nguy hại vì ngay như 1 số lò cao 20-30m3 ở Thái Nguyên và Bắc Cạn mới xây gần đây đã có lúc phải dừng lò vì không đủ quặng.

Sản xuất thép tại Nhà máy Thép Lưu Xá Công ty Gang thép Thái Nguyên (Ảnh minh họa)


Công ty Gang thép Thái Nguyên khi quyết định đầu tư mỏ sắt Ngườm Tráng (Cao Bằng) đã  thăm dò lại tỷ mỷ, trữ lượng quặng của mỏ đã giảm còn ½ so với đánh giá của báo cáo địa chất. Vận hành lò cao khác với lò điện, khi đã bắt đầu khai lò thì 8 đến 10 năm mới dừng lò để đại tu, không thể ngừng lò bất kỳ để chờ quặng.

Các dự án đầu tư vào thép 6 tháng đầu năm 2007

Nhà máy cuộn cán nóng liên doanh giữa Tổng Công ty Thép VN và ESSAR (Ấn Độ) tại Bà Rịa - Vũng Tàu công suất 2 triệu tấn; Nhà máy cán nguội 1,2 triệu tấn/năm và cuộn cán nóng 3 triệu tấn/năm của POSCO (Hàn Quốc) xây dựng tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhận giấy phép đầu tư 11/2006, đang san lấp mặt bằng và dự kiến ngày 1/8/2007 động thổ chính thức; Nhà máy liên hợp Thép Hà Tĩnh (gắn với mỏ sắt Thạnh Khê) liên doanh giữa TATA (Ấn Độ) với Tổng Công ty Thép VN sản xuất thép cuộn cán nóng cán nguội, thép tấm… với công suất dự kiến 4,5 triệu tấn/năm, vừa được ký bản ghi nhớ  tại Ấn Độ; Nhà máy thép liên hợp liên doanh giữa POSCO (Hàn Quốc) với Vinashin công suất dự kiến 5 triệu tấn/năm sản xuất thép tấm thép cuộn cán nóng, cán nguội dựa trên công nghệ Finex, đã được ký bản ghi nhớ tháng 5/2007, địa điểm đang trong giai đoạn khảo sát để lựa chọn.
Nếu xây dựng lò cao dựa vào quặng nhập thì phải nghĩ tới nguồn quặng nhập ở đâu? Các nước xuất quặng hiện nay là Úc, Brazil, Ấn Độ... đều ở xa VN. Muốn nhập quặng giá rẻ phải có tàu lớn, có cảng biển nước sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn trên 7 vạn tấn để có quặng giá rẻ, phải có cảng chuyên dụng vì quặng và than rất bụi bẩn không thể sử dụng chung ở cảng tổng hợp, những điều kiện ấy, VN chưa sẵn sàng, cần phải thận trọng khi quyết định địa điểm xây dựng Khu liên hợp luyện gang - luyện thép có nhập quặng từ nước ngoài.

VN gần như không có than mỡ để luyện than cốc cho luyện kim. Khu Gang thép Thái Nguyên chỉ có mỏ than mỡ nhỏ, phải nhập thêm than cốc của Trung Quốc và gặp không ít khó khăn vì chất lượng than cốc nhập khẩu. Các lò cao xây dựng sau này, chắc chắn cũng phải sử dụng than cốc nhập khẩu. Vì vậy phải suy nghĩ kỹ lưỡng đến vấn đề này khi quyết định quy mô sản xuất lò cao. Trung Quốc cũng có chính sách hạn chế xuất khẩu than cốc luyện kim vì sản xuất than rất ô nhiễm. Nhập than cốc chính phẩm của Trung Quốc phải có sự chấp thuận của Chính phủ nên không dễ dàng. Nhập than cốc địa phương của Trung Quốc thì chất lượng lại xấu, tiêu hao than cho luyện gang rất cao, nên giá thành gang không còn tính cạnh tranh.

Những dự án đầu tư nêu ở phần trên, trừ các dự án liên doanh hoặc 100% của nước ngoài có dự định lựa chọn các thiết bị công nghệ hiện đại có quy mô lớn, phổ biến ở các liên hợp luyện kim các nước như lò cao 2.000-3.000m3, lò thổi luyện thép trên 100 tấn/mẻ... Đây là những thiết bị đã được thừa nhận hoạt động có hiệu quả trong các liên hợp luyện kim trên thế giới.

Nhưng các công ty luyện gang thép ở VN, do bị hạn chế về vốn đầu tư nên hầu hết chọn các thiết bị công nghệ có công suất nhỏ, do Trung Quốc chế tạo. Nếu nghiên cứu kỹ “Chính sách phát triển của ngành công nghiệp thép Trung Quốc” ban hành ngày 20/7/2005 thì Trung Quốc đã cấm vận hành các thiết bị có công suất nhỏ như vậy (lò cao dưới 300m3, lò thổi oxy và lò điện dưới 20 tấn/mẻ).

Sở dĩ Trung Quốc phải cấm các thiết bị này hoạt động vì tiêu hao than, tiêu hao điện, tiêu hao nước làm mát... đều cao, nên giá thành không còn tính cạnh tranh. Việc đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường là rất đắt, nó không tương xứng với quy mô đầu tư các thiết bị công nghệ công suất nhỏ, nếu vận hành, thì giá thành thép lại không chịu đựng được vì tiêu hao năng lượng sẽ rất cao.

Trong chính sách mới của Trung Quốc về công nghiệp thép, họ quy định ngay từ cuối năm 2005, tiêu hao than phải dưới 0,7 tấn/tấn gang (của VN ở mức gần 1 tấn/tấn gang). Việc xây dựng nhà máy thép ở đất liền phải xây lò cao trên 1.000m3, lò thổi ôxy trên 120 tấn/mẻ, lò điện trên 70 tấn/mẻ. Còn nếu xây dựng ở vùng bờ biển thì lò cao không được dưới 3.000m3, lò thổi oxy không dưới 200 tấn/mẻ. Những năm gần đây, Trung Quốc đang cải tổ lại ngành luyện kim trong nước, việc đưa các thiết bị luyện kim bị thải loại hoặc Trung Quốc cấm hoạt động ra các nước là tất nhiên, các nước Đông Nam Á không nước nào chấp nhận đầu tư các thiết bị có quy mô nhỏ như vậy vì họ có đủ kinh nghiệm với môi trường cạnh tranh trong hội nhập kinh tế. 

  • Trần Thủy
     
    Ý kiến của bạn:
     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,