221
442
Kinh tế - Thị trường
kinhte
/kinhte/
960684
Tính thuế: Không thể bỏ qua lạm phát!
1
Article
null
Tính thuế: Không thể bỏ qua lạm phát!
,

(VietNamNet) - Một nguyên tắc tính thuế thu nhập cá nhân, nhất là thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng vốn và bất động sản... là tính trên phần giá trị tăng thêm. Nghĩa là lấy giá bán trừ đi giá mua cùng các chi phí làm tăng giá trị khác. Phần giá trị tăng thêm sẽ được dùng để tính thuế. Tuy nhiên, với thực tế lạm phát cao như hiện nay thì yếu tố trượt giá cần tính đến trong tính thuế thu nhập cho người dân.

Trên đây là ý kiến được đề xuất trong buổi góp ý cho dự thảo Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 20/7/2007.

Tính thuế, cần tính cả trượt giá do lạm phát

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng lấy ví dụ, một tài sản là đất đai được mua với giá hiện tại là 100 triệu đồng, hai năm sau bán với giá 200 triệu đồng. Theo quy định cơ quan thuế sẽ lấy giá bán trừ đi giá mua, có trừ thêm các chi phí làm tăng giá trị. Phần giá trị tăng thêm sẽ được dùng để tính thuế. Như vậy, cơ quan thuế mới quan tâm đến số lượng mà chưa quan tâm đến bản chất giá trị.

Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng do trượt giá. (Ảnh: Phước Hà)

Theo kế hoạch, từ nay đến 2009, Chính phủ sẽ có 1 - 2 lần điều chỉnh lương, trong đó yếu tố trượt giá đã được tính đến. Vậy, nên chăng trong cách tính thuế cũng cần chú ý đến trượt giá làm giảm giá trị thu nhập của cá nhân chịu thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức - Ngân hàng Hàng Hải cũng cho rằng, phải quy định cụ thể nguyên tắc nâng mức khởi điểm thu nhập chịu thuế theo chỉ số lạm phát và giá cả và theo đó cũng nâng các mức khác lên tương ứng. Nếu quy định cứng 1 con số thì sau 4 - 5 năm thực hiện, giá cả khi đó đã tăng lên nhiều, không còn phù hợp. Do đó cần quy định sao cho có thể điều chỉnh kịp thời, tránh khỏi việc tăng thuế "ngầm".

Đồng tình với việc đưa lạm phát vào việc tính thuế thu nhập cá nhân, Luật sư Đào Nguyên Khải - Văn phòng Luật sư Đào và đồng nghiệp đề xuất, nên quy định giảm trừ gia cảnh theo một con số tương đối, có thể theo lương tối thiểu Chính phủ ban hành. Ví dụ, đối với cá nhân nộp thuế là 10 tháng lương tối thiểu, người ăn theo là 5 tháng lương. Như vậy, sẽ tính đúng hơn và không phải sửa luật khi giá cả biến động.

Giám đốc DN tư nhân chịu thuế TNCN hay thuế TNDN?

Theo Luật sư Cao Bá Khoát, Thuế thu nhập cá nhân theo quy định là đánh vào thu nhập riêng của từng cá nhân. Tuy nhiên, trong dự thảo có quy định đánh thuế chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể là còn thiếu rõ ràng. Thu nhập của hộ sản xuất kinh doanh là thu nhập chung của cả hộ. Một hộ kinh doanh có thể có 4 - 5 người chứ không riêng gì chủ hộ. Vậy phải tính thuế thế nào, chủ hộ phải chịu thuế cho cả hộ hay chỉ phần thu nhập riêng của mình.

"Ban soạn thảo cần cầu thị hơn"

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký VAFI cho biết, từ năm ngoái, Hiệp hội VAFI đã liên tục có các văn bản đề xuất thay đổi các quy định về thuế và cách tính thuế TNCN đối với kinh doanh chứng khoán.

Các ý kiến được đưa ra bằng văn bản hay tại các diễn đàn đều có dẫn giải khoa học và kinh nghiệm các nước khu vực gần chúng ta.

Tuy nhiên, đến nay, các ý kiến đều không được chấp nhận.

Ông Hải đề nghị ban soạn thảo cần cầu thị hơn. Soạn thảo chính sách đưa ra mà người dân bất bình, đề xuất khống sửa đổi thì cũng cần xem lại.

Một gia đình chạy xe khách, không thành lập DN, chồng lái, con phụ xe, vợ thu tiền... có thu nhập 20 triệu mỗi tháng. Nhưng con số này nếu tính cho thu nhập một mình chủ hộ là người chồng (bố) là không hợp lý vì ôtô là tài sản chung gia đình, thu nhập có được là thành quả của cả nhà.

Ông Khoát cho rằng, cần làm rõ đâu là thu nhập chủ hộ, đâu là của thành viên. Chỉ khi nào thu nhập chung của cả hộ chia cho mỗi thành viên mới là thu nhập cá nhân. Và thật vô lý nếu tính thuế thu nhập cá nhân chung cho cả hộ. Tương tự, đối với thu nhập của tổ hợp tác là thu nhập chung của nhiều thành viên, không thể tính thuế thu nhập riêng cho bất cứ thành viên nào.

Đặc biệt, theo ý kiến của nhiều luật sư, có một điểm rất không công bằng là trong dự thảo lần này đã chuyển các chủ hộ sản xuất, kinh doanh cá thể từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sang thuế TNCN nhưng lại không đánh thuế TNCN đối với chủ DN tư nhân. Bởi vì về cơ bản thu nhập của chủ DN tư nhân và chủ hộ kinh doanh là giống nhau. DN tư nhân chỉ hình là thức kinh doanh khác mà thôi.

Theo Luật sư Khoát nên chấp nhận chủ DN tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty tính thuế theo thuế TNCN. Không nên áp dụng thuế TNDN như hiện nay đối với họ. Thậm chí, nếu duy trì như dự thảo thì chủ DN tư nhân có thể phải chịu hai lần thuế là thuế TNDN thu theo công ty và thuế TNCN thu theo thu nhâp cá nhân.

Hơn nữa, theo Luật sư Trương Văn Tuyến - Đại học Luật Hà Nội, về mặt pháp luật thì trong Luật DN 2005, doanh nghiệp tư nhân cũng không được coi là một loại công ty. Vì vậy, việc chuyển cá nhân chủ DN sang nộp thuế TNCN là có sơ sở khoa học.

Thuế chứng khoán: Không thể căn cứ vào cơn sốt nhất thời!

Vấn đề tranh cãi lớn nhất về thuế TNCN vẫn tiếp tục diễn ra về việc có đánh thuế với thu nhập từ chứng khoán hay không. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã tiếp tục có những đề xuất về nguyên tắc tính thuế và phương pháp tính thuế hợp lý hơn đối với đầu tư chứng khoán. Theo đó, việc đánh thuế phải đảm bảo sự phát triển của thị trường. Nếu áp đặt thuế quá cao thì thị trường sẽ khó phát triển, DN khó thu hút vốn và có thể khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ. VAFI cho rằng, có thể tham khảo mô hình không áp dụng đánh thuế chứng khoán hoặc đánh thuế rất thấp của các nước trong khu vực. Đồng thời đề xuất không nên đánh thuế từ kinh doanh các loại trái phiếu.

Ồng Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký VAFI cho rằng, mặc dù thuế TNCN đến 2009 mới có tác dụng nhưng từ bây giờ đã có tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Nếu cuối năm nay luật thuế này ra đời theo kịch bản hiện nay là sẽ có rất nhiều người sẽ rút lui. Thị trường chứng khoán có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Dòng tiền nhàn rỗi sẽ đi đâu? Có thể lại quay về bất động sản khiến giá đất tăng cao và tạo nên những rào cản cho sản xuất kinh doanh.

Luật sư Trần Đình Triển cũng cho rằng, việc áp thuế chứng khoán như dự thảo, sắc thuế mới tập trung cho chức năng tăng thu mà chưa thể hiện chức năng điều tiết sản xuất. Ông Triển nhấn mạnh, đừng nên nhìn cơn sốt bong bóng vừa qua để lấy cơ sở làm thuế. Nếu cứ như thế này mà đánh thuế thì có thể thị trường sẽ đóng cửa, mất thị trường, mất cơ hội đầu tư.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuyến thì cho rằng, cần cân nhắc thuế chuyển nhượng chứng khoán. Thời gian qua có nhiều người giàu nhanh lên nhờ chứng khoán nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời chứ không phải thường xuyên và ổn định. Vì vậy, có thể đưa khoản thu nhập này vào nhưng cần phải giảm thiểu những tác động của nó. Cách tốt nhất là cần xây dựng một lộ trình và xem xét một mức thuế hợp lý.

  • Phước Hà
    Ý kiến của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,