(VietNamNet) - Trong đợt tổ chức lấy ý kiến về dự thảo luật thuế thu nhập cá nhân từ 15/6 đến 15/8/2007, đã có nhiều cuộc hội thảo từ thành phố này đến tỉnh nọ, từ viện nghiên cứu này đến ủy ban kia. Phí tổn về tiền bạc và thời gian cho các cuộc hội thảo này chắc chắn không phải là ít.
>>> Thảo luận thuế: Cơ hội để Chính phủ hiểu dân hơn
>>> Thảo luận thuế: Cơ hội để dân hiểu Chính phủ hơn
>>> Ngưỡng bắt đầu chịu thuế: không có cơ sở?
Tuy nhiên, theo dõi các cuộc thảo luận, có thể thấy điều đáng tiếc là hiệu quả thấp, do những cuộc thảo luận đã vội vàng bắt đầu trước khi làm rõ những cơ sở cần thiết nhất.
Thảo luận trên cơ sở hiểu lầm
Thứ nhất, đây có phải là thuế mới hay không? Sắc thuế này đã và đang áp dụng tại Việt Nam từ năm 1991 với tên “pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao”. Đến nay chỉ là chuyển từ pháp lệnh sang luật. Do không làm rõ điều này nên gây cho dư luận lo ngại “lại thêm một thứ thuế mới”.
Thứ hai, mức thuế trong dự thảo thấp hơn so với biểu thuế hiện tại. Một người có thu nhập trên 5 triệu đồng, hiện nay phải nộp 10% phần thu nhập vượt trên 5 triệu và lũy tiến theo thu nhập, bất kể anh ta phải nuôi bao nhiêu con. Theo dự thảo mới, nếu anh ta phải nuôi 1 con thì đến 5,6 triệu mới bắt đầu chịu thuế với mức khởi điểm chỉ 5%, càng nhiều con thì thuế càng giảm.
Một minh họa về mức thuế hiện tại và mức thuế trong dự thảo, áp dụng cho một cá nhân có nuôi thêm một người phụ thuộc. |
Thứ ba, liệu có phải nước nghèo thì không nên thu thuế? Sắc thuế này đã và đang áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới, từ những nước còn nghèo không kém Việt Nam như El Salvador, Papua New Guinea, Ethiopia... Từ thế kỷ 18, Benjamin Franklin (người tham gia viết Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ) đã phát biểu “chỉ có hai điều chắc chắn không tránh khỏi, đó là cái chết và thuế”. Lúc đó chắc chắn dân Mỹ còn nghèo hơn dân ta hiện nay.
Thứ tư, thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, luôn mang tính lũy tiến: người giàu hơn phải đóng góp với tỉ lệ cao hơn. Vì vậy, tuy loại thuế này nhạy cảm hơn và khó thu hơn, nhưng công bằng hơn so với thuế gián thu (đánh lên hàng hóa và tiêu dùng).
Một ví dụ đơn giản: anh A thu nhập 15 triệu đồng/tháng, anh B thu nhập 1 triệu đồng/tháng, nhưng khi ăn uống thì dạ dày hai người cũng chẳng khác nhau mấy. Với thuế thu nhập, A sẽ phải chịu thuế suất cao hơn B (còn gọi là thuế lũy tiến). Nhưng với thuế lương thực, A và B cùng chịu số thuế như nhau, kết quả là tỉ lệ đóng góp của A thấp hơn của B (còn gọi là thuế lũy thoái.)
Cũng vì vậy, một xã hội càng văn minh thì càng có xu hướng chuyển từ thuế gián thu sang thuế trực thu.
Những cuộc tranh luận về thuế đã diễn ra hàng trăm năm nay (ảnh minh họa: www.yannone.org)
Thảo luận trên cơ sở lạc hướng
Có thể thông cảm với nhiều ý kiến bắt nguồn từ những bức xúc về đời sống, về thu nhập “không khai báo”, về khoảng cách giàu nghèo… Tuy nhiên, có những điều không thể nằm trong phạm vi luật thuế, nên càng thảo luận càng rối!
Thứ nhất, có ý kiến cho là không đánh thuế lợi vốn bất động sản và chứng khoán vì kinh doanh cũng có thể lỗ. Nhưng doanh nghiệp cũng rất nhiều khi kinh doanh bị lỗ, nếu căn cứ trên lập luận này thì có lẽ nên bỏ luôn luật thuế thu nhập doanh nghiệp!
Thứ hai, việc người đóng thuế phải được bảo đảm trợ cấp khi khó khăn là một ý kiến rất chính đáng. Nhưng trợ cấp thuộc lĩnh vực chi ngân sách, phải thuộc bộ luật khác. Có lẽ đến nay cũng không có nước nào trên thế giới lại đưa vấn đề trợ cấp vào luật thuế.
Thứ ba, phải thừa nhận là còn nhiều người có thu nhập không khai báo (và nhiều khi là không thể khai báo!) Tuy nhiên, luật thuế thu nhập không thể “bao” cả những vấn đề này, mà đó phải thuộc lĩnh vực của luật Thi hành thuế. Thậm chí nhiều loại thu nhập thuộc lĩnh vực của luật Chống tham nhũng hay luật Hình sự!
Có những điều đáng thảo luận hơn
Những cuộc thảo luận bị tập trung quá nhiều vào những chi tiết như có đánh thuế hay không, hay ngưỡng chịu thuế bao nhiêu là vừa… Trong khi đó, có những điều đáng thảo luận hơn lại vẫn chưa đề cập đến.
Một trong những tiêu chí của thuế là không gây biến dạng các hoạt động kinh tế. Nếu các loại hình thu nhập có cùng bản chất như nhau lại chịu mức thuế khác nhau, sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế tập trung vào lĩnh vực chịu thuế thấp hơn.
Ví dụ như cùng là tiền cho vay, nếu một người cho ngân hàng vay thì tiền lãi không chịu thuế, nhưng nếu cho danh nghiệp vay (dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp) thì lãi lại chịu thuế. Các công ty sẽ khó huy động vốn trực tiếp từ người dân.
Hay ví dụ khác, một hộ gia đình kinh doanh, nếu khai thuế theo hình thức doanh nghiệp thì chịu thuế thu nhập với mức thuế cố định 28%, nếu khai thuế theo thu nhập cá nhân thì chịu thuế lũy tiến từ 0% đến 35%. Ai sẽ muốn thành lập doanh nghiệp và ai sẽ không muốn?
Thảo luận bao nhiêu là đủ?
Theo quan điểm của người viết bài này, bản dự thảo tuy còn một số điểm chưa thật hoàn chỉnh, nhưng đã là bản hoàn thiện nhất và hợp lý nhất so với những pháp lệnh thuế trước đây, cũng như so với nhiều dự thảo luật khác.
Một quan chức nói “…dự thảo luật thuế, hết tranh cãi mới trình Quốc hội”. Ở các nước đã có luật thuế hàng chục năm hay hàng trăm năm trước Việt Nam, những tranh cãi về thuế vẫn chưa bao giờ chấm dứt.
Cũng nên xác định khẩu hiệu “nộp thuế là quyền lợi và nghĩa vụ” chỉ có tính động viên tinh thần. Trên cả thế giới này, ít ai muốn nộp thuế. Nhưng cả thế giới này, chính phủ nào cũng phải thu thuế. Chỉ khác là, trong một hệ thống tổng thể, khi thêm thuế trực thu và bớt thuế gián thu, hệ thống sẽ công bằng hơn do ít lũy thoái hơn.
Trên thực tế, thuế gián thu (đánh vào hàng hóa và dịch vụ) ở nước ta đang và sẽ phải giảm, không phải chỉ vì công bằng mà còn theo các cam kết hội nhập quốc tế.
Tất nhiên vẫn có thể bỏ thuế, như đã từng có ý kiến đề nghị. Còn chính phủ, để có ngân sách hoạt động, thì phải đi vay trong nước và ngoài nước. Và người trả nợ chính là thế hệ con cháu chúng ta.
-
Bùi Văn
Ý kiến của bạn về những cuộc thảo luận đang diễn ra?