(VietNamNet) - Bộ Công nghiệp đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện.
>> Khởi động thị trường điện cạnh tranh
>> Lo ngại quanh mô hình công ty cổ phần mua bán điện
>> Công ty mua bán điện: Sẽ theo mô hình nào?
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp đã chủ trì tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính.
Cuộc họp đã nghe Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo về Đề án thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện và đã trao đổi, phân tích nhiều khía cạnh ưu, nhược điểm của mô hình đề xuất. Bộ Công nghiệp đã yêu cầu các Bộ, ngành liên quan có góp ý chính thức bằng văn bản.
Bộ Nội Vụ đã có ý kiến chính thức không đồng ý với đề xuất thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện. Đề nghị xem xét thành lập Công ty mua bán điện theo mô hình công ty hạch toán độc lập và đi kèm với ban hành các cơ chế tài chính, trợ giá để đảm bảo không bị lỗ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không đồng ý với đề xuất thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện. Đề nghị xem xét thành lập Công ty mua bán điện dưới hình thức Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước để phục vụ phát triển thị trường điện và đảm bảo các mục tiêu xã hội.
Ý kiến của Bộ Tài chính (tại cuộc họp ngày 10/7/2007) không đồng ý với đề xuất thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện do mô hình này không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị về an ninh cung cấp điện và có nhiều rủi ro tài chính cho Công ty cổ phần Mua bán điện trong khi nhà nước không thể bù lỗ được. Đề nghị xem xét thành lập Công ty mua bán điện dưới hình thức công ty trực thuộc EVN hoạt động theo mô hình hạch toán phụ thuộc từ đây đến năm 2010. Sau 2010, khi đã có đầy đủ các cơ chế giá thay đổi theo chi phí đầu vào thì có thể chuyển mô hình hoạt động của công ty mua bán điện sang mô hình công ty cổ phần.
Nhà máy thuỷ điện Sông Hinh (Ảnh minh hoạ) |
Bộ Công nghiệp cho rằng việc xây dựng và phát triển Thị trường điện cạnh tranh là một yêu cầu khách quan và phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Phát triển thị trường điện nhằm đạt được nhiều mục tiêu, trong đó 2 mục tiêu lớn nhất là đảm bảo cung cấp đủ điện cho việc phát triển kinh tế, xã hội; đạt được giá điện cạnh tranh, khuyến khích các đơn vị điện lực đầu tư và hoạt động có hiệu quả.
Việc hình thành một đơn vị mua điện duy nhất trong thị trường điện nhằm mua toàn bộ điện năng từ các nhà sản xuất điện và bán lại cho các công ty phân phối điện là điều kiện quan trọng để từng bước xây dựng và phát triển Thị trường phát điện cạnh tranh.
Tuy nhiên mô hình Công ty cổ phần Mua bán điện do EVN đề xuất cần được xem xét dưới các khía cạnh về tính phù hợp với khung pháp lý cho phát triển thị trường. Theo Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/1/2006 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện tại Việt Nam: “Trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh các nhà máy điện thuộc EVN được tách thành các đơn vị phát điện độc lập (không có chung lợi ích kinh tế với đơn vị mua duy nhất, đơn vị truyền tải và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện) dưới dạng các công ty nhà nước hoặc các công ty cổ phần”.
Như vậy, việc lựa chọn mô hình cổ phần cho Công ty mua bán điện với các cổ đông đại diện cho cả bên bán (các công ty phát điện) và bên mua (các công ty phân phối điện) là không phù hợp với nội dung của Quyết định 26/2006/QĐ-TTg. Đồng thời, mô hình cổ phần này tiềm ẩn sự bất bình đẳng, công bằng trong ký kết hợp đồng và điều độ vận hành đối với các đơn vị điện lực không phải là cổ đông sáng lập.
Về việc bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện giá bán điện còn chưa phản ánh đúng và đủ các chi phí kinh tế của hoạt động điện lực thì việc thay thế vai trò của một Tập đoàn nhà nước là EVN bằng một Công ty cổ phần Mua bán điện hoạt động vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận sẽ đẩy toàn bộ các rủi ro về tài chính sang các công ty phân phối điện là các đơn vị đang phải bán điện với giá bán do Nhà nước qui định.
Một hệ thống như vậy không thể bảo đảm hoạt động bình thường và bền vững được. Nhất là một số công ty phân phối điện tới đây nếu cũng chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần thì sức ép về việc tăng giá điện đột biến là không tránh khỏi và điều đó sẽ làm ảnh hưởng nghiệm trọng đến an ninh cung cấp điện và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài mô hình Công ty cổ phần Mua bán điện, EVN cũng đã đề xuất thêm “Mô hình Công ty nhà nước hoạt động phi lợi nhuận nhưng phải có cơ chế khắc phục các nhược điểm của công ty này”. Trong mô hình hoạt động ngành điện tại thời điểm hiện nay, thực chất EVN đang đóng vai trò này, vai trò của một công ty nhà nước hoạt động với lợi nhuận chỉ đủ để hoàn trả các khoản vay để đầu tư phát triển hệ thống điện, vai trò của một Công ty mua bán điện - Đơn vị mua bán buôn điện duy nhất, thực hiện mua buôn điện của các nhà máy điện trong và ngoài EVN và bán buôn điện cho các công ty phân phối điện để bán lẻ điện đến các hộ tiêu thụ.
Với những phân tích ở trên, mô hình Công ty mua bán điện do EVN đề xuất là mô hình cổ phần hoạt động vì mục đích lợi nhuận tại thời điểm hiện nay là chưa hợp lý, có thể gây xáo trộn lớn trong khâu mua bán điện, tiềm ẩn khả năng rủi ro tài chính, tạo ra nguy cơ tiềm ẩn gây tăng giá điện và đe doạ an ninh cung cấp điện. Vì vậy Công ty mua bán điện không thể là Công ty cổ phần với bất cứ thành phần cổ đông nào.
Bộ Công nghiệp kiến nghị không phê duyệt Đề án thành lập Công ty cổ phần Mua bán điện.Giao EVN tiếp tục thực hiện chức năng Người mua điện duy nhất như hiện nay cho đến khi hình thành được thị trường điện cạnh tranh như lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
-
Trần Thuỷ