(VietNamNet) - Sau khi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (Quatest) thông báo hủy kết quả kiểm định của chính cơ quan này đưa ra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho rằng Sở không phải chịu trách nhiệm trong việc phạt doanh nghiệp. Còn Giám đốc Quatest 3 cho rằng "người sử dụng kết quả kiểm định" phải chịu trách nhiệm.
>> Phạt gần 40 triệu đồng 3 cơ sở nước mắm dùng urê
>> Nước mắm có urê: Kết quả thử nghiệm là... chưa chính xác!
Sự việc đảo chiều?
Ngày 2/8, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở sản xuất sản phẩm nước mắm với tổng số tiền phạt là 39.650.000 đồng.
Ngày 03/8, Trung tâm Tiêu chuẩn Kỹ thuật Đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) cho biết cùng trong ngày 2/8 đã có văn bản gửi Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, thông báo về việc thu hồi lại kết quả kiểm định các mẫu urê trong nước mắm.
Văn bản này thông báo lý do: “Chúng tôi đã tiến hành thu hồi lại các kết quả trên do có nghi ngờ về kết quả thử nghiệm hàm lượng urê của các mẫu nói trên vì hàm lượng urê khá cao”. Văn bản này còn cho biết: “Các tài liệu cho thấy rằng phương pháp trên dễ bị ảnh hưởng đối với các mẫu có chứa nhiều amino acid (trong trường hợp này là nước mắm)”.
Ngay trong ngày 4/8, phóng viên VietNamNet đã liên hệ các cơ quan trên và các doanh nghiệp bị phạt để làm rõ trách nhiệm của mỗi bên.
Chiết chai, dán nhãn ngay trên sàn nhà tại một cơ sở nước mắm (Ảnh: H.Cát)
Doanh nghiệp chỉ yêu cầu đính chính
Ông Nguyễn Hữu Song, người nhà của chủ cơ sở sản xuất Hòn Mê, đơn vị bị phạt 12,5 triệu, nói rằng khi nhận được thông báo xử phạt, ông không hiểu tại sao. Ông Song cho biết, cơ sở này sản xuất 200 - 300 tấn nước nước mắm xuất sang các nước Châu Âu và Mỹ. Mỗi khi xuất xưởng, cơ quan kiểm định đều lấy mẫu ngẫu nhiên về kiểm tra. Có kết quả kiểm tra, ông mới đưa nước mắm đi các nước được.
“Tôi chẳng thể nào làm việc này. Các nước Mỹ và châu Âu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao, không thể làm ăn gian dối được”.
Ông Song cho biết, một số nước như Anh, Pháp còn cẩn thận yêu cầu ông chiếu tia diệt khuẩn. Riêng Hoa Kỳ thậm chí còn cấp cho ông mã code nhập khẩu.
“Chỉ cần một sơ suất nhỏ, là tôi có thể bị mất thị trường” - ông Song nói.
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ cơ sở Thuận Tiến, đơn vị bị phạt trên 17 triệu đồng, khi nhận được tin này cũng có ý nghĩ tương tự ông Song. Ông Tiến nói rằng tất cả nước mắm đều có thể có urê cả, do nhiều lý do khác nhau, nên việc Sở Y tế không thẩm định, xem xét thêm mà ra ngay quyết định xử phạt là hơi vội vàng.
Các cơ sở sản xuất nước mắm có tên trong "bảng phong thần" đợt này và đặc biệt là 3 cơ sở bị xử phạt cho rằng họ bị thiệt hại lớn không phải là số tiền phạt mà là uy tín thương hiệu. “Tôi sản xuất một năm vài trăm tấn, chỉ cần bị khách hàng quay lưng, mất đi vài hoặc mươi phần trăm mãi lực, là có nguy cơ đổ vỡ” - ông Song nói.
Ông Song nói rằng, mặc dù ông khẳng định không hề bỏ urê vào nước mắm, nhưng khi nhận kết quả xử phạt ông vẫn chấp hành, sau đó dự định sẽ làm văn bản phản hồi và kiến nghị cấp trên giải quyết.
Đề nghị giải quyết hiện giờ của các cơ sở cũng không quá đỗi khắt khe. Ông Song và ông Tiến chỉ đề nghị cơ quan chức năng có thông báo lại trên các phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin họ bị vi phạm và xử phạt.
“Tuy nhiên, nếu cơ quan đã từng đưa ra kết quả và xử phạt chúng tôi không có thông tin bổ sung trên báo chí, chúng tôi sẽ yêu cầu tới cùng” - ông Song cho biết.
Sau nước tương có 3-MCPD, giờ đến nước mắm có urê, cơ quan quản lý làm gì để bảo vệ người dân ngoài việc đổ lỗi qua lại cho nhau? (Ảnh: Đặng Vỹ) |
Không ai có lỗi?
Sau khi có văn bản trên đây của Quatest 3, ngày 3/8 trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức An, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, người ký quyết định xử phạt các cơ sở, đã khẳng định: “Thanh tra Sở Y tế TP.HCM không chịu trách nhiệm về việc xử phạt sai. Trách nhiệm này thuộc về Trung tâm Kỹ thuật 3”.
Theo ông An, Thanh tra đã căn cứ vào kết quả do Quatest 3 đưa sang để xử phạt cơ sở, nên nếu có sai là do Quatest 3.
Nhưng ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật 3, phản bác: “Chúng tôi xét nghiệm và đưa ra kết quả chứ không kết luận. Còn việc cơ quan khác sử dụng kết quả này và việc xử phạt, thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
“Bên tôi có văn bản sang Sở Y tế rồi. Các anh hỏi lại Sở Y tế. Người nào sử dụng kết quả đó để xử phạt cơ sở thì người đó phải chịu trách nhiệm. Sở Y tế công bố xử phạt thì Sở Y tế trả lời về công bố đó”.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng công nhận rằng phương pháp kiểm định mà Quatest 3 sử dụng là “chưa ổn”, và kết quả kiểm định là “chưa ổn định”. Còn văn bản của Quatest 3 đưa sang Sở Y tế thông báo rõ: Việc thu hồi kết quả kiểm định là do “có nghi ngờ về kết quả thử nghiệm hàm lượng urê của các mẫu nói trên vì hàm lượng urê khá cao”.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Xuân Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng, chúng tôi được biết việc Quatest 3 thực hiện công việc kiểm định trên là làm công việc của nhà thầu phụ cho Viện Vệ sinh Y tế công cộng. Như vậy theo quy trình đúng nguyên tắc, nhà thầu chính phải đóng dấu công nhận vào kết quả do nhà thầu phụ đưa ra, và dĩ nhiên xem như đó là kết luận của nhà thầu chính.
Nhưng bác sĩ cũng Mai nói thêm, về mặt kỹ thuật, thì đơn vị xét nghiệm sẽ chịu trách nhiệm. “Vì vậy, họ biết trách nhiệm của mình nên đã có văn bản thu hồi”.
Xem ra, việc đùn đẩy trên đây, khó lòng mà các cơ sở sản xuất có được câu trả lời và nhận trách nhiệm của cơ quan nào!
Bỏ urê vào nước mắm: chuyện thực hay hư?
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Mai và ông Dũng, trong quá trình phân hủy của cá khi làm nước mắm, đạm cá vẫn có thể tự sản sinh ra urê. Bởi bản thân urê cũng là thành phần đạm.
Về việc người sản xuất có bỏ thêm urê vào nước mắm hay không, hiện các nhà khoa học, nhà quản lý rất phân vân. Khó khăn là, các thiết bị máy móc phân tích chỉ phát hiện ra urê, chứ không thể phân biệt được urê nào là tự sinh, urê nào là do nhà sản xuất cho thêm vào!
Ông Song nói, điều quan trọng là pha urê vào nước mắm, cũng chẳng để tạo nên giá trị gì.
Năm 2005, trong buổi làm việc với bà Phạm Kim Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (ASE - trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), tình cờ phóng viên VietNamNet chứng kiến cuộc điện thoại của nhân viên phòng xét nghiệm gọi đến giám đốc. Nội dung cuộc điện thoại báo rằng có phát hiện đạm phân urê trong mẫu kiểm định nước mắm.
Một doanh nghiệp sản xuất đã gửi 9 mẫu sản phẩm đến Trung tâm để xét nghiệm. Trong 5 mẫu xét nghiệm đầu tiên đều phát hiện có đến gần 10% độ đạm urê trong các sản phẩm này. Ban đầu doanh nghiệp phản ứng không chấp nhận kết quả, nhưng trước chứng cứ của máy móc đưa ra, doanh nghiệp này thú nhận rằng đã thu gom sản phẩm của các doanh nghiệp khác đến xét nghiệm.
Giám đốc ASE cho biết, việc cho urê vào nước mắm có thể làm tăng độ đạm lên. Hàm lượng Ni-tơ trong phân đạm urê sẽ đánh lừa được máy móc phân tích và cả khẩu vị người tiêu dùng. Máy móc sẽ cho kết quả lượng đạm đạt yêu cầu, còn người ăn thấy cũng đầy đủ… vị ngọt. Trước đó, nước mắm do một doanh nghiệp xuất khẩu đã bị nước ngoài trả về.
Các cơ sở sản xuất còn đưa ra một lý do nữa là trong quá trình đánh bắt cá, ngư dân vẫn dùng phân đạm urê ướp giữ cá để giữ tươi lâu. Cá này đem chế biến, dư lượng urê sẽ có trong nước mắm. Trong khi đó, việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào là việc rất khó làm.
Cứ như vậy, cơ quan chức năng cũng khó biết đường phán xử. Trong khi đó, chính các cơ quan chức năng cũng không dám chắc việc của mình làm, đổ lỗi qua lại, cuối cùng người tiêu dùng vẫn không có ai tư vấn để lựa chọn được cho mình sản phẩm an toàn.
Thêm một lần nữa, các cơ quan phải tính lại phương pháp giám sát của mình. Sức khỏe cộng đồng hiện đang đặt vào trong tay các nhà quản lý!
-
Đặng Vỹ - Hương Cát
Ý kiến bạn đọc: