(VietNamNet) - Thời gian lấy ý kiến toàn dân về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) đã kết thúc. Các cơ quan soạn thảo và xây dựng luật đã tiếp nhận được nhiều ý kiến phong phú của mọi tầng lớp nhân dân. Đây sẽ là một cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thuế TNCN trình Quốc hội ban hành.
>> Thuế thu nhập: càng thảo luận càng rối
>> Ngưỡng bắt đầu chịu thuế: không có cơ sở?
>>Lấy ý kiến toàn dân 6 nhóm vấn đề về thuế TNCN
Sắc thuế nhạy cảm, nhiều ý kiến đóng góp nhất
Trao đổi với VietNamNet vào ngày 15/8, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Cúc - người trực tiếp tham gia xây dựng và soạn thảo dự luật này từ đầu và tham gia tích cực trong quá trình lấy ý kiến, cho biết:
Tôi đã được tham gia soạn thảo, lấy ý kiến chỉnh sửa bổ sung cho nhiều luật thuế nhưng luật này có nhiều ý kiến tham gia nhất. Các luật khác có động chạm đến nhiều đối tượng nhưng đa số là doanh nghiệp còn Luật TTNCN liên quan trực tiếp đến người dân, đây là loại thuế trực thu vào thu nhập của cá nhân và có mở rộng thêm một số loại thu nhập chịu thuế mới. Vì vậy, ý kiến rất phong phú, có nhiều ý kiến rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn. Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng đánh giá cao sự góp ý của toàn dân, các bộ ngành, các nhà khoa học, các tổ chức... và đây sẽ là cơ sở để ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ và Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Cúc. (Ảnh: Phước Hà) |
Qua quá trình tham gia lấy ý kiến, đâu là vấn đề có nhiều ý kiến đóng góp nhất thưa bà?
- Tập trung nhiều ý kiến nhất là mức giảm trừ gia cảnh bao nhiêu là hợp lý. Trong vấn đề này, có mấy nhóm quan điểm: thứ nhất là đồng ý với mức giảm trừ gia cảnh của dự thảo; thứ hai: đồng ý giảm trừ gia cảnh nhưng hạ xuống để đảm bảo đó là TTNCN chứ không phải thuế thu nhập cao; thứ 3 là đề nghị không có giảm trừ gia cảnh mà có thu nhập là nộp thuế và có thể áp dụng thuế suất 0 - 1 hay 2% để đảm bảo không phải giảm trừ người phụ thuộc vì rất khó tính toán. Có ý kiến đồng ý giảm trừ gia cảnh nhưng mức rất cao để đủ sống, nuôi con đi học và thậm chí cho con đi học nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong giảm trừ gia cảnh, việc xác định người phụ thuộc được coi là vấn đề khó. Nhiều ý kiến đặt vấn đề là làm sao để đảm bảo sự tự giác kê khai và kiểm soát được, cách xác định người phụ thuộc thế nào... Cơ quan thuế có cách gì để giải quyết vấn đề này?...
Về điều này, cơ quan thuế đã cấp mã số cho người nộp thuế rồi (thuế thu nhập cao, thuế của cá nhân kinh doanh) nhưng người nộp thuế cần bổ sung thông tin kê khai cho người phụ thuộc, sau đó sẽ cấp mã số thuế cho người phụ thuộc để đảm bảo không giảm trừ gia cảnh trùng.
Về các vấn đề khác trong 6 nhóm vấn đề lấy ý kiến đã có những ý kiến đóng góp cụ thể nào thưa bà?
- Vấn đề các khoản chịu thuế và không chịu thuế đang có nhiều ý kiến băn khoăn. Dự thảo đưa ra 6 loại thu nhập chịu thuế và 15 loại thu nhập không chịu thuế thì kẽ hở giữa hai loại thu nhập này nằm ở đâu, có thể bị lọt, cùng 1 khoản có người hiểu chịu thuế, có người không... Tất cả những điều này, người dân đang cần được làm rõ ràng và cụ thể hơn.
Hay thu nhập về quà biếu, quà tặng thừa kế... và những vấn đề như: tại sao chỉ có những thu nhập xuất phát từ việc sở hữu cổ phiếu, trái phiếu, quyền sở hữu công ty và bất động sản... chịu thuế còn động sản như xe ôtô, tàu thuyền có giá trị lớn lại không đưa vào. Có ý kiến đề nghị đưa thu nhập từ tài sản bồi thường qua tòa dân sự, nhà đã sử dụng trên 5 năm vào diện chịu thuế. Có ý kiến đề nghị xem lại thu nhập từ lợi tức cổ phần có nên đưa vào diện chịu thuế hay không. Ngoài ra, thuế chuyển nhượng vốn chứng khoán cũng được yêu cầu xem lại mức thuế suất để không quá cao.
Về thuế suất cũng có nhiều ý kiến. Thứ nhất biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thì thuế từ 5 - 35% đã hợp lý chưa. Có ý kiến đề nghị không giảm trừ gia cảnh mà thu thuế từ đồng đầu tiên nhưng hạ thuế suất xuống để ai cũng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Các khoản chi cho các quỹ từ thiện có được trừ khi xác định thu nhập tính thuế không... đều cần phải xem xét.
Bộ Tài chính sẽ làm việc lại với Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội; cơ quan soạn thảo cũng sẽ kết hợp làm việc với Văn phòng Quốc hội và các ủy ban để tập hợp và lựa chọn các ý kiến. Bộ Tài chính và lãnh đạo ủy ban cùng thống nhất cái gì tiếp thu cái gì giải trình. Sau đó sẽ chỉnh sửa và viết báo cáo tiếp thu giải trình, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, UBTVQH xin ý kiến rồi sẽ chỉnh lại dự luật và đề án triển khai...
Quy trình tiếp nhận và xử lý ý kiến
Theo kế hoạch ngày 20/8 sẽ tập hợp các luồng thông tin để báo cáo cơ quan chức năng, trong đó có Ban soạn thảo, Bộ Tài chính.
Hạn chót 20/8: tập hợp các luồng thông tin
Về thời điểm hiệu lực thi hành, chủ yếu tập trung hai nhóm. Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng thời gian áp dụng từ 1/1/2009 là phù hợp. Vì hiện nay, chúng ta đang khuyến khích minh bạch và công khai thu nhập. Luật này ra đời sẽ buộc các cá nhân phải kê khai thu nhập chịu thuế của cá nhân và dần dần chúng ta sẽ quản lý, tiến tới kiểm soát thu nhập.
Hơn nữa, khi có Luật TTNCN thì buộc các luật khác cũng phải ra đời để hình thành một môi trường pháp lý đồng bộ. Cơ quan thuế sẽ có cả năm 2008 và năm 2007 để chuẩn bị. Việc kê khai thuế sẽ được thực hiện vào cuối tháng 3 năm sau tức là áp dụng 1/1/2009 thì việc kê khai quyết toán thuế năm sẽ thực hiện vào 31/3/2010 . Như vậy tổng cộng có 2 năm rưỡi để chuẩn bị.
Nhóm ý kiến thứ 2 cho rằng TTNCN, liên quan đến ý thức người dân. Đa số dân Việt Nam tính tự giác chấp hành pháp luật chưa cao nên chờ khi nào dân tự giác, khi nào đủ điều kiện, đồng bộ các luật... mới thực hiện.
Tuy nhiên, nếu để đủ mọi điều kiện như vậy thì chờ đến bao giờ? Theo kinh nghiệm quốc tế: các nước đã áp dụng hàng trăm năm loại thuế này, không thể ngay một lúc mà có được một luật TTNCN hoàn chỉnh mà phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện dần.. Nhật bản phải mất 50 năm, Việt Nam mình đi sau, học tập được kinh nghiệm có thể mất 20 năm để hoàn chỉnh kể từ khi luật có hiệu lực thi hành.. Chúng ta không mong có ngay 1 bộ luật hoàn chỉnh, nếu không bắt tay vào xây dựng, chờ đủ điều kiện, thì không bao giờ có được bộ luật hoàn chỉnh.
Nhiều ý kiến trái chiều nhất
Vấn đề đánh thuế vào cổ tức, thuế chuyển nhượng vốn có rất nhiều ý kiến phản đối, sau khi nhận được các ý kiến này quan điểm của bà giải thích về vấn đề này thế nào?
- Về ý kiến đánh thuế vào lợi tức cổ phần có thể bị trùng. Theo tôi cần phải giải thích rõ thêm. Đây không phải là trùng mà hai chủ thể nộp thuế khác nhau. Một bên là chủ thể DN phải chịu thuế thu nhập DN, một bên chủ thể cá nhân chịu TTNCN. Ví dụ, nếu DN đó không vay tiền cổ đông, nhà đầu tư mà vay ngân hàng thì khi chi phí họ vẫn hạch toán chi phí, nộp thuế TNDN và ngân hàng cho vay cũng hạch toán doanh thu, nộp thuế thu nhập. Thay vì ngân hàng cho vay, cá nhân đầu tư vào có lãi thì nộp thuế. Đây là hai chủ thể khác nhau nên không phải là trùng.
Đối với thuế chuyển nhượng vốn đầu tư chứng khoán, có nhiều ý kiến cho rằng nên khuyến khích đầu tư, quy định thuế suất 25% là cao và cách tính thuế rất khó vì có lúc lỗ, lúc lãi. Tuy nhiên, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán được lấy lỗ bù lãi và tính cho thu nhập cả năm. Đối với người không cư trú thì đánh thuế chuyển nhượng chứng khoán là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng. Người cư trú nộp thuế 25% trên lãi phát sinh, có thể xẩy ra trường hợp cao hơn mức thuế 0,1%. Vì vậy, có ý kiến là cho được chọn giữa hai hình thức. Điều này cũng có thể nghiên cứu, trình phương án tiếp thu, nhưng nếu được lựa chọn 1 trong 2 phương pháp thì nhà đầu tư phải đăng ký từ đầu năm.
Việc tính thu thuế cũng không phải là khó, hiện nay, theo quy định một nhà đầu tư chỉ được mở một tài khoản tại cơ quan lưu ký. Tất cả các hoạt động mua bán sẽ thực hiện qua tài khoản này nên kết quả lãi lỗ trong năm cũng tính toán được. Cơ quan thuế sẽ áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn, cuối năm kê khai quyết toán. Đối với thu nhập từ cổ tức cùng được khấu trừ qua nhà trả cổ tức.
Với việc có nhiều ý kiến với nhiều quan điểm khác nhau như thế thì có khó khăn cho cơ quan tiếp thu?
- Cũng có những khó khăn, vì phải phân luồng ý kiến, cân nhắc nên lựa chọn nội dung gì? cơ sở nào để tiếp thu hoặc giải trình, làm rõ thêm từng vấn đề, từng ý kiến tham gia.. Do có nhiều ý kiến khác nhau trong cùng một nội dung nên cần phải nghiêm túc nghiên cứu, xin ý kiến các cơ quan chức năng để lưa chọn phương án tiếp thu, phương án bổ sung, giải trình tối ưu nhất.
Đặc điểm của luật này là việc lấy ý kiến thảo luận tại hội trường và xin ý kiến nhân dân, trình xin Quốc hội xem xét biểu quyết thông qua ở cả 2 Khoá của Quốc hội, và là Luật thuế nhạy cảm, có diện điều chỉnh rộng. Vì vậy, những nội dung chuẩn bị tiếp thu, giải trình cần phải chi tiết, cụ thể, có sức thuyết phục cao, có đề án triển khai Luật, đánh giá tác động khi áp dụng Luật, có dự thảo nghị định hướng dẫn của Chính phủ đính kèm….
Trẻ sinh ra đời sẽ có mã số thuế?
Cơ quan thuế có dự định sẽ cấp mã số cho từng người dân. Điều này sẽ thực hiện thế nào?
- Thực ra, việc cấp mã số gắn mã số công dân nếu thực hiện được là điều lý tưởng. Một người chỉ có một mã số từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Với mã số này thì không chỉ cơ quan thuế mà tất cả các cơ quan hữu quan khác đều căn cứ vào đó để quản lý thống nhất.
Tuy nhiên vấn đề cấp mã số công dân không phải cơ quan thuế có thể làm được ngay mà do Chính phủ quyết định giao cho ai thực hiện. Cơ quan thuế rất hy vọng cấp mã số cho toàn dân. Trong lúc chưa có mã số công dân, cơ quan thuế đã thực hiện cấp mã số cho người nộp thuế. Đối tượng nộp thuế thu nhập cao đã được cấp mã số thuế; hộ đang nộp thuế thu nhập DN cũng đã có mã số. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục cấp mã số thuế cho các cá nhân thuộc diện nộp thuế theo Luật TTNCN, đồng thời bổ sung thông tin, hoàn chỉnh lại và nâng cấp hệ thống mã số này đáp ứng yêu cầu quản lý của Luật TTNCN và tiến tới cấp mã số cho người phụ thuộc và để mỗi người phụ thuộc kê khai không bị trùng.
Xin cảm ơn bà!
-
Phước Hà
Ý kiến của bạn đọc: