(VietNamNet) - Cách đây hơn 10 năm, ý tưởng phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, tài chính - ngân hàng với tầm cỡ thế giới đã được nghĩ đến, với viễn cảnh biến hòn đảo xinh đẹp này thành Phuket hay Bali.
Ngày 2/4/2007 tại đảo Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã công bố Quyết định 01/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc thời kỳ 2006-2020. Mục tiêu đề ra là phấn đấu đến 2020 Phú Quốc phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Dự kiến trong năm 2007 - 2008 lượng khách đến Phú Quốc sẽ tăng 40% so với năm 2006.
Phú Quốc - Viên ngọc xinh đẹp của Việt Nam. (Ảnh: dailuctours.com) |
Đây là thời điểm thuận lợi cho du lịch biển Việt Nam phát triển. Các tập đoàn lớn như Starbay, Millennium, Beltax, Berjaya... đang trong tư thế sẵn sàng đầu tư vào Phú Quốc.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng đang thiếu và yếu, nổi bật là giao thông vận tải.
Nhu cầu phát triển hạ tầng
San hô ở khu vực hòn Gầm Ghì, Phú Quốc (www.cesti.gov.vn) |
Để đón 10.000 người/ngày vào năm 2010, sân bay Phú Quốc phải có khả năng tiếp nhận được các loại máy bay loại trung như Boeing767, A320 với tần suất 40 chuyến/ngày.
Dự án 2.500 tỉ đồng xây dựng sân bay quốc tế mới (Dương Tơ) do Vietnam Airlines làm chủ đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Đây là công trình “đột phá” được sự quan tâm nhiều của các nhà đầu tư. Tỉnh Kiên Giang cho biết, một số nhà đầu tư lớn đang chờ sân bay này đi vào hoạt động trước khi yên tâm khởi động những dự án của mình.
Cảng biển: Hiện nay 70% lượng du khách đến Phú Quốc bằng đường biển, con số này sẽ là 200.000 người vào năm 2010.
Khách đến Phú Quốc bằng tàu cao tốc “Superdong” đi từ Rạch Giá và Hà Tiên. Loại tàu này có sức chở từ 171- 289 hành khách, đạt tốc độ 26 hải lý/giờ, từ Rạch Giá đến Phú Quốc mất 2 giờ 35 phút, có thể hoạt động trong thời tiết cấp 6 Beaufort.
Tuy nhiên, những chiếc tàu “Superdong” hiện đại vẫn đang cập vào cầu tạm bằng gỗ trên cảng An Thới. Phú Quốc vẫn chưa có một cảng biển theo đúng nghĩa.
Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT đầu tư một cảng biển tổng hợp trên đảo, có khả năng tiếp nhận tàu khách cỡ trung bình và tàu hàng trọng tải đến 6.000DWT. Dự kiến công trình sẽ khởi công vào năm 2008 và hoàn thành năm 2010.
Cầu đường: Trục đường bộ Bắc- Nam và đường vòng quanh đảo sẽ được xây dựng theo quy hoạch với qui mô phù hợp.
Điện: Phú Quốc sẽ lấy điện từ mạng lưới điện quốc gia trong đất liền chuyển ra bằng cáp ngầm dưới biển. Công trình khoảng 260 triệu USD này nhanh hay chậm còn phụ thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam và điều kiện thi công.
Nước: Phương án xây dựng trên đảo bốn hồ chứa nước (Cửa Cạn, Dương Đông, Rạch Cá, Suối Lớn) dự kiến đến 2015- 2020 sẽ đảm bảo cho Phú Quốc có thể đón 3 triệu khách du lịch/năm. Cũng có phương án lấy nước từ đất liền đưa ra qua đường ống dẫn, đương nhiên sẽ tốn kém hơn và nguồn nước cũng chưa được xác định.
Bảo vệ môi trường
Phú Quốc đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, với 37.000hecta rừng, 12.000hecta thảm cỏ biển và 2.500hecta san hô cần được bảo vệ.
Tuy chưa phát triển ồ ạt, nhưng tình trạng ô nhiễm đã xuất hiện nhiều nơi. Thảm cỏ biển, các bãi san hô đang bị xâm lấn hàng ngày do hoạt động cào xới tìm hải mã, hải long, hải sản để cung cấp cho các nhà hàng.
Chất thải rắn từ sinh hoạt, vỏ sò, vỏ ốc được chất thành đống hay đổ xuống các vịnh quanh đảo. Nước thải đủ loại từ khách sạn, resort và các khu dân cư đều đổ ra biển không qua xử lý.
Với tình trạng trên, không bao lâu nữa, biển Phú Quốc sẽ bị ô nhiễm nặng nề trước khi có khả năng tiếp đón hàng triệu khách du lịch.
Ngay từ hôm nay, Phú Quốc rất cần xây dựng một chiến lược bảo vệ môi trường thật nghiêm khắc. Tất cả hoạt động kinh tế- xã hội trên đảo phải tuân theo phương châm “sử dụng và khai thác” đi cùng “gìn giữ và tái tạo”. Những bài học về ô nhiễm môi trường biển của Hạ Long và Cát Bà đủ để cảnh tỉnh Phú Quốc.
Nhân lực và dân trí
Dự kiến đến 2020, Phú Quốc sẽ có khoảng 200.000 dân, tăng gấp 2,5 lần so với hiện nay và bình quân có 20000- 30000 khách du lịch vãng lai mỗi ngày. Du lịch sẽ trở thành ngành mũi nhọn, với 70.000 – 80.000 lao động có nghiệp vụ.
Trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo là phải giúp người dân có thể chuyển từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp, đồng thời hoà nhập được với lao động nhập cư. Hơn thế nữa, đó là nâng cao dân trí tại địa phương, để hạn chế và xóa bỏ những tiêu cực thường thấy ở các điểm du lịch của Việt Nam.
Thay lời kết
Phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch, giao thương quốc tế, để toả sáng như viên ngọc bích trên vùng biển Tây Nam. Đó là một kỳ vọng lớn đứng trước một cơ hội lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là nhiệm vụ cần đến sự nỗ lực phi thường để huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước, cũng như sự chỉ đạo thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Để nắm bắt cơ hội và đẩy nhanh tiến độ, có lẽ Phú Quốc rất cần một cơ chế đặc biệt, tương đồng với mô hình đặc khu ở một số nước Châu Á, ví dụ: Đặc khu Hải Nam hay Thâm Quyến của Trung Quốc.
-
Ngô Lực Tải (Phó Chủ tịch Hội KHKT Biển TP.HCM)Ý kiến bạn đọc: