(VietNamNet) - Theo kế hoạch, từ 29/8 - 16/9 hệ thống khí Nam Côn Sơn lại ngừng cấp khí để nâng cấp, sửa chữa, điều này cũng có nghĩa là hiện tượng thiếu điện lại xuất hiện.
>> Đáp ứng phụ tải điện tăng 20% là nhiệm vụ nặng nề
>> Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện 2006 - 2015
>>Lại căng thẳng về điện
>>Ngày đầu tiên cắt khí, thiếu 400MW điện
>>10 năm phát triển, tổng công suất điện chỉ tăng... 8.000MW
Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, nguy cơ thiếu điện trong cả nước sẽ kéo dài tới giữa tháng 9/2007.
Trong thời gian qua công suất điện cũng đã thiếu hụt do Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bị hạn chế ở ngưỡng 1.500 MW để chống lũ. Bên cạnh đó, nhiều tổ máy nhiệt điện như: một tổ máy Nhiệt điện Phả Lại 2 (công suất 300 MW), một tổ máy của Nhà máy Phú Mỹ 4 (công suất 140 MW) và một tổ máy của Nhà máy Hiệp Phước (công suất 125 MW)... phải tách ra khỏi hệ thống để sửa chữa và sự cố nhà máy điện phú Mỹ 3 (công suất 720 MW) đã phải giảm một nửa chỉ còn 360 MW, dự kiến đến tháng 10/2007 mới khắc phục xong.
Thuỷ điện Hoà Bình (Ảnh minh hoạ) |
Hiện nay các nhà máy trên đã đi vào hoạt động (trừ Phú Mỹ 3), riêng công suất thuỷ điện Hoà Bình vẫn còn bị hạn chế ở ngưỡng 1.500 MW đến giữa tháng 9. Cùng với việc ngừng cung cấp khí từ Nam Côn Sơn, thì thiếu điện là điều khó tránh khỏi.
Tổng công suất cụm Phú Mỹ vào khoảng 4.000 MW, chiếm 35% tổng công suất toàn hệ thống. Sản lượng điện huy động từ khí Nam Côn Sơn khoảng 70 triệu KWh ngày, chiếm 34% sản lượng điện toàn hệ thống. Theo tính toán của A0 sau khi huy động hết các nguồn kể cả mua ngoài và đưa dầu vào chạy thay khí thì cả nước vẫn thiếu khoảng 500 - 1.000 MW trong 2 giờ cao điểm mỗi ngày.
Hiện công suất khả dụng của toàn hệ thống điện chỉ có từ 10.200 - 10.500 MW nên với việc ngừng cấp khí này sẽ càng làm cho hệ thống điện quốc gia bị thiếu hụt. Chính vì vậy, trong trường hợp nhu cầu phụ tải vượt quá công suất khả dụng, toàn quốc sẽ phải tiết giảm điện vào giờ cao điểm, nhất là cao điểm sáng để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Bên cạnh đó, do thiếu nguồn dự phòng, nên các nguồn điện phải căng mình ra để hoạt động theo kiểu không có nghỉ ngơi để đáp ứng mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống thì nguy cơ xảy ra sự cố là rất cao. Trong trường hợp xảy ra sự cố thì việc phải cắt điện trên diện rộng cũng là điều khó tránh khỏi.
-
Trần Thuỷ