(VietNamNet) - Các chuyên gia thuộc Tổ điều hành thị trường trong nước và Bộ Công Thương cho rằng, các biện pháp chống tăng giá đã bắt đầu phát huy tác dụng, thị trường đã bắt đầu chững lại. Dự báo đà tăng giá trên thị trường sẽ tiếp tục được kiềm chế. Bộ Công Thương dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 9 sẽ ở mức 0,2 - 0,3%.
>> Hút tiền ra khỏi lưu thông để ngăn đà lạm phát
>> Sẽ tiếp tục giảm thuế mạnh nhiều mặt hàng
>> Chỉ số giá tiêu dùng đã chững lại
>> Giảm thuế mạnh hàng loạt mặt hàng để chống tăng giá
>> Thủ tướng chỉ đạo biện pháp cấp bách chống tăng giá
Điểm lại các mặt hàng "nóng" trong tháng 8
Tháng 8, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai hàng loạt biện pháp nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá. Sau gần 1 tháng áp dụng, dường như các "liều thuốc" chống tăng giá đã có tác dụng: tốc độ tăng CPI đã giảm xuống còn 0,55%. Nhiều mặt hàng tăng giá nóng trong những tháng trước đây đã bắt đầu có điều chỉnh.
Dược phẩm vẫn có nhiều sản phẩm tăng giá. (Ảnh: Phước Hà)
Trước hết, nhóm hàng thực phẩm sau khi có quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5 - 15% và thức ăn chăn nuôi giảm 3 - 10%, nhưng do giá thế giới cũng cao nên giá thực phẩm trên thị trường chỉ chững lại, hầu như không giảm. Tại các tỉnh phía Bắc, giá thịt lợn sau khi tăng cao trong tháng 7, sang tháng 8 nhìn chung ổn định. Riêng các tỉnh phía Nam do tác động của dịch lợn tai xanh, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn chiều hướng giảm nên giá thịt lợn giảm tại một số địa bàn, với mức giảm: lợn hơi 500 - 1.000 đ/kg, thịt lợn mông sấn 1.000 - 1.500 đ/kg.
Trong khi giá thịt lợn giảm thì các thực phẩm khác như thịt bò, thịt gia cầm và thuỷ sản... sau khi tăng 2.000 - 4.000 đ/kg trong mấy ngày đầu tháng 8 ở một số địa bàn đã bắt đầu chững lại. Giá thịt bò phổ biến ở mức 75.000 - 90.000 đ/kg. Tại Hà Nội, gà ta 58.000 - 60.000 đ/kg hơi, gà công nghiệp 35.000 đ/kg hơi. Trong khi đó, riêng cá tra giảm trở lại tại ĐBSCL, ngày 15/8 giá cá tra thịt trắng 13.200 - 13.400 đ/kg (giảm 500 - 600 đ/kg), cá tra thịt vàng 12.500 - 12.800 đ/kg (giảm 200 đ/kg).
Đối với sản phẩm sữa, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2007, một số loại sữa nhập ngoại tiếp tục tăng giá 20.000 - 25.000 đ/hộp, trong đó sữa Enfagow loại 1,8 kg tăng lên 425.000 đ/hộp, sữa bột sản xuất trong nước như Nutfood, Vinamilk cũng tăng giá bán 3.000 - 10.000 đ/hộp. Sau khi có quyết định điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu sữa, giá sữa trên thị trường đã chững lại nhưng chưa có dấu hiệu giảm.
Đối với mặt hàng thép xây dựng, hiện giá bán thép xây dựng của các đơn vị sản xuất và liên doanh với Tổng Công ty Thép từ 9.550 - 9.900 đ/kg tuỳ loại, giảm khoảng 300 đồng/kg so với tháng trước. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, sản lượng thép xây dựng của toàn Hiệp hội trong tháng đạt khoảng 230.000 tấn, lượng tiêu thụ trong tháng đạt 220.000 tấn, lượng tồn kho thép thành phẩm khoảng 185.000 tấn, lượng phôi thép tồn kho đến cuối tháng 8/2007 là 310.000 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng 2 tháng tiếp theo, nhưng giá vẫn đứng ở mức cao.
Thị trường dược phẩm cả nước trong tháng 8/2007 nhìn chung về cơ bản vẫn tiếp tục ổn định. Tuy nhiên, một số loại kháng sinh của các xí nghiệp dược phẩm trong nước sản xuất và liên doanh với nước ngoài có sự tăng giá khoảnng 5% do giá nguyên liệu đầu vào đã làm chỉ số giá nhóm dược phẩm, y tế tháng 8/2007 tăng tới 0,65%. Trong các loại thuốc này, có loại tăng đến trên 30% và nhiều loại trên 20%. Khảo sát 1.000 mặt hàng thuốc ngoại trên thị trường cả nước nhìn chung giá ổn định. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt hàng giá cả có thay đổi nhưng không lớn như: Amoxicilin 250mg và 500mg Ấn Độ tăng.
Hiện Cục Quản lý Dược Việt Nam đã có công văn số 4497/QLD-PCD gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc tại Việt Nam và các cơ sở khám chữa bệnh y tế công lập để triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường thuốc chữa bệnh trong những tháng cuối năm 2007. Tuy nhiên, dược phẩm tháng 9 tăng nhẹ do giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Bắt đầu lo cho Tết
Theo các chuyên gia của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 9, sẽ có nhiều yếu tố khiến sức mua tăng cao như: Quốc khánh 2/9, khai giảng năm học mới và Tết Trung thu. Thêm vào đó, tình hình thời tiết (bão, lũ lụt), dịch bệnh còn có những diễn biến khó lường, cùng với giá cả vật tư trên thị trường thế giới còn ở mức cao sẽ tạo sức ép tăng giá trong nước.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 sẽ tăng ở mức thấp, khoảng từ 0,2 - 0,3%. Trong đó, giá lương thực sẽ không tăng mạnh do nguồn cung vẫn dồi dào. Các doanh nghiệp hiện đã được yêu cầu không được ký thêm hợp đồng xuất khẩu. Giá thực phẩm sẽ ổn định dần do hàng hoá trên thị trường khá phong phú và công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường. Giá cả các mặt hàng khác: đường, giấy, xi măng sẽ ổn định.
Tính chuyện hàng Tết ngay từ bây giờ. (Ảnh: thitruong.vn)
Một yếu tố có thể gây tác động lớn là các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá đã được triển khai trong tháng 8 sang tháng 9 sẽ bắt đầu có tác động đến thị trường. Cụ thể, tháng 9 cũng là thời điểm hàng hoá nhập khẩu theo mức thuế giảm sẽ bắt đầu được nhập về nhiều hơn có thể kéo giá trong nước giảm. Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ có những kết quả đầu tiên giúp các bộ, ngành có thêm cơ sở để điều hành giá cả.
Giá cả bước đầu đã được kiểm soát, nhưng theo chu kỳ, vào cuối năm và dịp tết, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao và kéo theo giá cả tăng. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành đã tính đến phương án điều hành hàng hóa và giá cả cho dịp Tết.
Mới đây, thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước đã làm việc với các bộ, hiệp hội, tổng công ty lớn để rà soát lại, cân đối cung cầu và tìm các biện pháp bình ổn thị trường 5 tháng cuối năm 2007 đối với các mặt hàng trọng yếu, dự báo cân đối cung cầu năm 2008 và chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Tý 2008.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã làm việc với các nhà phân phối lớn trong nước và với một số địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh, An Giang) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường từ nay đến hết năm 2007 và kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2008.
Để bảo đảm nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Tý, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính cho phép các địa phương được sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi tại địa phương cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm vay không trả lãi trong thời hạn 6 tháng (trước và sau Tết) để dự trữ thực phẩm và ổn định giá bán.
-
Phước Hà
Ý kiến độc giả: