(VietNamNet) - Tại cuộc họp báo về phiên họp tháng 8 của Chính phủ tổ chức tối 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm hạ nhiệt tốc độ tăng giá thực phẩm, hiện đang ở mức trên 10% so với tháng 12/2006.
"Chính phủ sẽ có biện pháp chống đầu cơ thực phẩm", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nói. Ảnh: VA
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 thấp hơn các tháng trước
Theo con số của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,55% so với tháng 7, thấp hơn mức tăng nhiều tháng trước đó: tháng 5 tăng 0,77%, tháng 6 là 0,85%, tháng 7 tăng 0,94%.
Đây là kết quả của "hàng loạt biện pháp kiềm chế lạm phát đồng bộ và quyết liệt như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, giảm giá xăng, rút bớt tiền trong lưu thông", như đánh giá của Bộ KHĐT trong báo cáo trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/8.
Dẫn đầu nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao là thực phẩm (0,92%), lương thực (0,86%), dược phẩm (0,65%). Tiếp đó là đồ uống, thuốc lá, đồ dùng và dịch vụ khác, may mặc... Các nhóm hàng thiết bị và đồ dùng gia đình và gia đình cũng tăng trong tháng 8 0,28%. Chỉ số giá vàng tăng 1,49%, tỷ giá đôla Mỹ tăng 0,16%. Chỉ có giá dịch vụ bưu chính viễn thông là giảm 0,07%.
So với tháng 12 năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 đã tăng 6,78% (trong khi cùng thời gian này năm trước, con số này chỉ là 4,8%). Nhóm hàng ăn và dịch vụ tăng nhiều nhất, tới 9,46%. Riêng giá thực phẩm đã tăng 10,79%.
Trước câu hỏi của phóng viên VietNamNet rằng Chính phủ sẽ có biện pháp quyết liệt gì để hạn chế mức tăng 2 con số đối với thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến từng gia đình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ có nhiều biện pháp cụ thể như chống đầu cơ. Ví dụ, đối với mặt hàng sữa, đang kiểm tra liệu có hiện tượng đầu cơ hay không.
Hạn chế nhập siêu từ nay đến cuối năm
Để đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 8,5% như mục tiêu Chính phủ đề ra, những tháng cuối năm, VN phải đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 9%. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện 9 giải pháp chủ yếu.
Cụ thể, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, ách tắc để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sản lượng những sản phẩm có tỷ trọng lớn trong công nghiệp nhưng tốc độ tăng trưởng còn thấp so với khả năng phát triển, bảo đảm đủ điện cho sản xuất và đời sống.
Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu đối với một số thị trường đang nhập siêu lớn như: Trung Quốc, Singapore, Mỹ, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để ổn định thị trường, từng bước cân đối cán cân xuất, nhập khẩu.
Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường. Thực hiện tốt thu chi ngân sách, rà soát, xử lý các khoản nợ đọng thuế, tăng cường các biện pháp chống lãng phí, thất thoát, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
Đồng thời, sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, giải ngân, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản. Đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt dự án, đấu thầu, phân cấp quản lý về đầu tư, xây dựng, cấp đất.
Một nhiệm vụ nữa của các bộ, ngành, địa phương là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng.
-
Vân Anh
Ý kiến độc giả: