(VietNamNet) - Tính đến hết tháng 8-2007, đã có 13 bộ hồ sơ được gửi lên Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) mới.
Một vấn đề được dư luận, các nhà lập chính sách, nhà quản trị ngân hàng đang rất quan tâm: sau làn sóng thành lập Công ty cổ phần chứng khoán, thì đến lượt một cuộc đua mới nhưng có vẻ ngấm ngầm hơn để thành lập NHTMCP.
Các cổ đông là các tập đoàn kinh tế lớn, các cá nhân có tiềm lực tài chính… đã chờ đợi khá lâu cho tấm giấy phép thành lập NHTMCP. Họ tìm cách “gõ nhiều cửa”, tranh thủ có được nhiều công văn của cấp có thẩm quyền để “tác động”. Song từ nhiều năm nay, vẫn chưa có NHTMCP nào được cấp giấy phép.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức yêu cầu Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong tháng 9/2007 phải báo cáo về việc các NHTMCP mới xin thành lập, trong đó chú ý việc các NHTMCP hiện đang hoạt động lại góp vốn thành lập NHTMCP mới.
Nhu cầu dịch vụ ngân hàng ngày càng tăng mạnh (ảnh: Lê Anh Dũng)
Cuộc đua đã bắt đầu từ lâu
Thực ra thì cuộc chạy đua thành lập Công ty chứng khoán cổ phần và NHTMCP đã hình thành đồng thời với nhau, khởi điểm tập trung từ đầu năm 2006 và trong cả năm 2006 khi mà thị trường tài chính tăng trưởng “ngoạn mục”, giá cổ phiếu của cả NHTMCP và công ty chứng khoán cổ phần đều tăng gấp nhiều lần mệnh giá.
Số lượng công ty chứng khoán xuất hiện mới trong hơn một năm qua lên tới vài chục công ty, đến giữa tháng 8/2007 tăng gấp 2 lần cuối năm 2005. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có NHTMCP mới nào được thành lập.
Đỉnh điểm của cuộc chạy đua là đầu năm 2007, có tới 25 bộ hồ sơ nộp lên NHNN xin thành lập NHTMCP mới, gần bằng số lượng NHTMCP đô thị hiện có trong cả nước.
Tuy nhiên, sau Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ vào tháng 11/2006 về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN vào tháng 6/2007 của NHHH về điều kiện thành lập ngân hàng mới, việc thành lập NHTMCP đã trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý là mức vốn điều lệ tối thiểu của một NHTMCP đô thị tăng vọt từ 70 tỉ đồng lên 1000 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, đến hết tháng 8/2007, đã có 13 bộ hồ sơ được gửi lên NHNN để xin mở NHTPCP theo quy định mới. Được biết, nhiều dự án ngân hàng đã có đủ và cao hơn mức vốn tối thiểu, như: NHTMCP FPT có 1.000 tỷ đồng, NHTMCP Liên Việt có 3.300 tỷ đồng, NHTMCP Việt Tín có 1.680 tỷ đồng, NHTMCP Kinh Bắc có 1.500 tỷ đồng…
Ngoại trừ vài tỉnh, các ngân hàng mới chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong số các cổ đông sáng lập thì có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn như: Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam, Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn dầu khí, Tổng công ty thép, Tổng công ty sông Đà, Vietel và SSI, FPT, Bia Hà Nội....
Những cơ hội lớn
Thực ra các cổ đông sáng lập cùng lao vào cuộc đua thành lập NHTMCP mới đều có lý do khá thuyết phục. Có thể nêu lên một số khía cạnh chủ yếu sau đây:
Một là, nền kinh tế Việt Nam trước thời điểm và sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO, tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài, kim ngạch xuất nhập khẩu, lượng khách du lịch quốc tế... tăng trưởng mạnh. Do đó nhu cầu về dịch vụ ngân hàng tăng lên rất lớn.
Hai là, theo đề án thanh toán không dùng tiền mặt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây thì từ đầu năm 2008, trước tiên các đơn vị chi lương từ nguồn ngân sách nhà nước, tiếp đến là các đơn vị sự nghiệp… phải trả lương qua hệ thống tài khoản ngân hàng. Đây là một cơ hội lớn cho các NHTM, cùng theo chiều hướng đó thì việc chi trả lương của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân cũng phát triển rất mạnh.
Ba là, tiềm năng thị trường dịch vụ ngân hàng ở nước ta còn rất lớn. Tính bình quân trong hơn 3 năm qua, các NHTM ở nước ta có tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu đạt tới trên 30%/năm.
Bốn là, hàng loạt thị trường khác như: chứng khoán, bất động sản, du lịch, thị trường lao động trong và ngoài nước… tiếp tục phát triển mạnh. Các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ công cộng... đang được xã hội hoá mạnh mẽ làm cho nhu cầu dịch vụ ngân hàng cũng tăng mạnh.
Những thách thức không nhỏ
Đằng sau cơ hội là những thách thức không nhỏ đối với các NHTMCP mới.
Thách thức lớn nhất là bài toán chi phí và lợi nhuận. Để được cấp giấy phép thành lập ở thời điểm hiện nay, phải có số vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng. Số tiền đó phải được duy trì số dư tiền gửi tại một ngân hàng trong suốt thời gian từ khi chấp thuận về nguyên tắc cho đến khi khai trương hoạt động.
Việc sử dụng có hiệu quả số vốn đó là một vấn đề nan giải. Bởi vì phi chi phí cho xây dựng hay thuê trụ sở, trang thiết bị, đầu tư công nghệ, đào tạo, quảng bá hình ảnh và thương hiệu, tiếp thị… là rất lớn, mà nguồn thu thì lại là cả một quá trình.
Thách thức thứ hai đó là nguồn nhân lực mà các NHTM hiện tại cũng đang “đau đầu”. Sinh viên tốt nghiệp ra trường thì nhiều. Nhưng để vận hành một ngân hàng thì cần phải có đội ngũ cán bộ am hiểu thực tiễn và thành thạo chuyên môn nghiệp vụ giữ vị trí bộ khung, cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt.
Hiện nay, các NHTMCP đang lôi kéo cán bộ của nhau, đặc biệt của các NHTM Nhà nước, dựa vào các chính sách: tiền lương, tiền thưởng, cổ phiếu ưu đãi, điều kiện làm việc, bổ nhiệm… Tuy nhiên, gần đây các NHTM Nhà nước chuẩn bị cổ phần hoá cũng có nhiều cách để giữ chân, với chính sách cổ phần ưu đãi, cải thiện về lương và thưởng, chính sách bồi hoàn chi phí đào tạo nếu ra đi…
Bài toán nhân lực với các NHTMCP hiện tại đã khó rồi, với các NHTMCP chuẩn bị thành lập còn khó hơn. Giải pháp phổ biến là lương cao, nhưng lương cao thì ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Thách thức lớn thứ ba là phát triển mạng lưới. Hệ thống NHTM Việt Nam hoạt động chủ yếu là bán lẻ, nên mạng lưới giao dịch phải thuận tiện, gần dân. Cũng chính vì lý do đó và nhận thấy nguy cơ cạnh tranh từ các ngân hàng mới (gồm cả ngân hàng nước ngoài), nên các NHTMCP và cả NHTM Nhà nước đều tăng tốc mở chi nhánh, phòng giao dịch ở các khu vực đông dân cư, trung tâm thương mại, khu đô thị mới, thậm chí là các khu vực ngoại thành và nông thôn.
Bản thân nhiều NHTMCP hiện tại cũng đang cảm thấy bị đuối sức trong vấn đề này, nên các NHTMCP mới chắc chắn cũng khó khăn khi chen vào “chợ đã kín chỗ ngồi”. Đoạn đường Kim Liên - Ô chợ Dừa ở Hà Nội mới mở dài có 900 mét, mặc dù chưa khánh thành nhưng chỉ trong có vài tháng đã xuất hiện 8 chi nhánh và phòng giao dịch của các ngân hàng. Tầng một của hai toà nhà sát nhau tại khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có mặt tới 4 ngân hàng.
Không chỉ là chi phí, mà các ngân hàng còn phải “tranh giành” chỗ địa điểm với nhau. Có ngân hàng vừa thoả thuận với chủ nhà xong, chưa kịp nhận tiền đặt cọc thì đã có ngân hàng khác đến thuê với giá cao hơn. Thậm chí đã đặt cọc rồi còn bị chủ nhà trả lại tiền để chấp nhận trường hợp khác thuê cao hơn.
Ngoài ra là hàng loạt thách thức khác, như: công nghệ, quản trị điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro, đa dạng hoá nghiệp vụ kinh doanh, chất lượng và uy tín của dịch vụ, thu hút khách hàng…
Hiện nay nhiều Công ty chứng khoán mới thành lập cũng đang trong tình trạng “ngồi trên đống lửa” khi phải cân đối giữa chi phí đầu tư và thu nhập, và dự báo thời gian tới sẽ phải chịu sự sàng lọc của thị trường. Liệu tới đây các NHTMCP mới được thành lập sẽ đối mặt với những thách thức như thế nào. Có lẽ câu trả lời chờ đợi từ thực tiễn.
Các NHTMCP nộp hồ sơ xin cấp phép tính đến hết tháng 8/2007
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
TT | Tên ngân hàng | Vốn điều lệ | Địa phương |
1 | NHTM CP Liên Việt | 3.300 | Hậu Giang |
2 | NHTM CP FPT | 1.000 | Hà Nội |
3 | NHTM CP Văn Phong | 1.000 | Khánh Hoà |
4 | NHTM CP Năng lượng | 1.000 | Hà Nội |
5 | NHTM CP Việt Tín | 1.680 | TP. HCM |
6 | NHTM CP Kinh Bắc | 1.500 | Bắc Ninh |
7 | NHTM CP Đông Dương Thương tín | 1.000 | Hà Nội |
8 | NHTM CP Ngôi sao Việt Nam | 1.000 | Hà Nội |
9 | NHTM CP Việt Nam | 1.000 | TP. HCM |
10 | NHTM CP Phát triển đô thị Việt Nam | 1.000 | Hà Nội |
11 | NHTM CP Dầu khí | 1.000 | Hà Nội |
12 | NHTM CP Ngoại thương châu Á | 1.000 | Hà Nội |
13 | NHTM CP Đông Dương | 1.000 | Long An |
-
Nguyễn Hà
Ý kiến bạn đọc: